Ở nơi sâm là của hồi môn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những ngôi làng lưng chừng núi Ngọc Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) đổi thay với nhà cao cửa rộng, xe hơi tiền tỷ nhờ sâm có giá đắt đỏ. Ở đó, sâm quý trở thành của hồi môn, là quà tặng thay cho tiền bạc.

Những làng tỷ phú trên núi

Mấy năm lại đây, sâm Ngọc Linh trở nên đắt đỏ, cuộc sống người dân xã Trà Linh (Nam Trà My) đổi thay chóng mặt, dân giàu có nhờ sâm. Cách đây 10 năm, từ trung tâm xã lên nóc Tăk Lang (thôn 3) phải đi bộ, leo dốc đường rừng dựng đứng mất nửa ngày mới tới. Nay trở lại, đường được mở, xe chạy tới tận nơi. 10 năm trước, khi giá sâm còn vài ba triệu đồng một kg, Hồ Văn Hình một “tay chơi” ở Ngọc Linh đã đầu tư cả trăm triệu để thuê người cõng xi măng, vật liệu lên làm ao thả cá, xây nhà. Nay trở lại, cơ ngơi của Hình càng hoành tráng hơn. Nóc Tăk Lang nay khác xưa khi nhà cửa được dân làng đầu tư xây dựng không tiếc tiền.

Người dân Trà Linh nhiều người đổi đời khi sâm Ngọc Linh được giá, tiền nhiều vô kể. Giá sâm hiện tại từ 70 triệu đến 250 triệu đồng/kg tuỳ theo độ tuổi, người dân Trà Linh có sâm lại càng giàu lên. Những phiên chợ sâm trên núi, người dân Trà Linh thu về tiền tỷ không còn lạ lẫm đối với huyện nghèo Nam Trà My. Nhờ sâm mà những ngôi nhà khang trang mọc lên giữa lưng chừng núi ngày càng nhiều.

Mấy năm trước, lên Trà Linh, nhiều người tròn mắt khi nhìn thấy nhà vệ sinh trên núi được già Hồ Văn Du (63 tuổi) đầu tư tới hơn 200 triệu. Chưa kể thời điểm đó, để cõng được một bao xi măng từ xã lên đây phải mất 3-4 tiếng đồng hồ. Một bao xi măng lên đến nơi tốn thêm gần 500 ngàn tiền thuê người cõng. Tốn tiền nhưng dân làng không tiếc vì đã có sâm quý trên rừng.

Ở nơi sâm là của hồi môn  ảnh 1

Một căn nhà tiền tỷ của người dân trồng sâm ở Trà Linh Ảnh: Nguyễn Thành

Anh Hồ Văn Viêm, xây nhà cấp 4 trên diện tích 50m2, đẹp lung linh. Viêm nhẩm tính, ngôi nhà của mình mới xây tốn hơn 300 bao xi măng, chỉ tính riêng tiền xi măng, công vận chuyển đã ngốn hơn 150 triệu đồng. Viêm nhẩm tính: Với giá sâm hiện tại, ngôi nhà anh bằng khoảng 8kg sâm Ngọc Linh loại 2 củ một lạng.

Nay, không chỉ làm nhà tiền tỷ, người dân Xê Đăng ở Trà Linh còn tậu xe hơi xịn xò. Riêng nóc Tăk Lang đã có 6 đại gia mua ô tô, trong đó có xe hạng sang tiền tỷ, bóng lộn. Nhiều người chịu chơi, như Hồ Kim Lĩnh quyết mua xe ô tô chỉ vì đơn giản là…không đi được xe máy! Khi học và thi bằng lái xe thay vì ra TP Đà Nẵng hay vào TP Tam Kỳ cho gần, thì Lĩnh và anh em lại chọn ra Huế vì lý do rất đơn giản: đi học xa, ra cố đô chơi cho thoải mái!

Ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, toàn xã có 728 hộ, thì chỉ có chừng 30 hộ chưa trồng sâm. Đếm sơ sơ toàn xã có 13 ô tô, nhiều ô tô giá tiền tỷ.

Văn hóa tặng sâm

Cây sâm Ngọc Linh giống có giá từ 300 ngàn đến 1,5 triệu đồng/cây, tùy theo năm tuổi. Chủ tịch xã Trà Linh, ông Hồ Văn Thể kể: Cây sâm cho giá trị kinh tế cao. Diện tích trồng sâm trên địa bàn được mở rộng. Cây sâm giống trở thành món quà tặng quý được người dân dành tặng nhau mỗi khi có dịp vui. Tặng sâm trở thành nét văn hóa rất hay, mang nhiều ý nghĩa.

Ở nơi sâm là của hồi môn  ảnh 2

Cây sâm giống được người dân Trà Linh làm quà tặng nhau, là của hồi môn cho con cháu sau này Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Thể kể: Trẻ em ở nóc Tăk Lang trong ngày sinh tròn 1 tuổi sẽ được cha mẹ dẫn lên vườn sâm để tặng cây sâm đầu đời và thực hiện nghi lễ cúng thần rừng. Bà con dân làng cũng mang sâm con tới mừng trẻ. Có cháu tổ chức sinh nhật ngoài tiền mừng còn được tặng gần 100 gốc cây con, giá trị cả trăm triệu đồng. Những cây giống sau đó, sẽ được cha mẹ các em mang lên núi, trồng, chăm sóc bảo vệ. Tục tặng cây sâm làm quà sinh nhật được duy trì cho đến lúc đứa trẻ tròn 18 tuổi. Lúc đó, người con trưởng thành sẽ có một tài sản lớn là cả một vườn sâm. Đó cũng là của hồi môn đáng giá nhất cho trai, gái vùng sâm trước khi vào đời.

“Của quý đem gửi vào rừng, đây là cách người dân để của cải lại cho con cháu sau này. Đứa trẻ lớn lên sẽ thừa hưởng và duy trì tập tục cho thế hệ sau. Nhờ tập tục này mà diện tích sâm của các hộ gia đình được mở rộng”, ông Thể cho biết. Không chỉ sinh nhật, mà cưới hỏi, mừng nhà mới người dân vùng sâm cũng mang sâm con tặng nhau. Chỉ trừ những trường hợp gia đình không có vườn sâm hoặc vườn sâm ở xa quá không kịp nhổ dân làng mới mừng tiền.

Ở xã Trà Linh, mô hình Chi bộ trồng sâm cũng đang được phát triển và mang lại hiệu quả rất cao. Mỗi đảng viên, ai có sâm thì góp sâm, ai không có thì góp tiền rồi giao cho một người chăm sóc, bảo vệ. Kinh phí có được từ nguồn lợi của sâm sẽ dùng cho các hoạt động của chi bộ, thôn, không phải nhờ đến nhà nước hỗ trợ nữa.

Hồ Văn Dang (36 tuổi) cũng là người địa phương, trước khi lên làm Phó Chủ tịch xã Trà Linh là Trưởng Công an xã. Dang từng học trường cảnh sát cơ động nên to khỏe vạm vỡ. Dang kể, gần chục năm trước, khi đường sá chưa có, anh cùng trai làng vác thuê vật liệu xây dựng cho các đại gia sâm làm nhà trên núi và được trả công bằng cây sâm thay vì tiền. Nhờ có sức khỏe, lại chăm chỉ, từ số cây sâm được trả, đến nay anh Dang đã gầy dựng được vườn sâm cho gia đình mình và mở rộng diện tích trồng. “Tặng, mừng nhau hay trả công bằng sâm cũng là cách người dân giúp nhau cùng làm giàu”, anh Dang cho biết.

Từ một xã vùng cao khó khăn, Trà Linh đang trở thành nơi thu hút lao động ở huyện Nam Trà My. Ông Thể kể chuyện, xã Trà Linh bị huyện phê bình vì xã không đạt chỉ tiêu đưa con em đào tạo tay nghề vào làm tại các công ty, khu công nghiệp. Lý do đơn giản vì người nơi khác tìm đến Trà Linh để làm thuê, làm công cho dân làng trồng sâm thì việc gì con em phải đi nơi khác. “Dân làng chủ yếu suốt ngày lên rừng chăm, bảo vệ sâm quý. Có việc gì cũng thuê. Làm công theo ngày để đổi sâm, quy ra có người có ngày được 2 đến 3 triệu. Trà Linh đang là trung tâm thu hút lao động thì con em phải đi đâu xa. Nơi nào thu nhập cao hơn?”, ông Thể nói. Rồi ông Thể cũng tếu táo, chuyện trước đây không có ai lên Trà Linh lấy vợ, lấy chồng. Nhưng nay đã khác, người dưới xuôi lên đây làm thuê có thời điểm cả trăm người. Nhân duyên cũng đến, dâu, rể là người miền xuôi cũng nhiều dần.

Hỏi ông Thể, sâm Ngọc Linh được giá, cái được nhất là gì? Ông nói như đinh đóng cột: “Cái được nhất là rừng được bảo vệ. Bởi còn rừng là còn sâm”. Hiện nay, Trà Linh có tổng cộng 63 chốt vừa quản lý bảo vệ rừng, vừa phát triển, bảo vệ cây sâm. Các chốt đều xuất phát từ chính ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cây sâm của người dân.

MỚI - NÓNG