Nước thải trong tẩy rửa phải tích trữ để xử lý dần

Ống nước thải của Formosa.
Ống nước thải của Formosa.
TP - Hôm nay, dự kiến là ngày làm việc cuối cùng của đoàn kiểm tra liên ngành (6 bộ, 4 tỉnh) tổng kiểm tra toàn diện vấn đề xả thải của Formosa. Một trong những nội dung kiểm tra lần này là việc nhập khẩu, mua, bán, sử dụng hóa chất và hoạt động xúc rửa đường ống của Công ty Formosa.

Vì sao Formosa lại nhập một lượng lớn hóa chất? Theo một chuyên gia (đề nghị được giấu tên), về xử lý nước thải, các nhà máy luyện gang, thép như Formosa trước khi đi vào vận hành, phải tiến hành tẩy rửa bề mặt và thụ động hóa bề mặt kim loại (theo thông tin công ty Formosa cung cấp, lần cuối công ty này tiến hành tẩy rửa bề mặt và thụ động hóa bề mặt kim loại vào tháng 3/2016). Đây là lần tẩy rửa bề mặt và  thụ động hóa bề mặt kim loại duy nhất trong một đời làm việc của nhà máy. Để làm việc này cần phải sử dụng một lượng lớn hóa chất tẩy rửa.

Dựa vào danh sách Hải quan Hà Tĩnh cung cấp cho báo chí, vị chuyên gia này ước tính, trong số gần 400 tấn hóa chất được Formosa nhập về có khoảng 80-100 tấn hóa chất dùng để tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại.

Trong quá trình tẩy rửa sẽ thải ra một lượng lớn phosphate (tẩy rửa), có thể gấp hàng trăm lần so với hàm lượng trong nước thải của quá trình vận hành nhà máy thông thường. Ngoài ra còn có kẽm- một kim loại nặng. Sắt, đồng từ quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại cũng thải ra gấp hàng trăm lần mức cho phép. Trong quá trình thải ra, sắt, đồng, kẽm kết hợp với phosphate tạo ra muối. Những muối này nặng hơn nước biển và nếu thải ra môi trường sẽ chìm xuống đáy.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, nồng độ hóa chất sử dụng trong quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại cao gấp nhiều lần so với nồng độ hóa chất khi vận hành bình thường. Hệ thống xử lý nước thải chỉ đáp ứng được trong điều kiện vận hành bình thường còn trong quá trình tẩy rửa, do nồng độ hóa chất rất cao nên hệ thống xử lý nước thải không thể đáp ứng được. Chỉ có một cách duy nhất là dự trữ lượng nước thải và bùn thải này để xử lý dần dần.

Chuyên gia này cho biết thêm, việc xử lý kim loại ra khỏi nước thải là rất khó, nếu muốn xử lý đạt chuẩn trước khi thải thì chi phí xử lý rất cao. Thông thường, để loại 1 mg/l kim loại ra khỏi hệ thống thường mất khoảng 10-20 mg/l hóa chất xử lý. Trong khi đó trong quá trình tẩy rửa và thụ hóa bề mặt, hàm lượng kim loại trong nước xả là hàng trăm mg/l nên muốn xử lý triệt để chi phí sẽ đội lên rất cao.

MỚI - NÓNG