TPHCM:

Ổ dịch quai bị tại trường học, 13 trẻ mắc bệnh

Ổ dịch quai bị tại trường học, 13 trẻ mắc bệnh
TPO - Ngày 4/11, bác sĩ Tống Văn Đức - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 3, TPHCM - cho biết, tính đến 2/11, tại cơ sở 2 trường tiểu học Phan Đình Phùng (số 491/6 Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3) có tất cả 13 học sinh mắc bệnh quai bị. 

Đến ngày 3/11, đã có 5 học sinh bình phục đi học lại, còn 8 em khác vẫn đang nghỉ bệnh. Qua thống kê của trung tâm cho thấy, lớp có số học sinh mắc nhiều nhất là lớp 4/3 với 7 ca, kế đến là lớp 3/8 với 4 ca, các lớp còn lại mỗi lớp có 1 ca mắc. Hiện chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới nào.

Trước đó, tại đây ghi nhận ổ dịch quai bị bùng phát từ ngày 26/10, với 2-3 em học sinh mắc bệnh. Các em này đã nghỉ học khi phát bệnh. Tuy nhiên, sau đó một số học sinh khác cũng bắt đầu mắc bệnh quai bị.

Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng quận để có biện pháp xử lý. Trong những ngày qua, trung tâm đã cử bác sĩ, nhân viên xuống trường để triển khai các biện pháp xử lý, phun thuốc khử trùng, hướng dẫn cách phòng ngừa cho các học sinh. Đồng thời, khám và kiểm tra sức khỏe cho học sinh hằng ngày. Thông báo phụ huynh nên cho các em nghỉ học nếu có dấu hiệu mắc bệnh.

Tiếp xúc với báo chí, nhiều phụ huynh lo lắng rằng liệu việc chích vaccine ngừa bệnh quai bị có hiệu quả không? Và trong số 13 học sinh mắc nói trên có bao nhiêu em đã chích ngừa?

Trả lời những câu hỏi này, bác sĩ Đức cho biết, thông thường đối với trẻ đã chích ngừa thì nguy cơ mắc bệnh rất thấp. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp do những yếu tố khách quan, cơ địa... có thể mắc bệnh dù đã chích ngừa. “Về vấn đề này, sau khi hoàn tất việc khống chế dịch bệnh, chúng tôi sẽ khảo sát đánh giá cụ thể”, bác sĩ Đức nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xảy ra vào mùa đông-xuân, do virus paramyxovirus gây ra. Virus lây trực tiếp qua đường hô hấp, nước bọt, ăn uống… khi tiếp xúc gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi. Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần.

Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai. Người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Tuyến mang tai có thể sưng 1 hoặc cả 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài. Có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức.

Tuy nhiên, cũng có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị nhưng không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt. Đây chính là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết. Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững, nên ít có người mắc quai bị lần 2.

Cho đến nay, biến chứng của quai bị mà nhiều người lo sợ là khả năng gây vô sinh. Đối với nam, biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn làm tinh hoàn teo dần. Nếu quá nặng, có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Đối với nữ, quai bị có thể gây biến chứng viêm buồng trứng, tuy nhiên ít khi dẫn đến vô sinh. Phụ nữ có thai nên lưu ý, nếu đang trong thai kỳ mà mắc quai bị thì có thể bị gây sẩy thai, hoặc sinh con dị dạng, sinh non hoặc thai chết lưu.

Ngoài ra, bệnh có thể gây biến chứng khác như nhồi máu phổi, viêm tụy. Hoặc gây các tổn thương thần kinh gồm viêm não, điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh. Bệnh còn có khả năng gây viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu…

Ông Dũng cho biết, để phòng ngừa, cách tốt nhất là giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Tránh những khu vực đông người, hạn chế tiếp xúc người mắc bệnh. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm vaccine phòng bệnh quai bị, để cơ thể miễn dịch với bệnh quai bị trong thời gian dài hoặc có thể suốt đời.

MỚI - NÓNG