Ông đại sứ mê phở Việt, đá bóng “phủi”

Đại sứ Pháp Poirier (áo trắng) trong một trận đá bóng giao hữu trên sân vận động Xuân La - Hà Nội ngày 10/1/2015. Ảnh: Như Ý
Đại sứ Pháp Poirier (áo trắng) trong một trận đá bóng giao hữu trên sân vận động Xuân La - Hà Nội ngày 10/1/2015. Ảnh: Như Ý
TP - Có thể coi Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier là một nhà Việt Nam học. Đằng sau vẻ lịch lãm của một nhà ngoại giao, ông Poirier thực sự là con người cởi mở và gần gũi. Đã sống 14 năm ở Việt Nam, ông nói tiếng Việt khá tốt, mê món phở, thích đá bóng “phủi” và mới đây còn tham gia chấm thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam với tư cách giám khảo khách mời đặc biệt.

Học tiếng Việt từ lúc 15 tuổi

Nói đại sứ Poirier là chàng rể Việt Nam cũng không ngoa, bởi vợ ông cũng là người gốc Việt, ba đứa con cũng mang trong mình dòng máu Việt. Ông thổ lộ rằng ở Việt Nam, ông cảm thấy như ở nhà mình. Ông Poirier có cái thú là thường tản bộ buổi sáng, rồi tới quán phở quen thuộc trên phố Nguyễn Hữu Huân để thưởng thức, hít hà mùi vị món phở bò khoái khẩu. Đến từ một đất nước nức tiếng về nghệ thuật ẩm thực đẳng cấp thế giới, nhưng ông lập tức bị chinh phục, để bát phở bình dân nước Việt hớp hồn. Nhà ngoại giao chuyên nghiệp này bộc bạch, cơ duyên giữa ông với Việt Nam đã ngấm sẵn trong máu từ rất lâu rồi. 

“Người Việt thường không nói ra điều mà mình muốn hoặc không thích, khiến cho đối tác phải dò đoán rất vất vả”.

Ông Poirier hóm hỉnh
Ông bảo rất khó trả lời lý do vì sao mình lại yêu Việt Nam đến thế. Có nhiều yếu tố khiến ông cảm thấy rất thoải mái ở đây. Trước hết, gia đình ông có một mối liên hệ đặc biệt với miền đất này. Bà nội ông sinh ở Việt Nam, còn ông ngoại là thanh tra thương mại thời thuộc địa, chuyên kiểm soát các tàu hàng nên có rất nhiều dịp sang Sài Gòn và Hải Phòng công cán. Vị thanh tra hay sang Việt Nam, khi về thường kể với gia đình những câu chuyện về hòn ngọc Viễn Đông Sài Gòn, một đất nước châu Á xa xôi với vẻ đẹp hiền hòa khiến mọi người trong nhà dù chưa có dịp song đều mong muốn được đặt chân tới xứ sở ấy.

Đó có thể là một trong những duyên do thúc đẩy cậu bé Jean rất quan tâm đến khu vực châu Á. “Ngay từ khi mới 15 tuổi, tôi đã quyết định học tiếng Việt và tiếng Trung. Nghĩa là sự quan tâm đến khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam của tôi bắt nguồn từ rất sớm”, đại sứ Poirier chia sẻ. Ông bảo nếu có quan hệ gần gũi với cộng đồng người Pháp ở Việt Nam, tìm hiểu về họ một chút thì hầu như ai cũng có một chút mối quan hệ gì đó gắn với Việt Nam. Ông phát hiện có một điểm tương đồng về tâm lý giữa người Pháp và người Việt là sống rất tình cảm, chỉ có điều cách thức thể hiện khác nhau mà thôi. Trong khi người Việt Nam giấu bên trong thì người Pháp thường thể hiện ra ngoài.

Ông đại sứ mê phở Việt, đá bóng “phủi” ảnh 1 Đại sứ Pháp Poirier
Đại sứ Poirier rất khâm phục đức tính kiên cường, siêng năng, dũng cảm, chịu thương chịu khó của người Việt Nam, không chỉ trong thời chiến mà ngay thời bình. Ông rất nể sự chịu đựng, tinh thần kỷ luật, sự chịu thương chịu khó của người Việt trong giai đoạn khó khăn. Ông Poirier cực kỳ ấn tượng khi đi bát phố vào ban đêm ở Hà Nội, thấy những chị lao công âm thầm quét dọn sạch sẽ đường phố, đẩy chiếc xe chở rác nặng trĩu mà tịnh không có một lời than thở. Ông nhận thấy Việt Nam quả thực có một sức mạnh tiềm ẩn. 

Người Việt Nam trong mắt đại sứ Poirier có khả năng linh động, mềm dẻo, dễ thích ứng với tất cả hoàn cảnh, đặc biệt là tính hài hước, lạc quan. Mặc dù cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhưng người Việt Nam luôn có cái nhìn lạc quan, yêu đời để tìm ra giải pháp.

Vậy còn “người Việt xấu xí” thì sao? Tôi gạn hỏi nhà ngoại giao Pháp, ông cười bảo điều này thực sự khó nói. Theo ông Poirier, người Việt Nam có tính kiên định, nhưng đôi khi lại biến tướng thành sự cố chấp. Ngài đại sứ cho biết rất “run” khi đi lại ở Việt Nam, ai cũng cố vượt lên đèn đỏ hoặc có ôtô trước mặt thì lại vòng ra đằng sau cố làm sao để mình vượt lên bất chấp hậu quả. Tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam rất cao chính vì thiếu ý thức chấp hành pháp luật.

Ông Poirier cũng tỏ ý “chê” sự bấp bênh, rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam và cho rằng không nên cố chấp mà cần phải nhìn thẳng vào sự thật mới giải quyết được thực trạng nguy hiểm, tránh nảy sinh nguy cơ vượt tầm kiểm soát. “Người Việt thường không nói ra điều mà mình muốn hoặc không thích, khiến cho đối tác phải dò đoán rất vất vả. Vì vậy, ai chưa quen với văn hóa và con người Việt Nam sẽ dễ có những hiểu nhầm hoặc không hiểu được mong muốn thực sự của đối tác”, ông Poirier hóm hỉnh nói.

Giúp chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Chuyện Đại sứ Pháp thường trốn tiệc tùng, thích xỏ giày ra sân đá bóng “phủi” ngoài bãi An Dương nhiều người biết. Bộ Giao thông Vận tải của “tư lệnh” Đinh La Thăng từng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tổ chức giải bóng đá giao lưu với nhau. Hỏi ông Poirier có cảm thấy chạnh lòng khi hiện nay ảnh hưởng của văn hóa Pháp có vẻ bị thoái trào so với trước sự vươn lên lấn át của những quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc? Ông thừa nhận quả thực cả Việt Nam và khu vực châu Á ngày nay đều sử dụng rộng rãi tiếng Anh là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Ông đại sứ mê phở Việt, đá bóng “phủi” ảnh 2 Đại sứ Poirier trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong
Tuy nhiên, đại sứ Poirier nhấn mạnh quả thực Pháp có ảnh hưởng lớn về văn hoá, kiến trúc ở Việt Nam và Pháp mong muốn duy trì và bảo tồn được những giá trị đó tại Việt Nam. Ngoài việc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam bảo tồn cầu Long Biên như một biểu tượng lịch sử, văn hóa, kiến trúc, Pháp còn đang xúc tiến rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục nhằm lan tỏa mạnh hơn ngôn ngữ và các giá trị văn hóa Pháp. Theo ông Poirier, quan hệ giữa Pháp và Việt Nam hết sức đặc biệt, có những điều không có trong quan hệ song phương giữa các quốc gia khác và Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng người Pháp.

Ông bảo Việt Nam có mối quan hệ rất đặc biệt với Pháp và Pháp đã từng hiện diện ở Việt Nam hơn 100 năm. Khi Pháp ở Đông Dương, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm dưới sự kiểm soát của Pháp. Nước Pháp sẵn sàng mở kho hồ sơ tư liệu lưu trữ, có thể chứng minh chủ quyền tài phán của mình ngày xưa giúp Việt Nam giải quyết vấn đề tranh chấp biển đảo hiện nay.

Tất cả các tài liệu, bản đồ liên quan đến biển Đông mà Pháp có được trong kho tư liệu của mình liên quan đến thời kỳ mà Pháp cai quản khu vực này, Pháp đều mở cửa cho các đối tác liên quan có thể tham khảo. Ông Poirier nói: “Tôi biết đã có rất nhiều đoàn chuyên gia của Việt Nam sang Pháp để tham khảo các nguồn tài liệu này, xin sao chép các tài liệu giá trị để phục vụ cho công tác nghiên cứu”.

Nhà ngoại giao Pháp nhấn mạnh quan điểm của Pháp về các tranh chấp, xung đột về lãnh thổ trong khu vực hết sức rõ ràng, là phải được giải quyết thông qua các biện pháp đàm phán hòa bình và trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt liên quan đến các vấn đề về biển đảo phải tôn trọng và tuân thủ Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Pháp sẽ dùng tất cả ảnh hưởng của mình để cùng tìm được giải pháp hòa bình trên cơ sở thương lượng và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đại sứ Poirier khẳng định Pháp sẵn sàng giúp Việt Nam hiện đại hóa quân đội để bảo vệ Tổ quốc. Ông nằm trong nhóm quan chức Pháp thường xuyên trao đổi với Bộ Quốc phòng Việt Nam về chương trình hợp tác quân sự Việt-Pháp. Ông quả quyết hai bên sắp đạt được những bước tiến lớn trong thời gian tới.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG