Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đạt ngưỡng rất xấu

Ô nhiễm không khí lên ngưỡng tím từ hôm qua, theo ghi nhận của Đại sứ quán Mỹ.
Ô nhiễm không khí lên ngưỡng tím từ hôm qua, theo ghi nhận của Đại sứ quán Mỹ.
TPO - Hôm nay, chất lượng không khí tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tiếp tục diễn biến rất xấu khi hàng loạt điểm đo ở ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người), nhiều điểm đo cá biệt lên ngưỡng nguy hại-ngưỡng nguy hiểm nhất do ô nhiễm không khí gây ra.

Ô nhiễm không khí bắt đầu từ ngày 17/2 và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cả ngày nay, các điểm đo của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đều có ngưỡng rất xấu (chỉ số chất lượng không khí AQI trên 200) hoặc xấp xỉ ngưỡng rất xấu. Hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường, của Đại sứ quán Mỹ ghi nhận kết quả tương tự. Với mức ô nhiễm như vậy, những người thuộc nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp được khuyến cáo ở trong nhà, những người khác hạn chế ra ngoài.

Đáng lưu ý, hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAMAir ghi nhận ô nhiễm khắp ở Bắc Bộ với nhiều điểm đo vượt ngưỡng tím lên ngưỡng nâu- ngưỡng nguy hại với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đạt ngưỡng rất xấu ảnh 1 Ô nhiễm không khí lên ngưỡng tím từ hôm qua, theo ghi nhận của Đại sứ quán Mỹ.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những ngày có chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, làm việc ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.

Người dân cũng nên hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Nhóm nhạy cảm gồm người mắc bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn.

Ô nhiễm không khí được cảnh báo làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch. Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 chết do ô nhiễm không khí, theo một nghiên cứu do quỹ Mirinda and Bill Gate tài trợ.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nhóm nguyên nhân như giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ. Vai trò của từng nguồn gây ô nhiễm vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, giao thông Hà Nội những ngày này tăng từ từ, không đột biến. Điều đó cho thấy nguồn ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, các làng tái chế xung quanh Hà Nội rất đáng lo ngại. Trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt như hiện nay khiến chất ô nhiễm không phát tán được mà đọng lại sát mặt đất gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Lý giải về những địa điểm ở đồng bằng Bắc Bộ, ô nhiễm lên đến ngưỡng nâu, TS Tùng cho rằng, những địa điểm cá biệt như thế có thể liên quan đến hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát khiến lượng bụi mịn PM2,5 tăng đột biến. Hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát đã được nhiều nước trên thế giới cấm do tăng nguy cơ ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, Việt Nam chưa cấm hoạt động đốt ngoài trời dù đây được coi là một trong những nguồn lớn gây ô nhiễm không khí.

Việt Nam cũng chưa tiến hành dự báo chất lượng không khí trong khi nhiều quốc gia, việc dự báo chất lượng không khí được thực hiện như dự báo thời tiết, nhằm giúp người dân chủ động trong hoạt động hàng ngày, hạn chế thấp nhất tác động do ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người.

MỚI - NÓNG