TPO – Bằng cách đổi túi nylon lấy bao lì xì tái chế, các tình nguyện viên của CLB Go Green đã góp phần làm cho môi trường ao hồ ở Hà Nội sạch hơn trong ngày tết ông Công-ông Táo 23 tháng Chạp.
> Táo quân 2013: Hé lộ những đoạn nhạy cảm bị cắt
> ‘Táo Quân 2013’ vẫn lên sóng và ra đĩa
|
Thả cá chép xuống Hồ Gươm. Ảnh: T.N. |
Hôm nay (3-2, tức ngày 23 tháng Chạp -lễ tiễn ông Công - ông Táo về chầu trời), nhà nhà người người cùng đi thả cá chép. Tại Hà Nội, với mục đích hạn chế lượng túi nylon đổ xuống các lòng hồ, tạo môi trường trong sạch cho thủ đô Hà Nội trong những ngày cuối năm, các tình nguyện viên của clb Go Green đã tổ chức sự kiện Cá Xanh 2013. Hoạt động này nhằm hướng tới việc giáo dục nâng cao ý thức và khuyến khích người dân áp dụng lối sống xanh trong chính gia đình mình.
Tâm điểm của Cá Xanh 2013 là hoạt động đổi túi nylon lấy bao lì xì tái chế do chính các tình nguyện viên của Go Green chuẩn bị từ các nguyên liệu đã qua sử dụng. Theo đó, mỗi người dân đến thả cá tại Hồ Giảng Võ trong ngày 23 tháng Chạp được đổi túi nylon và nhận bao lì xì đặc biệt đầu năm với những lời chúc mang thông điệp xanh may mắn. Các tình nguyện viên còn tham gia dọn vệ sinh quanh hồ, tuyên truyền bảo vệ môi trường,…
Với khoảng 20 tình nguyện viên có mặt tại hồ Giảng Võ, các thành viên của Go Green đã bố trí thành các nhóm đứng ở khắp hồ để hướng dẫn người dân đến thả cá. Đây là năm đầu tiên nhóm thí điểm thực hiện hoạt động này.
Bạn Khánh Linh (sinh viên năm 2, ĐH Khoa học Tự Nhiên – ĐHQG Hà Nội) – thành viên của Go Green chia sẻ: Hầu hết mọi người đều nhận thức được việc bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp. Vì thế, khi thấy nhóm hướng dẫn, đón tiếp niềm nở, họ sẽ về tuyên truyền cho hàng xóm xung quanh cùng thực hiện. Những đợt tiếp theo, nhóm sẽ mở rộng hoạt động ở các khu vực khác như Hồ Gươm, Hồ Tây, cầu Long Biên…
Cũng trong ngày 23 tháng Chạp năm nay, trong khuôn khổ Hội hoa chợ Tết tôn vinh làng nghề và hàng nông sản chất lượng cao do Bộ VH-TT và DL phối hợp với UBND TP Hà Nội, Hội Nông dân TP Hà Nội, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức, ở làng gốm Bát Tràng cũng có Lễ hội dân gian ông Công - ông Táo. Đây cũng là dịp để người dân Hà Nội thêm hiểu hơn về những nghi lễ truyền thống - những di sản phi vật thể có giá trị đang dần bị mai một.
Lễ hội dân gian ông Công - ông Táo do làng gốm cổ Bát Tràng thực hiện có các nghi thức dân gian, truyền thống, bao gồm nghi lễ rước ba “ông đầu rau” khổng lồ được làm bằng vàng mã, rước cá chép dài tới 3,5m làm từ giấy và đặc biệt là chiếc bếp cổ được làm từ trấu và đất sét với chiều dài 1m, chiều rộng 65cm và chiều cao 45cm. Cùng với đó là 12 mâm sản vật, lễ vật của địa phương gồm bánh chưng, bánh dày, bánh đậu xanh, kẹo sìu châu, bánh cu đơ, bánh cáy, bánh phu thê, bưởi ngọt, nhãn muộn, mâm ngũ quả…
Lễ rước sẽ bắt đầu từ làng gốm Bát Tràng với chín xe kiệu, dẫn đầu là cụ trưởng làng Bát Tràng, đội tế nam - tế nữ - sênh tiền và bà con, nghệ nhân làng Bát Tràng, dọc theo đê sông Hồng, qua cầu Chương Dương và các mâm lễ vật sẽ được dâng cúng tại các điểm: tượng đài Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, tượng đài vua Lê Thái Tổ… và dừng tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nơi diễn ra hội hoa, chợ Tết.
Một số hình ảnh sự kiện Cá Xanh và hoạt động thả cá chép ở Hà Nội:
|
Các thành viên của Go Green với thông điệp bảo vệ môi trường có mặt từ sáng sớm tại hồ Giảng Võ. |
|
Thiệp lì xì được tự tay các bạn làm dùng để đổi túi nylon. |
|
Luôn niềm nở hướng dẫn mọi người thả cá đúng nơi, đúng chỗ.... |
|
Phụ giúp các bác vệ sinh môi trường. |
|
Đây là một hoạt động rất thiết thực. |
|
Nhất là trong điều kiện Hà Nội đất chật, người đông, môi trường ngày càng bị ô nhiễm. |
|
Tại các khu vực khác như Hồ Gươm, Hồ Tây, sông Hồng...ý thức của người dân cũng cao hơn. |
|
Thả cá xong, mọi người đều có ý thức bỏ túi nylon vào thùng rác. |
|
Ao hồ vì thế sạch sẽ hơn. |
Tuấn Nguyễn
Theo Viết