> Khẩn cầu của hai chị em bị bệnh nặng
> Éo le ông bà nuôi cháu mồ côi
Chị Diễn (đứng) với mẹ và 5 anh em tâm thần. ẢNH: TÙNG HUYÊN. |
Gia đình chị Mai Thị Diễn rất nghèo, người cha theo cách mạng bị địch đánh đập khảo tra, mất năm 1997 do bệnh phổi. Mẹ là bà Trịnh Thị Út (82 tuổi) vừa cao huyết áp vừa lãng tai.
Cha mẹ chị Diễn sinh được 9 người con, 7 trai 2 gái. Hai anh trai đã chết vì bệnh tật, một người bỏ nhà đi sống vất vưởng nơi xa. Còn lại 6 anh em, 4 trai 2 gái. Éo le thay, 4 anh em trai và một em gái đều bị tâm thần, chỉ còn chị Diễn, thân gái gầy yếu phải lo từ cơm áo đến vệ sinh hằng ngày cho cả gia đình.
Qua bao thời gian mưa nắng, người bị bệnh tâm thần lâu nhất đã gần 40 năm, người ít cũng trên 20 năm. Những người bị bệnh tâm thần chỉ biết ăn không ngồi rồi và quậy phá.
Gánh nặng gia đình quá lớn dồn lên đôi vai gầy yếu, nhiều lần chị Diễn tưởng chừng phải bỏ cuộc, buông xuôi số phận. Nhưng nhìn mẹ già bệnh tật, các anh em ngơ ngáo, đói lạnh cần bàn tay săn sóc, chị lại lăn xả vào công việc, không còn nghĩ đến bản thân.
Mở mắt ra là cả trăm thứ lo, nào ăn uống, thuốc men, lo nhất là các anh em đi quậy phá hàng xóm, bỏ nhà ra đi đói khát đầu đường xó chợ, biết đâu mà tìm.
Nhiều năm chăm sóc, chị Diễn biết tính y, bệnh tật của từng người. Anh Mai Văn Tính 62 tuổi, trước đây có vợ và 1 con, năm 33 tuổi bệnh trở nặng, vợ anh ẵm con đi biệt. Vậy là 30 năm, anh cứ ngồi chơi với đất, thỉnh thoảng la hét.
Anh Mai Văn Thành 59 tuổi, phát bệnh năm 25 tuổi, mỗi lần lên cơn là bỏ nhà ra đi. Nay gia đình phải dùng xích để neo chân anh lại, chị Diễn rất đau lòng nhưng không còn cách nào khác.
Người em Mai Văn Vinh, 49 tuổi, mắc bệnh cách đây 30 năm, chuyên la hét, đập phá cây cối trong vườn. Em trai Mai Văn Hiện, 37 tuổi, mắc bệnh lúc 18 tuổi, mỗi lần lên cơn là đấm nhà đấm cửa. Cô em gái út Mai Thị Hiển, 43 tuổi, mắc bệnh lúc 18 tuổi, suốt ngày không biết làm gì cả, vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ chị chăm lo.
Lúc cha chưa mất, ông từng gọi chị Diễn lại nhắn nhủ: “Mẹ già đau yếu, 5 anh em đều bệnh ngặt nghèo, chỉ còn biết trông cậy vào con, nay cha giao lại nhà cửa, 6 công vườn cho con, cố gắng nuôi mẹ và anh em”. Lúc đó, chị Diễn đã nhận lễ hỏi chờ ngày cưới của một chàng trai nhưng lời cha ký thác, chị đành gác tình riêng, xin từ hôn với nhà người ta.
Bà Trịnh Thị Út khuôn mặt nhàu nhĩ do chịu đựng quá nhiều cảnh thương tâm, nhớ lại: 5 đứa con, hồi còn nhỏ đứa nào cũng dễ thương, khôn ngoan, lanh lợi nhưng cứ lớn đến 15– 20 tuổi là trở nên đần độn, không biết làm việc gì.
Khám bệnh, nghe bảo bị ảnh hưởng của chất độc da cam, rồi nhà nước trợ cấp cho 5 anh em mỗi tháng 2,2 triệu đồng, đỡ được phần nào áo cơm trong cảnh khốn đốn.
Cảnh nhà buồn thảm, lại sống tối tăm vì không có điện. Vừa qua, các sư chùa Vạn Hòa (Cầu Kè) giúp tiền mới kéo được điện vào nhà. Còn 6 công vườn chủ yếu trồng dừa và bưởi, cây đã lão mà ít được chăm sóc nên thu nhập chẳng được mấy.
Với nụ cười thật hiền, cam chịu, chị Diễn hằng ngày phải đóng đủ vai trong gia đình, có khi là em, có khi là chị; lúc như cha mẹ tắm rửa, săn sóc các con. Có lúc chị phải la hét, răn dạy, hù dọa anh chị mỗi khi họ lên cơn và cũng không ít lần chị Diễn bị các anh lên cơn đánh không thương tiếc.
Có người hàng xóm cám cảnh hỏi: “Không hiểu chị Diễn gầy yếu, nhỏ con như thế, lấy đâu sức lực chèo chống một gia đình quá nhiều đau khổ suốt bao năm qua?”. Chị Diễn thổ lộ: “Tôi còn khỏe ngày nào thì còn gắng lo cho mẹ già, cho mấy anh em rau cháo ngày đó”.