Đãi vàng, đi biển…
Năm 1981, Nguyễn Bừa tham gia đội du kích xã; 3 năm sau vào quân ngũ đi chiến trường K (Campuchia). Rít một hơi thuốc dài, ông kể: “Trong chiến tranh hòn tên mũi đạn không thấy sợ. Nhưng thời gian sau chiến tranh theo bạn bè đi đào vàng giờ nghĩ lại vẫn còn ớn lạnh”.
Năm 1988, rời quân ngũ, ông Bừa theo bạn bè đi đào vàng, lặn lội khắp chốn rừng thiêng nước độc Khâm Đức, Huyện Hiên, Tà Lang, Sông Nam, sông Vàng. Nhưng vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy sự khốc liệt của chốn núi rừng với những chủ bưởng tàn ác và cả những trận sốt rét rừng khốc liệt.
Bỏ giấc mộng vàng, ông về quê đi biển. Trong một chuyến đi đánh cá ông cùng những bạn trên 3 chiếc thuyền lạc vào trận bão dữ. Cả hai thuyền bị sóng đánh dạt tận Hồng Kông, một tuần sau Đại sứ quán Việt Nam làm giấy cho trở về. Về đến nhà, thấy vợ con đang khóc lả vì nghĩ ông đã chết. Ông quyết định không đi biển nữa. Đó là vào năm 2000.
Gắn bó với Hải Vân
Rời biển, ông Bừa lên núi đốn củi mưu sinh, rồi như định mệnh ông gắn cuộc đời mình với đèo Hải Vân từ đó.
Gặp ông đang lúi húi quét dọn một am thờ bên đường đèo, ông bảo: “Hơn 10 năm sau trận bão đó, tôi lên núi đốn củi, tình cờ giúp một người đi đường bị thủng lốp xe. Từ đó tôi lên đây, vừa vá xe kiếm sống, vừa quét dọn những am thờ”.
Từ khi lên Hải Vân, không biết bao nhiêu người thủng lốp, hư xe dọc đường đèo được ông giúp đỡ, ông thường ghi số điện thoại lên các vách đá dọc hai bên đường, ai cần ông giúp đỡ chỉ cần điện thoại dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, xa hay gần ông đều có mặt. Ông chỉ lấy đúng giá, không bao giờ lấy thêm của khách một đồng.
Cô Diệu, vợ ông, kể: “Cách đây hơn một năm có cú điện thoại vào lúc 1 giờ sáng nhờ giúp đỡ vì xe chết máy trên đèo. Biết chuyện tôi khuyên can vì sợ đêm hôm lỡ có chuyện gì. Nhưng khuyên thế nào ông vẫn cương quyết đi. Chờ mãi, hơn 3 giờ sáng ông mới về đến nhà. May mà không có chuyện gì”.
Ngồi cùng ông bên am thờ thấy mỗi lần xe máy, xe tải chạy qua đều vẫy chào ông. Ông Bừa bảo, hầu hết cánh tài xế đi đèo đều biết ông, ngày chưa thông hầm ông có rất nhiều bạn là những người lái xe Bắc Nam. Nhưng khi thông hầm thì ít xe qua lại nên ít gặp, một số tài xế lâu lâu lại chạy đèo ghé thăm.
Ông còn được biết như một người chuyên cứu nạn trên đèo Hải Vân. “Mười năm nay, anh Bừa luôn là người đến sớm nhất, trong các vụ tai nạn trên đèo, chỉ cần người đi đường hay chúng tôi báo tin là anh có mặt cứu giúp người đi đường ngay” - anh Lê Văn Dũng buôn bán trên đỉnh đèo Hải Vân cho biết.
Mười năm gắn bó với con đèo, ông cũng không nhớ bao nhiêu người được ông giúp đỡ. Có những người nhận ông làm cha vì đã cứu sống mình như trường hợp của anh Lê Thành Chung.
Thắp hương cho các am thờ trên đèo Hải Vân là một trong những công việc hằng ngày của ông Bừa Ảnh: Lê Ninh. |
“Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2005, tôi chạy xe máy từ Đà Nẵng ra Huế bị tai nạn. Lúc đó trời chập choạng tối, sương mù dày đặc hạn chế tầm nhìn, nên xe máy lao xuống cống thoát nước ở bên đường. Tôi nằm đến tận sáng hôm sau, vì lạnh nên ngất đi tưởng mình đã chết. Nhưng nhờ “bố Bừa” đến đưa đi bệnh viện tôi mới thoát chết. Gia đình tôi xem “bố Bừa” là ân nhân, còn với riêng tôi, từ khi được cứu sống tôi xin được làm con nuôi của “bố Bừa” - anh Chung nói.
Không những cứu hộ, ông còn làm luôn việc tẩm liệm thi thể những người xấu số. “Khoảng tháng 4-2010, trong khi điều khiển xe múc, làm công trình đường du lịch xuống bãi Chuối (trên đèo Hải Vân), do trượt đá nên chiếc xe rớt xuống vực sâu hơn 450m, làm hai người thiệt mạng. Anh em ở đơn vị thi công gọi điện thoại nhờ anh Bừa giúp đỡ. Anh cấp tốc xuống vực để tìm kiếm người bị nạn” - anh Minh lái xe lu trong công trình kể.
“Mọi chuyện tôi làm đều xuất phát từ lương tâm, tuyệt nhiên không vụ lợi cá nhân” - ông Bừa nói.
Năm 2010, cháy rừng trên Hải Vân. Phát hiện đám khói nhỏ ông lập tức điện báo cho hạt kiểm lâm, đồng thời xuống hố cõng nước lên cứu rừng. Dù đã cố hết sức, nhưng khi đám cháy được dập tắt thì đã thiêu rụi gần 1 ha.
Anh Châu Văn Thùy - kiểm lâm viên trên đèo, nói: “Anh Bừa là người tích cực tham gia công tác phòng cháy chữa cháy rừng, trồng rừng. Nhiều vụ cháy trên đèo nhờ anh phát hiện báo cho chúng tôi ngay khi bén lửa và trực tiếp tham gia chữa cháy nên đã cứu được rừng rất nhiều lần”.
Ông Bừa cũng tham gia theo dõi truy bắt những kẻ phạm pháp lẩn trốn trên đèo. Đường hỏng ông lại điện báo cho thanh tra đường bộ. Trong túi ông bao giờ cũng có đầy những số điện thoại của các cơ quan chức năng, của những người đi đường để lại. Anh Kiệt - thanh tra đường bộ Lăng Cô - Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) bảo: Anh Bừa nhiều lần báo cho chúng tôi về hiện tượng sạt lở, hư hỏng trên đường đèo để chúng tôi kịp thời báo cáo khắc phục đảm bảo an toàn cho người đi đường.
“Anh Bừa là một tấm gương điển hình của địa phương, hơn 10 năm nay anh đã dọn quét các am thờ cô quạnh trên đèo, giúp đỡ rất nhiều người hỏng xe, tham gia tích cực vào phong trào phòng chống tội phạm, trồng rừng trên đèo” - ông Trần Phước Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết.
Dù tiền sửa xe trên đèo kiếm được chẳng bao nhiêu, thậm chí không bằng tiền xăng và tiền hương khói mà ông bỏ ra, nhưng ngày ngày người ta vẫn thấy ông Bừa trên đèo. Chia tay ông khi trời về chiều, sương xuống, mưa sắp kéo đến. Ông lại chuẩn bị thắp hương cho các am thờ dọc ven đường trước khi xuống núi.
Làm nghề sửa xe trên đèo, nhưng lúc nào ông nguyễn Bừa cũng mặc quần áo tươm tất. Ông cho biết: “Trên đèo Hải Vân có nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, đôi khi tôi còn vá xe cho họ, thế nên lúc rảnh tôi lại tự học tiếng “bồi”, đọc sách tìm hiểu về Hải Vân để giới thiệu với họ”. |