Bà Sara Duterte Carpio, con gái ông Duterte, hiện là thị trưởng Davao, thành phố lớn thứ ba của Philippines. Ngày 2/10, bà đăng ký tái tranh cử vị trí thị trưởng. Trước đó, bà nói sẽ không tranh cử ở cấp quốc gia trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm sau.
Theo bản tin của ABS-CBN, ông Duterte cho biết đồng minh thân thiết nhất của ông là thượng nghị sĩ Christopher Go sẽ là ứng viên phó tổng thống. Khi phóng viên hỏi: “Vậy rõ ràng sẽ là cặp ứng viên Sara - Go?”, ông Duterte trả lời: “Đúng là Sara - Go”. Trong clip, khi được hỏi liệu ông có cho phép con gái tranh cử tổng thống, ông nói: “À, thực ra chúng tôi không nói với nhau về chính trị, vì chúng tôi không bao giờ bàn về chính trị. Tôi cho rằng như thế tốt hơn”, ông Duterte nói. Phát ngôn viên của bà Sara và thượng nghị sĩ Go chưa đưa ra bình luận về những thông tin trên, theo Reuters.
Ngày 2/10, vị tổng thống 76 tuổi nói rằng, ông sẽ thôi làm chính trị. Động thái bất ngờ này dẫn đến suy đoán rằng ông đang mở đường để con gái tranh cử vị trí tổng thống. Ông Duterte từng được kỳ vọng sẽ ứng cử vị trí phó tổng thống, nhưng kế hoạch này bị nhiều người dân Philippines phản đối vì cho là vi phạm tinh thần của hiến pháp, trong đó quy định mỗi người chỉ được làm tổng thống một nhiệm kỳ để tránh lạm quyền.
Các nhà phân tích cho rằng, ông Duterte cần một người kế nhiệm trung thành, vì thế không ai tốt hơn ngoài con gái ông. Tuy nhiên, bà Sara Duterte Carpio nhiều lần thể hiện tư tưởng độc lập với cha trong các vấn đề như cuộc chiến chống ma tuý và quan hệ đối ngoại với Mỹ và Trung Quốc.
Việc bà Sara đăng ký tái tranh cử vị trí thị trưởng không làm giảm suy đoán rằng bà sẽ tranh cử chức tổng thống. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, vẫn có thể có thay đổi phút chót như đã xảy ra vào năm 2015, khi ông Duterte bước vào cuộc đua giành vị trí tổng thống vào giai đoạn sát nút và chiến thắng với mức chênh lớn. Vì thế, con gái ông cũng có thể làm tương tự. Các ứng viên vẫn còn thời gian từ nay đến ngày 8/10 để đăng ký, có thể rút lại và thay đổi đến thời hạn 15/11, vì thế mọi khả năng vẫn có thể xảy ra, theo AP.
Gương mặt sáng giá
Bà Sara, 43 tuổi, là luật sư trước khi bước vào chính trường năm 2007 và trở thành phó thị trưởng Davao. Đến năm 2010, bà kế nhiệm cha để trở thành nữ thị trưởng đầu tiên của thành phố có hơn 1,6 triệu dân, nằm cách thủ đô Manila khoảng 1.000km.
Hình ảnh quyết liệt và mạnh mẽ của bà chinh phục được nhiều người. Bà từng đấm một quan chức dám thách thức bà. Bà đi một chiếc mô-tô phân khối lớn, đặt biệt danh cho 3 con là Sharkie (cá mập), Stingray (cá đuối) và Stonefish (cá mặt quỷ).
Bà cũng là một gương mặt quen thuộc trên chính trường quốc gia và đóng vai trò là đệ nhất phu nhân khi cha bà không có phu nhân tháp tùng. Tháng trước, bà Sara nói rằng không tranh cử vị trí cao hơn vì bà và cha bà đã thoả thuận với nhau rằng chỉ có một người được tranh cử cấp quốc gia. Vì thế, việc ông Duterte thông báo rời chính trường có thể để mở đường cho con gái thay thế.
Dù bà Sara chưa từng đảm nhận vị trí nào ở cấp quốc gia, nhưng hiện là một trong những gương mặt được ủng hộ nhiều nhất trong các cuộc thăm dò dư luận. Bên cạnh đó, một số ứng viên khác đang nổi lên, khiến tỷ lệ ủng hộ bà trong cuộc thăm dò do Pulse Asia thực hiện trong tháng 9 giảm từ 28% xuống 20%. Cựu vận động viên quyền anh Manny Paquiao cải thiện tỷ lệ ủng hộ từ 8% lên 12%. Một ứng viên tiềm năng khác là con trai cố Tổng thống Ferdinand Marcos, người đứng sau bà Sara trong cuộc thăm dò. Hai người khác cũng tuyên bố ý định tranh cử, gồm Thị trưởng Manila Francisco Domagoso, một cựu diễn viên; và thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, cựu cảnh sát trưởng. Phó Tổng thống Leni Robredo cũng có thể sắp thông báo tranh cử.
Trong nhiều thế hệ, Philippines luôn bị chi phối bởi các gia đình chính trị. Cố thượng nghị sĩ Miriam Defensor Santiago nói hồi năm 2013 rằng Philippines có 178 dòng tộc chính trị đang hoạt động, khiến nước này trở thành “thủ đô của thế giới” về số lượng dòng tộc chính trị. Người của những dòng tộc này nắm vị trí ở mọi cấp, từ quốc gia xuống tận làng xã. Dù ai thắng hay thua trong bất kỳ một cuộc bầu cử nào thì người thắng cũng là thành viên của dòng tộc nào đó.
Ông Ronald Mendoza, hiệu trưởng Trường Quản trị Ateneo ở Manila, cho biết, tính đến năm 2019, có đến 80% thị trưởng, 67% phó thị trưởng, 66% nghị sĩ và 53% thị trưởng là người của các dòng tộc chính trị. Ông Mendoza định nghĩa dòng tộc chính trị là gia đình có ít nhất 2 người làm quan chức.