Nứt

Minh họa: Minh Thu.
Minh họa: Minh Thu.
TP - 1. Cái tô nứt một đường, trong, nhưng không bể, không dùng được vào việc ăn cơm, đựng canh được. Tôi mang lên phòng, bỏ vào đó linh tinh vụn vặt. Tôi nhìn thấy nó trong thùng rác. Nghĩ đến việc chị sẽ tiếc cái tô khi quay trở về, tôi thấy thương cái tô, mang xà phòng ra rửa chung với đống chén. 

Cả đống đồ nứt nhưng không vứt đi. Nó nằm trong phòng, sử dụng với nhiều công dụng, nhiều không đếm kể, có thể đếm nhưng lười, cái nào cũng có linh hồn của nó. Nhiều linh hồn đau thương, nhẹ nhàng mơ hồ trong tình trạng yên vị. Những bông những hoa, những lá cành. Cái thì đựng lọ, cái thì đựng son, cái thì đựng bút, lọ bể thì đựng hoa khô, không thêm nước, nó an nhiên ở đó, mọc rễ luôn cũng được, nếu có khả năng. Son trong ly bể, nhưng càng ngày càng nhiều son, nhiều màu, nhiều kiểu, mua, được tặng. Cái ly bể được xoay theo một kiểu, để chị thấy hoa văn, không thấy vết nứt. Một hôm rảnh rỗi, nằm trên sàn, nhìn xem những thớ gỗ ấy nứt ra những vết thời gian như thế nào, những chạm khắc, những đau đớn hay tự nguyện thế nào. Nhìn lên trần, tiếng răng rắc của những mái tôn, nắng quá, lạnh quá, dường như sự va chạm của những chiều không khí đối nghịch làm chúng răng rắc, và răng rắc nhiều lần có khi nào sẽ vụn vỡ, ý nghĩ đó kinh khủng, khi đang nằm dưới sàn nhà này. Nhưng, đôi khi đêm, chính sự gồ ghề nhô lên của gỗ mang lại cảm giác ấm áp, nếu được, muốn biến hóa thân xác nhỏ bé, chui vào những vết nứt để có cảm giác nằm im trong mạch gỗ, trong trôi chảy của rừng, làm lá, làm cây, làm rễ, làm giun, làm dế. Đây là ý tưởng của người bạn, giun dế, thế phải nhỏ như thế nào. Nếu vậy, thế giới loài người sẽ mất đi một tiếng nói, một thân thể, một đáng nhớ. Dưới ánh đèn mờ ấy, cô giơ hai bàn tay lên, một hai ba bốn. Có tám khoảng trống giữa bàn tay, khép các ngón lại, tạo ra những khoảng trống giữa không gian quanh nó. Nhìn rộng ra xa, có lẽ đây là nơi duy nhất của cô có thể nhìn thấy mùa hè. Một mùa hè trong đêm, sự nứt gãy của những tia nắng, của gió, của mây, của bồng bềnh. Và như thế, thời gian sẽ ngừng lại, sáng hôm sau, một phần khác của thời gian sẽ xuất hiện.

Bước vào phòng khác, cái ca bị rớt một phần thân tay cầm, lâu dần không quen, dùng lâu tạo thành vết hằn trên tay, đau rồi hết đau rồi khi nào cầm lại đau. Cảm giác khi cầm chiếc ca bể thật không thoải mái chút nào. Định bụng sẽ mua cái thay thế. Nhưng lười. Những hôm sau đó, không có ý định sẽ sửa sang lại cái gì, cái ca bể thế nào. Tay cầm cũng quen. Để im đó rồi tắm, giặt, múc nước, sang nước từ thùng này sang thùng khác. Nếu có khách, hơi ái ngại, nhưng rồi cũng chẳng sao, khách cũng sẽ có trải nghiệm mới, nếu nhà khách không có cái ca bể. Khi dùng, những giọt nước trôi chảy từ miệng ca, lấp lánh, ứ, chan đầy rồi len lỏi xuống chảy tỏng tỏng. Dần dà, nhìn những thứ bể, nứt cảm thấy quen thuộc, gần gũi. Thỉnh thoảng cầm đồ vật nguyên vẹn, thấy kì kì, muốn rời bỏ, muốn làm rơi, hay sao đó, để có những đường nứt, những đường dán, những rời rạc, để khắc, chạm, cứa vào da thịt khó lành, để dấu ấn, để không trôi tuột, dù là bất kì thứ gì.

2. Chẳng có gì khi chị đi. Giật qua giật lại, xe ga anh chở nhanh, mạnh, nghe xập xình trên đường. Chị không vịn vào người anh. Đang nghĩ, đang muốn chọc tức mình hay muốn mình ôm. Đem câu chuyện ấy kể cho chị bạn, không bình luận. Có thể có đáp án chị thích. Nhưng cái sự thể ấy khiến tất cả chúng ta nằm trong một giới hạn nhất định, giới hạn ấy u mê và đầy định kiến. Trong bữa trưa hôm ấy, chị mang những dồn nén của những cú đánh bầm mắt, của những lần giật tóc và những giờ phút kéo chị những giọt nước mắt xuống dòng sông kia. Ngay bên bờ bên ấy, ngay bên cuộc đời ấy, anh đến và anh là cuộc đời của chị, người ta cứ nghi ngờ, nhưng nếu chị lặp đi lặp lại điều ấy đến nỗi chị cũng tin, thì sao. Anh không tin vào ngôi nhà này, anh không tin vào trái tim này, thì tất cả những cái đó sẽ có ý nghĩa với những lựa chọn của anh. Như cảm giác đêm, anh bỏ chị lại giữa đường rồi phóng xa vút thẳng, đó là sự thật, của bóng đêm, của đèn đường, của bóng mình, bóng người, của tay ôm, của vụn vặt. Chị gọi điện cho con đón về. Mở điện thoại ra, mùa hè từ năm ngoái rực sáng trong hình nền, những con sóng, chị đứng trước che anh trong những gọn gàng thân hình. Tìm số con. Chị thấy mình rơi vào vùng mất kiểm soát. Một hố sâu, một khoảng trống lề đường, chị rơi vào và ngạc nhiên thấy mình đang vững vàng. Hố sâu ấy trong suốt, chị những tưởng mình đang đi lạc trong một khoảnh khắc. Ngoại trừ việc anh đã rời đi, còn lại, dưới những rực màu hoa lệ, chị vẫn nghiễm nhiên, còn là mình.

3. Căn nhà ấy đã không còn nữa. Đắm chìm trong không gian nhà cửa phố xá của tôi trong nhiều năm về trước. Những con đường ấy cứ tiếp tục dày vò và chồng chất lên tôi những cảm giác không định hình, cho đến khi chỗ ấy - suy nghĩ về nó ấy đột nhiên không còn nữa. Cho đến khi tất cả chúng có dấu hiệu suy tàn và mất đi. Vậy đời sống của những thứ ấy chắc sẽ chấm dứt. Cái cây ấy vẫn còn, rất tiếc, nó không lớn lên thật vĩ đại để dấu ấn một vài tháng trong cuộc đời tôi trở nên nghiêm trọng, nhưng nó cũng chẳng buồn mất đi, vì người ta chăm sóc cho nó tốt quá, khuôn phép quá và chỉnh chu quá. Vì thế, tôi nghĩ nên để mọi thứ cuốn đi, cả việc tất cả chúng tôi đều quên nó.

Khi thức dậy ở một nơi khác, cảm thấy nhớ da diết một vết nứt, những rạn vỡ, những kì cục, nhớ ô cửa, nhớ bàn tay trong khung nền ô cửa, nhớ cái ca bể, nhớ ngày tháng nắng nóng. Đứng lên và cào cấu, những mảng tường lở ra và rơi xuống, rơi xuống thật sự rồi. Để lại những vết tay, vết mạnh vết yếu. Ngồi ngược với ánh sáng ít, ngồi ngược với tháng ngày nhẹ buồn, những yêu thương sẽ chấm dứt như mùa hạ bằng một cơn mưa. Bỏ những vết nứt bên lề, bỏ những mặc định cuốn lấy về một quy chuẩn hạnh phúc. Nứt cũng là một dạng hạnh phúc, hạnh phúc của sự chờ đợi lấp đầy. Hạnh phúc của những cuộc sống thực không ảo giác. Mượn tình yêu và mượn loài người, mượn yêu thương và mượn cây cỏ. Cây mọc lên và cây bị chặt đi. Đã khóc vì cây, đã đau đớn vì cây, nhưng từ đường này sang đường khác, từ nhánh này sang nhánh khác, nó mọc và bám rễ vào góc tường. Sự rời bỏ không thành công, cuối cùng nơi tìm đến cũng không phải là tôi thật sự, chỉ là một không gian đứt gãy để tôi vịn vào. Chờ đợi những sắp xếp khác, những đồ vật khác, những ánh sáng khác, tất cả có thể nhất thời, tôi có thể ngồi trong một căn phòng xa lạ để lắng nghe những chiều rơi, những gì đó khác biệt nhưng quái lạ, trong mơ màng, điều tôi nghĩ đến đầu tiên vẫn là căn nhà và con đường.

4. Khi nào mới thực sự có nó. Chị tự hỏi khi đứng trước cổng cơ quan. Chờ một sự níu kéo, chờ anh. Nhưng anh không cần sự chờ đợi đó. Anh không cần một người luôn muốn anh biết đó là một người phụ nữ dành trọn cuộc đời cho mình, không phải là cô nhân viên mới, không phải là ràng buộc hôn nhân. Anh không cần bất kì sự hy sinh nào và cũng không cần phải có trách nhiệm với những bó buộc đó. Nhưng sao tất cả họ đều không hiểu. Còn chị lại không cho anh cơ hội để sống đúng cuộc đời của mình. Chị bắt anh chấp nhận sự thật hiển nhiên, chị là người, có thể duy nhất, chịu đựng anh, nồng thắm với anh, chung tình với anh. Nhưng suy nghĩ đó, những đêm dài đó, những nước mắt đó không hề, không bao giờ, là những vật cản trong anh. Chị ước mình có thể làm lại từ đầu, nhưng chị đã già. Cái sự già đã kéo những hy vọng của chị về sự công bằng thỏa đáng trong cuộc sống. Cái sự già đã làm tuổi xuân, kí ức, giấc mơ càng ngày càng chồng chéo và lê lết kéo từ tháng ngày này sang tháng ngày khác. Chị cho rằng mình không có quyền từ bỏ. Còn anh, với chị, lại là một thế giới mênh mông khác, vô cùng.

5. Tôi hỏi, chị định như vậy? Cái gì là của mình, sẽ… cố gắng để nó là của mình. Tôi chưa nói với chị, tôi đã từ bỏ hàng cây và ngôi nhà đó. Một tha thiết đến vậy. Em sẽ rời nơi này đi? Không, em sẽ ở lại, để lựa chọn nhìn vào những hàng cây khác và tìm một ngôi nhà khác. Chúng mình vẫn duy trì tiệm này, bán những vật cũ, nứt. Vậy mà nhiều người mua đến lạ. Tay chị em mình chẳng đứt bao giờ. Bởi để sống được với đồ nứt, người ta phải khéo léo, uyển chuyển, mê muội. Nhiều khi em chẳng thích điều này. Khéo quá để làm gì. Nếu không khéo có lẽ chúng  mình sẽ sống cùng những trơn tru đồ vật những mềm mại ngón tay, có quyền thốt lên, hét lên, làm ầm lên khi bị cắt đứt, chảy máu. Nhưng thôi, dù sao cuộc sống hiện tại cũng ổn rồi, khách hàng thích mua những đồ nứt đến thế kia mà, họ trang trí nhà cửa, nó sẽ đẹp bởi những phối hợp nứt nẻ, sứt mẻ nào đó. Mọi sự đều luôn vậy, nhất là khi lại hợp phong thủy. Khách mua hàng thấy  xinh, xin chụp ảnh lưu niệm. Một bàn tay người hoàn hảo, bên cạnh món đồ nứt, cũ cũ, màu chìm chìm, ẩn ẩn. Món hàng thêm phần giá trị. Người ta buôn bán đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mình chỉ mỗi việc đưa bàn tay khéo ra. Vậy thôi, mà nhiều lúc, chị về với anh, em ngủ không được. Đêm cứ giơ tay lên và nhìn, rồi đời mình sẽ đi về đâu.

Thôi, chị em mình rửa, lau đồ đi, mai mang ra cho khách. Dưới nước, những món đồ óng lên, mượt lên, mềm mại, có cảm giác như nó có thể êm ái hơn nữa, vuốt từng vòng, xoa từng vòng. Những chỗ nứt thì mình lau tay, đi chậm lại, không để nó nứt mẻ thêm ra cũng không để tay mình rướm máu. Lau nhẹ bằng khăn, nhẹ tay để chúng trên những miếng đồ lót. Một cách làm đẹp sản phẩm. Nhưng xét cho cùng, nó cũng xứng đáng để sống cuộc đời của nó, dù không toàn vẹn. Còn chờ đợi nào hơn khi chúng về tay chủ, những bàn tay quen đụng chạm, vụng về, những bàn tay cẩu thả, chúng sẽ như thế nào, nhưng mình làm gì có quyền lo nhiều đến vậy. Chỉ bán đi thôi.

Đêm nay chị không về. Hai chị em nằm bên đống đồ nứt. Nằm một bên và lắng nghe, ngủ quên, không rõ đêm sâu đến khi nào. Nắng sớm, tỉnh dậy bất ngờ, em ngờ ngợ, chân tay khua lung tung, sợ trúng hàng giao cho khách, nhìn chị nằm nghiêng mình, tay nghiêng, mặt nghiêng, nắng chạm tới chưa đủ phần gương mặt. Tĩnh lặng giữa phòng. Đống hàng sứt mẻ vẫn còn nguyên vẹn. 

Nứt ảnh 1Nứt vỡ, sứt - những đồ vật. Hố sâu - quan hệ giữa những con người, mà là những người (đã từng) thân thiết. Chúng có điểm chung gì, trong cách khai triển truyện ngắn với những mảnh ghép được đánh số 1 - 2 - 3 - 4…? Có lẽ, điểm chung ở đây là mọi vật, mọi sự đều bất toàn. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, phải sống chung với những bất toàn, bất ưng đó.

Truyện ngắn của Mẫu Đơn mạch lạc, khúc chiết trong câu chữ. Nhưng tổng thể luôn để mở, tạo ra những liên tưởng không ngừng.  Mẫu Đơn tên thật là Nguyễn Đặng Thùy Trang. Nhà văn nữ sống và làm việc tại Quy Nhơn, Bình Định.

                        L.A.H

MỚI - NÓNG