Thua lỗ, nhưng liên tục mở rộng
Ngày 7/8, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan ký thỏa thuận mua lại Metro Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc mua bán, chuyển nhượng là chuyện bình thường giữa các DN, nhưng có một điểm đáng lưu ý là việc nhiều tỉnh, thành phố đã “trải thảm đỏ”, liên tiếp cấp các khu đất “vàng” cho Metro.
Chuỗi 19 siêu thị của Metro mỗi cái lớn ngang ngửa một sân vận động quốc gia, chủ yếu nằm ở vị trí đắc địa thuận lợi các thành phố.
Theo thông tin PV Tiền Phong có được, từ khi vào Việt Nam hồi đầu năm 2002, Metro thường xuyên báo lỗ, không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo con số công bố của ngành thuế TPHCM, từ năm 2002 đến nay, duy nhất năm 2010, Metro báo lãi 116 tỷ đồng. Các năm còn lại, lỗ của Metro dao động từ 89 đến 160 tỷ đồng; tính đến năm 2012, Metro lỗ lũy kế đến 598 tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu 12 năm kinh doanh không lãi, chắc chắn một DN sẽ phá sản. Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, dưới góc độ kinh tế, không một DN nào đến Việt Nam đầu tư 12 năm liên tiếp để chịu cảnh thua lỗ.
“Thử hỏi, nếu lỗ triền miên như Metro công bố, họ lấy đâu ra tiền để tái đầu tư, chưa nói đến mở thêm các cơ sở kinh doanh”, ông Thành nói. Theo ông Thành, trong 12 năm đầu tư vào Việt Nam, người ta chỉ chấp nhận vài năm đầu thua lỗ do yếu tố khách quan, nhưng sau đó, Metro phải tìm căn nguyên thua lỗ để khắc phục.
“Không một ông chủ DN nào lại dại đến mức để cho DN mình lỗ từ năm này sang năm khác. Vì như vậy, chẳng khác nào đưa DN đến chỗ chết lâm sàng”, ông Thành khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, lỗi trước tiên thuộc chính quyền các địa phương. “Tại nhiều thời điểm, Metro chắc chắn có lợi nhuận. Nhưng khi khoản lợi nhuận đó họ chưa kịp nộp cho ngân sách, các địa phương đã vội tạo điều kiện để họ mở rộng nên họ mới báo lỗ”, bà Lan nói.Metro Cash & Carry là một trong những tập đoàn bán sỉ hàng đầu quốc tế của Đức. Cty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam thành lập năm 2002. Hiện Metro có 19 trung tâm trên toàn quốc. TPHCM: 3; Hà Nội: 3, còn lại rải trên 13 tỉnh thành.
Theo bà Lan, khi DN nước ngoài báo lỗ, các bộ liên quan phải có chính sách để không cho họ mở rộng hệ thống phân phối một cách quá dễ dàng.
Minh họa của Khều
Lo cho DN nội
Theo bà Lan, sau khi BJC thâu tóm Metro, hàng hóa Việt Nam có thể sẽ bị đẩy ra khỏi hệ thống siêu thị Metro. “Từ vụ mua bán cho thấy, nhà đầu tư Thái Lan đang muốn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của Metro.
Sở dĩ có vụ mua bán này là vì họ biết trước biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (0%) khi thực hiện Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN giai đoạn 2008-2013”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, điều lạ là, tại sao ở vụ mua bán này, chúng ta lại để cho Metro chuyển quyền sử dụng đất một cách đơn giản và rút êm khỏi Việt Nam như vậy?
Theo các chuyên gia, về kim ngạch xuất khẩu, khu vực DN đầu tư nước ngoài đã chiếm tới 65%, nay thị trường nội địa tiếp tục rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài, gây khó cho các DN bán lẻ Việt Nam. “Nếu các bộ liên quan không có giải pháp kịp thời, chắc chắn, các DN Việt Nam sẽ thua trắng trên sân nhà”, bà Lan nói.
Một chuyên gia kinh tế (xin giấu tên) cho rằng, nhiều DN nội cung cấp hàng hóa cho Metro có thể sẽ phải tìm nguồn tiêu thụ khác, nếu ông chủ người Thái không ưu ái hàng Việt Nam, mà chọn đưa hàng Thái vào hệ thống phân phối.
Theo ông Bùi Kiến Thành, sở hữu Metro, ông chủ người Thái không phải mò mẫm đi làm thị trường, không phải làm thương hiệu, mà tập trung cho phát triển.
“Khi bỏ ra số tiền khủng mua lại Metro, chắc chắn tỷ phú người Thái sẽ phải tính được lời lãi bao nhiêu. Do đó, nếu sau khi về tay ông chủ người Thái, Metro vẫn tiếp tục kêu lỗ, sẽ là chuyện không bình thường”, ông Thành nói.