Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Thủy lợi, phía Trung Quốc đã thông báo bắt đầu xả nước từ 15/3 và đến 10/4 xuống hạ lưu sông Mekong qua đập Cảnh Hồng với lưu lượng bình quân là 2.000 m3/s. Từ 8 giờ ngày 15/3 đến nay, lượng nước chảy từ hồ chứa nước Cảnh Hồng đo được là 2.200 m3/s, gấp 3-3,5 lần so với lưu lượng nước tự nhiên và tăng hơn so với với phương án ban đầu là 10%.
Tuy nhiên, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dẫn số liệu của Ủy hội sông Mekong cho hay, thực tế, Trung Quốc đã gia tăng phát điện từ ngày 9/3 và đạt đỉnh từ ngày 12/3 và khá ổn định từ ngày 14/3 tới nay. Do vậy, thông báo trên của phía Trung Quốc còn chậm hơn cả quá trình vận hành thực của thủy điện Cảnh Hồng, làm gia tăng nước về hạ lưu, được xem là đợt xả bình thường của thủy điện Trung Quốc, lưu lượng xả tăng từ 1.100 m3/s lên 2.100 m3/s.
Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng và mỏ của Lào tuyên bố xả nước phát điện vào khoảng 1.130 m3/s từ ngày 23/3 đến hết tháng 5. Tuy nhiên, thực tế, lượng xả gia tăng dự đoán chỉ khoảng 500-600 m3/s, một phần trước đó vẫn được xả phát điện.
Theo ông Trần Đức Cường, Phó Chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam, dòng chảy trên sông Mekong trung bình hàng năm khoảng 475 tỷ m3, trong đó 95% là từ các nước thượng nguồn, trong đó có 3 nguồn chính là từ Trung Quốc, các nước trung lưu (Lào, Thái Lan, Campuchia) và Biển Hồ (Campuchia).
Theo đó, nguồn nước từ các đỉnh núi tuyết của Trung Quốc, chạy qua 6 đập như những “bậc thang” thủy điện với những đập rất lớn. Nếu các đập ở Trung Quốc giữ lại nước, gần như hạ lưu “chết khát”.
Do vậy, ông Cường khẳng định, nước về ĐBSCL từ đầu tháng 4 lại đây không thể nói do triều rút và nước ngọt về tự nhiên như một số ý kiến gần đây. “Trong một phạm vi nào đó, nước lên là ảnh hưởng tích cực từ thượng nguồn xuống, trong đó có nước từ các đập thủy điện Trung Quốc”- ông Cường nói.
Nguồn nước từ các đỉnh núi tuyết của Trung Quốc, chạy qua 6 đập như những “bậc thang” thủy điện với những đập rất lớn. Nếu các đập ở Trung Quốc giữ lại nước, gần như hạ lưu “chết khát”.