Theo Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air, ô nhiễm không khí kéo dài suốt tuần qua ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Đinh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyen, Việt Trì.
Do cùng có điều kiện thời tiết như nhau, ô nhiễm không khí cũng được ghi nhận khắp các tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, theo ghi nhận của PAM Air với mạng lưới quan trắc dày đặc khắp cả nước.
Hầu hết các điểm đo của PAM Air ở một vùng rộng lớn từ đồng bằng sông Hồng đến Hà Tĩnh đều ghi nhận mức ô nhiễm ở ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe mọi người), ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người), một số điểm lên ngưỡng nâu (ngưỡng nguy hiểm đến sức khỏe mọi người, là ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm không khí).
Hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng ghi nhận ô nhiễm kéo dài nhiều ngày qua ở thủ đô Hà Nội khi tất cả các điểm đo được nhuộm đỏ và tím, tương ứng với mức ô nhiễm xấu và rất xấu.
Ô nhiễm không khí dự báo sẽ còn kéo dài cho đến khi một đợt gió mùa đông bắc mới tràn xuống nước ta.
Nguyên nhân của đợt ô nhiễm này vẫn được xác định do các nguồn thải từ giao thông, xây dựng, công nghiệp và dân sinh (đốt than tổ ong, đốt rác) gây ra, trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt khiến chất ô nhiễm không phát tán được.
Trước thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có Chỉ thị về tăng cường kiểm soát chất lượng không khí. Trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, từ nay đến giữa năm 2021, thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý.
Với các cơ sở có hành vi phát thải gây ô nhiễm không khí cần kiên quyết xử lý nghiêm. Với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Quyết định phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.
Chỉ thị cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định để có thể theo dõi trực tuyến 24/24h. Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và TPHCM đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố; phát triển giao thông phi cơ giới; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Theo các chuyên gia, việc hạn chế ô nhiễm không khí bên cạnh vai trò của cơ quan chức năng, người dân cũng cần tích cực tham gia bằng cách không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa, không sử dụng bếp than tổ ong hoaặc các nhiên liệu than cấp thấp. Không vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Hạn chế việc đốt hương, vàng mã trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Hưởng ứng Chương trình trồng cây xanh. Tham gia lưu thông bằng các phương tiện giao thông công cộng. Đặc biệt, cơ quan chức năng Hà Nội khuyến khích người dân tham gia cung cấp video, hình ảnh các phương tiện chở quá tải, không che chắn gây phát tán bụi, phế thải tới các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm theo quy định.