1. Một tờ báo điện tử vừa làm khảo sát về khả năng đứng nhì bảng để đi tiếp vào VCK giải U.23 châu Á của đội O.Việt Nam thì cho ra kết quả: Chỉ có 18% tin vào khả năng đó nhưng có đến 84% đánh giá Việt Nam sẽ bị loại khi đứng ở vị trí thứ 3 hoặc thứ 4. Đây là một kết quả hết sức bất ngờ, ngay với đơn vị tổ chức thăm dò vì chưa bao giờ, một đội tuyển Việt Nam lại nhận quá ít niềm tin đến như vậy.
Tất nhiên, không thể căn cứ vào một kết quả thăm dò như vậy để kết luận bất kỳ điều gì, tuy nhiên, kết quả đó phản ảnh thêm một khía cạnh hết sức kỳ quặc của bóng đá Việt Nam: Dường như chúng ta vẫn có thói quen tin vào những kết quả giao hữu hơn mọi thực tế khác của đội bóng.
Trên thực tế, đội bóng của HLV Miura đang gặp nhiều khó khăn nhưng không có cơ sở nào để cho rằng chúng ta không có cơ hội tại vòng loại U.23 châu Á. HLV Miura là người hiểu rõ đội bóng của mình nhất, ông ta cũng chẳng phải là kiểu người “sống trên mây” hoặc thích “chém gió” để tuyên bố về mục tiêu đứng nhì bảng và giành quyền vào VCK. Một khi Miura đã nói được như vậy, thì có lẽ ông ta có cơ sở để chứng minh cho dù phong độ của đội O.Việt Nam đương nhiên là không được kỳ vọng.
2. Ở góc độ khác, việc chỉ qua các trận giao hữu đã vội xuống dốc niềm tin phản ảnh một cách đánh giá… rất Việt Nam. Ví dụ, chúng ta tỏ ra tin tưởng một cách lớn lao vào thế hệ U.19 cho dù trong hệ thống thi đấu quốc tế, các giải U (dù là giải chính thức), chỉ có giá trị hơn những trận giao hữu một chút. Đây là lý do mà môn bóng đá của Olympic hay Asiad cho phép bổ sung thêm các cầu thủ trên 23 tuổi nhằm khẳng định được chất lượng tương đương hoặc thấp hơn một chút so với đội tuyển quốc gia. Đã là bóng đá tuổi U, thường chỉ mang giá trị tham khảo, không dùng đó để làm cơ sở kết luận bất kỳ điều gì.
Thế nhưng, tại Việt Nam, dù cũng chẳng vượt trội so với Đông Nam Á, chỉ mới tiếp cận đến tầm châu lục, thế nhưng đội U.19 đã được vội vã khen đến tận mây xanh. Một khi đánh giá cao kết quả tuổi U, thì tự nhiên sẽ đánh giá thấp kết quả các trận giao hữu vừa qua.
Lấy thành tích đá giao hữu để nhận xét về năng lực của một đội bóng, là chuyện không giống ai nhưng lại khá phổ biến tại Việt Nam. Trong khi đó, ít ai chịu nhìn nhận những sai sót trong quá trình chuẩn bị, năng lực thực sự của các cầu thủ, sự phát triển của các đối thủ ở tầm tuổi trưởng thành. Bóng đá Việt Nam loanh quanh với câu chuyện "thử kêu, đốt tịt” cũng vì thế.
Cứ để xem thầy trò ông Miura làm được gì ngày hôm nay, sẽ rõ ngay.
Theo Hồ Việt