>> Hà Nội bắt đầu cắt điện luân phiên
Sông Hồng khô kiệt vì thiếu nước. Ảnh: Thanh Thúy. |
Thủy điện ngấp nghé mực nước chết
Ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc EVN, nhiều năm làm việc trong ngành điện nhưng 2010 là năm đầu tiên chứng kiến tình trạng khô hạn kỷ lục như vậy. Hiện hồ Hòa Bình mọi năm lượng nước về tới 56 tỷ m3 nhưng năm nay chỉ có 30 tỷ m3. Trong cả mùa lũ năm 2010, các hồ thủy điện Thác Bà, Hòa Bình không phải xả một giọt nước. Sông Đồng Nai cũng trong tình trạng khô kiệt.
Trị An bình thường nước về đầy hồ và phải xả nước khi vượt quá mực 62m nhưng đến nay, mực nước chỉ ở mức 54m, trên mực nước chết 4m. Tình hình khô hạn khiến lượng nước về hồ thủy điện Trị An tính đến nay còn thiếu tới 2,1 tỷ m3 nước mới đầy.
Để ra được lịch xả nước trong hai đợt, EVN và Bộ NN&PTNT phải tính đi tính lại nhiều lần. Phải tận dụng con triều lên cao nhất để xả nước nhằm tiết kiệm nước. Với lượng nước hạn chế như hiện nay nếu tính không chuẩn thì sẽ lãng phí nước và không còn nước để xả bổ sung. Cảnh báo này không thừa khi năm ngoái, sau khi xả 3 đợt, trên toàn miền Bắc, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) lại có văn bản đề nghị xả nước lần 4 vì huyện này chưa lấy nước. Các ngành chức năng đã phải cho xả 400 triệu m3 nước cho 40.000 ha của huyện này.
“Đến giờ nước quý như xăng dầu, máu, không có nước để lãng phí. Điều chúng tôi lo ngại nhất là rét quá bà con ngại ra đồng cấy và lo chuẩn bị Tết nên quên không lấy nước là chết. Chỉ cần xả bổ sung thêm một đợt như năm 2010 thì từ giữa tháng 2-2011 các hồ thủy điện sẽ không còn nước để chạy máy”- Ông An nói.
2011: Khô hạn kéo dài
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa khô năm 2011, dòng chảy toàn mùa của hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng thấp hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 5 đến 30%, các tháng cuối mùa khô thiếu hụt khoảng 39 đến 45%. Trên sông Hồng tại Hà Nội, lưu lượng trung bình mùa cạn (từ tháng 1 đến 4-2011) ở mức 600-850m3/s (trung bình nhiều năm là 950 m3/s).
EVN đã tính toán và thống nhất với Bộ NN&PTNT sẽ xả khoảng 2,72 tỷ m3 nước, tương đương trên 500 triệu kWh, từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, chia làm 2 đợt đổ ải chính thức cho đồng bằng Bắc Bộ. Đợt 1 thời gian lấy nước từ 5 giờ ngày 27-1 đến 18 giờ ngày 2-2-2011. Đợt 2 thời gian lấy nước từ 5 giờ ngày 13-2 đến 18 giờ ngày 20-2-2011. |
Theo ông Đặng Duy Hiển- Vụ phó Vụ quản lý công trình thủy lợi, Bộ NN&PTNT, khô hạn cộng với rét đang ảnh hưởng lớn đến việc cân đối giữa nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2001-2011 cho khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ và nhiệm vụ phát điện mùa khô năm 2011 của các nhà máy thủy điện: Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang.
Tính chung 12 tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ cần lượng nước tưới cho sản xuất với tổng diện tích 650.000 ha, trong đó 20.000 ha rau màu, thủy hải sản, còn lại trồng lúa, trong đó có 100.000 ha tưới trực tiếp. Việc xả nước cho vùng này rất quan trọng và 10 năm qua, lượng nước có được cho gieo trồng phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống thủy điện.
Theo ông Hiển, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các địa phương huy động sức dân, dùng nhiều phương tiện khác nhau bằng mọi cách để lấy nước về. Hiện các tỉnh đã chuẩn bị 3.800 máy bơm dã chiến, trong đó có 1.500 máy sẵn sàng hoạt động để bơm nước về. EVN cũng đã chỉ đạo các đơn vị điện lực địa phương đảm bảo cung ứng đủ điện cho các trạm bơm, kể cả trạm bơm dã chiến.
Có thể cắt điện luân phiên nhiều hơn năm 2010 EVN dự báo, tỉ lệ tăng trưởng sử dụng điện trong những tháng mùa khô 2011 lên tới 18,3%. Nếu lượng nước về các hồ thủy điện bằng mức các năm thì trong 6 tháng mùa khô 2011, hệ thống thiếu gần 200 triệu kWh. Nếu nước về ít thì sản lượng thiếu hụt toàn hệ thống sẽ lên tới khoảng 2 tỷ kWh. So với mức cắt điện của năm 2010 (trong 4 tháng mùa khô cắt giảm khoảng 1,4 tỷ kWh), mức độ thiếu điện của mùa khô 2011 cao hơn khoảng 600 triệu kWh. Điều này đồng nghĩa tình trạng cắt điện luân phiên sẽ diễn ra liên tục với tần suất cao hơn năm 2010. |