Chiều 17/10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố Hà Nội.
Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà có phương án bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần, sức khỏe cho khách hàng hay không sau sự cố nước sạch vừa qua?
Trả lời câu hỏi này, đại diện công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết: Hiện cơ quan công an đã khởi tố vụ án nên "khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng nên chúng tôi chưa có thông tin gì để cung cấp cho báo chí".
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Hùng Võ trong cuộc trao đổi với Tiền Phong vào ngày 17/10, khẳng định, việc cung cấp nước là quan hệ thương mại mang tính dân sự, giữa đơn vị cấp nước và người dân đô thị. Về nguyên tắc, bên bán nếu gây thiệt hại cho bên mua thì phải bồi thường dù có ghi hoặc không ghi điều khoản trong hợp đồng.
“Nếu chứng minh được việc nước bị nhiễm bẩn gây thiệt hại cho người dân thì phải đền bù. Điều này rất bình thường trong pháp luật dân sự”, ông Võ nói.
Theo ông Võ, người dân, các tổ chức có liên quan, các cơ quan nhà nước có thể phối hợp, hỗ trợ, chứng minh thiệt hại trước mắt và lâu dài do nước nhiễm bẩn gây ra, ví dụ như gây suy hao về sức khỏe để bên cấp nước bồi thường.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Cty Luật ICC cho rằng: nếu người dân bị ảnh hưởng sức khỏe bởi dùng nước nhiễm bẩn do công ty cung cấp thì đương nhiên có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
“Việc công ty cấp nước biết nước bị nhiễm bẩn (nhiễm dầu), không đạt tiêu chuẩn mà vẫn bán cho người dân sử dụng, gây hậu quả thì có thể xem xét 2 yếu tố dân sự và hình sự. Ngoài nghĩa vụ bồi thường thì có thể đặt vấn đề trách nhiệm hình sự đối với cá nhân trên cơ sở xem xét cụ thể hành vi, đánh giá hậu quả và cơ quan công an có thể khởi tố vụ án để điều tra làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan” - luật sư Tùng nói.
Cần quản lý các nguồn cấp nước
Ông Đặng Hùng Võ cho biết, việc quản lý và cấp nước sạch cho người dân đều có các quy chuẩn kỹ thuật, nhưng trên thực tế có nhiều lỏng lẻo.
Ông Đặng Hùng Võ dẫn chứng hồ chứa cấp nước Đầm Bài (rộng 69ha, nơi chứa nước ngọt cung cấp cho nhà máy nước Sông Đà) vừa bị đổ chất thải ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nước sạch. Ngoài việc bị đổ thải gây ô nhiễm trên thực tế, hồ này còn là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp.
Việc tưới tràn trong nông nghiệp khiến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chảy xuống hồ và "đây cũng là một nguồn gây độc hại cho nguồn nước".
“Giải pháp đặt ra là cần kiểm tra, quản lý các nguồn cấp nước để sản xuất nước sạch cho các đô thị. Quy trình quản lý phải chuẩn. Như ở các nước, nơi sản xuất nước sạch cho người dân đều được lắp các sensor, cảm biến tự động. Mọi chỉ số đều được đánh giá, công khai hàng ngày cho người dân được biết. Đấy là một cách giám sát hiện quả, ai cũng biết, cũng nhìn được chỉ số về nơi cung cấp nguồn nước”, ông Võ nói.
Theo ông Võ, với điều kiện hiện nay, việc lắp các thiết bị cảm biến đo các chỉ số như vậy “không còn cao xa”, nhưng ở Việt Nam hiện vẫn chưa triển khai.
Về mức độ an toàn của các dự án nước sạch từ nguồn nước mặt, ông Võ tái khẳng định việc cần có quy chuẩn thực sự chặt chẽ và cụ thể để bảo vệ sức khỏe người dân. Còn việc có đảm bảo chất lượng, an toàn hay không phụ thuộc vào việc quản lý.
“Nước mặt chủ yếu lấy từ nước sông, nước hồ. Phải đưa vào các hồ chuyên dụng làm nguồn cung nước sạch. Vấn đề còn lại là quản lý kiểu gì. Dù nước mặt hay nước ngầm thì quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng nước sạch thực sự an toàn cho người dân. Khi phê duyệt các dự án thì phải xem xét việc này”, ông Võ nói.