Vành khăn trắng trên đầu con trẻ
Từ hơn 6h sáng, người nhà, thân nhân các chiến sỹ đã tập trung về Nhà tang lễ Quốc gia để chuẩn bị cho lễ truy điệu. Những vành khăn tang trắng được phát và đeo vội, những bộ quần áo vải xô được người lớn mặc cho những đứa trẻ khuôn mặt còn non nớt. Những đứa con thơ chưa đủ lớn khôn để hiểu không còn bố nữa, ngơ ngác nhìn người thân khóc ngất. Tiếng khóc xen lẫn tiếng nấc nghẹn của những người vợ, người mẹ càng làm cho không khí thêm bi thương.
Con trai liệt sỹ Đỗ Mạnh Uy mới 5 tháng tuổi theo mẹ và họ hàng đến tiễn biệt cha. Thân hình nhỏ của bé lọt thỏm trong chiếc áo tang màu đen và chiếc khăn tang trắng trên đầu khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Bé Chử Nguyên Phương, con trai của liệt sỹ Chử Văn Minh chưa đầy 3 tuổi, mặc quần áo vải xô, đầu quấn khăn nằm im trên vai bà.
Ông Hoàng, bố vợ anh Minh thỉnh thoảng lại đưa tay quạt cho hai bà cháu, cho cháu uống nước mà nước mắt giàn giụa. Ông Hoàng kể, vợ anh Minh do quá thương chồng, bị ngất, phải đưa ra ngoài. Trong câu chuyện với phóng viên, ông Hoàng liên tục đưa tay lau nước mắt, thương con rể, con gái, thương cháu nhỏ mất cha.
Chị Thanh, vợ của liệt sỹ Hoàng Lại Long cũng bị ngất, phải đưa ra ngoài ghế đá ngồi. Chị Phùng Thị Loan, người nhà anh Long kể, gia đình anh có hai con, một trai một gái, họ hàng dưới quê Nam Định, Thái Bình đều lên để đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ngồi ở ghế đá trong khuôn viên nhà tang lễ, hai bà Lê Thị Hiền, Lê Thị Hợp, cô ruột của chiến sĩ Lê Thanh Việt vừa khóc vừa nhắc chuyện về Việt. “Vào trong đó đau đớn quá, chúng tôi không dám vào nữa. Thực sự là quá đau xót”, bà Hợp nói. Đến tận hôm nay, bà Hợp vẫn chưa quên thời khắc cả nhà đợi tin anh Việt. “Hôm đó, nghe tin lúc hơn 7h, bố Việt có gọi điện cho con nhưng không ai nghe máy, linh tính chuyện chẳng lành. Đến 9h, nghe được tin chính xác có tai nạn thì gia đình từ Nam Định lên luôn Hà Nội. Khi ở bệnh viện 105, chỉ biết tin Việt nằm trong số 21 người chứ chưa biết hy sinh hay bị thương”, bà Hợp kể.
Anh Việt ra đi để lại vợ và hai con nhỏ, con gái lớn năm nay vào lớp 1, con trai sinh nhật lần thứ 2 dịp tháng 8. Mẹ anh Việt, bà Lê Thị Chinh (68 tuổi) khóc suốt mấy hôm nay đến khàn cả giọng. Ngồi tựa vào tường cạnh khu vực làm lễ truy điệu, bà nói anh Việt là con út trong 3 anh chị em. “Chúng tôi sẽ đưa nó về quê hương”, bà Chinh nói trong nước mắt. Bà Đặng Thị Nhung (69 tuổi) người thân chiến sĩ Nguyễn Văn Hưng quê ở Thái Bình cũng không cầm được nước mắt tại lễ viếng.
Bà chia sẻ “Thằng Hưng ra đi đột ngột quá, trong khi vợ đang mang bầu 4 tháng. Khi vừa mới nghe tin vợ khóc suốt ngày, cả nhà ai cũng xót thương”.
Hòa chung giọt lệ
Tiếc thương, xót xa, cảm thông với mất mát, hy sinh của gia đình các chiến sĩ, hàng nghìn người dân, bạn bè, đồng hương… đã đến viếng và cầu nguyện cho anh linh các anh. Từ sáng sớm, cụ Nguyễn Thị Mão (77 tuổi, Khu tập thể Trung Tự, Kim Liên, Hà Nội) đã đến nhà tang lễ dù bước chân của tuổi già đã có phần tập tễnh. Đôi mắt đỏ hoe và giọt nước mắt đục lăn nơi khóe mắt, bà Mão xúc động: “Không phải người thân, nhưng từ hôm nghe được tin tai nạn trên truyền hình đến nay thấy sao đau xót quá. Có sự chia lìa cõi trần nào không đau xót, nhất là trong thời bình. Mấy đứa còn trẻ quá, có đứa mới tuổi đôi mươi chưa có gia đình, có đứa chưa được nhìn mặt đứa con mới sinh…”.
Sự ra đi của các chiến sĩ để lại đau thương cho người thân và đồng đội. Ảnh: Trường Phong
Chứng kiến cảnh 18 linh cữu đặt cạnh nhau và giữa tiếng khóc nấc nghẹn, bà Mão nghẹn ngào nhớ lại những năm kháng chiến chống Mỹ. “Năm 1966, em gái tôi cùng 5 đồng đội bị máy bay Mỹ oanh tạc và hy sinh trên mâm pháo. Đến nhận mặt em, hình ảnh khắc khoải với tôi đến tận bây giờ là thi thể của em gái tôi và đồng đội đặt nằm cạnh nhau thành một hàng. Mẹ tôi đã khóc ngất khi em ra đi lúc mới 23 tuổi…”.
Cũng với tấm lòng cảm thông, chia sẻ, hai cụ Lê Thị Tuyết (84 tuổi) và Lâm Thị Thông (72 tuổi) ở phố Nguyễn Huy Tự (Hà Nội) dìu nhau đến nhà tang lễ để viếng. “Chúng tôi đều là gia đình quân nhân. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia đình tôi và gia đình cụ Thông đều có liệt sĩ, thương binh”, cụ Tuyết nói. Không phải người nhà, không phải con cháu ruột thịt, nhưng cụ Tuyết bảo, từ hôm nghe tin, cụ khóc thương nhiều, vì các cháu ra đi lúc còn quá trẻ, nhiều cháu chưa kịp lấy vợ, sinh con…
Trong đoàn người về dự lễ truy điệu 18 cán bộ, chiến sỹ có những người đến từ nơi các anh đã hy sinh. Từ 5 giờ sáng, bà Phạm Thị Nga (63 tuổi) và bà Phạm Thanh Thủy (60 tuổi) đã bắt xe buýt từ Thạch Thất lên Nhà tang lễ Quốc gia. Nhớ lại ngày 7/7 đau thương, bà Nga chia sẻ, hôm đó, khi nghe tiếng nổ, mọi người trong làng chạy về hướng phát ra tiếng nổ để xem xét. Đến nơi, thấy máy bay rơi và nhiều chiến sỹ đã hy sinh, mọi người rất đau xót, đã đến thắp hương, cầu nguyện.
“Tuy không họ hàng ruột thịt với các chiến sĩ, nhưng chúng tôi đều thương xót các anh như những người con thân yêu. Sáng nay chúng tôi lên đây muốn chia sẻ nỗi đau thương với gia đình và thắp nén nhang, tiễn đưa cho các chiến sĩ”, bà Nga bộc bạch.
Hơn 10 giờ sáng, lễ truy điệu được cử hành. Trời đang nắng bỗng đổ mưa tầm tã như hòa chung với giọt lệ của gia đình, người thân và hàng nghìn người dân tiễn đưa các anh về Đất Mẹ. Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó chính ủy Quân chủng PK-KQ nói trong xúc động: “Các đồng chí hãy yên lòng an nghỉ. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm chăm lo chế độ chính sách tốt nhất cho gia đình các đồng chí. Mong các đồng chí yên tâm, vẫn sẽ có hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ trực chiến, làm nhiệm vụ, sẵn sàng cất cánh bay lên bảo vệ bầu trời. Mong các đồng chí yên lòng an nghỉ nơi vĩnh hằng”.
Ghi nhận sự anh dũng hy sinh của các chiến sĩ, Thường vụ quân ủy T.Ư - Bộ Quốc phòng; Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ cùng thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã quyết định truy thăng và truy phong quân hàm sĩ quan cho 18/18 chiến sĩ. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho ba đồng chí trong tổ bay; Huân chương Chiến công hạng Hai cho hai đồng chí giáo viên dù; Huân chương Chiến công hạng Ba cho các đồng chí học viên của Trường Sĩ quan không quân thuộc quân chủng PK-KQ và các đồng chí chiến đấu viên thuộc Tiển đoàn 18, Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội.
Nguyễn Minh
Đến viếng các chiến sỹ hy sinh có Tổng Bí thư, Bí thư quân ủy T.Ư Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch UBT.ƯMTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN Ngô Xuân Lịch; Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Võ Văn Tuấn; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Đại sứ quán Lào… cùng nhiều Bộ, Ban, ngành T.Ư và Hà Nội. Ban tổ chức lễ tang cũng nhận nhiều vòng hoa do các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ gửi viếng.
Ghi vào sổ tang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Vô cùng thương tiếc 18 đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, trong khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bay chiến đấu không may máy bay gặp nạn đã anh dũng hy sinh. Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta mãi mãi biết ơn sự hy sinh cao cả của các đồng chí vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin gửi đến các đơn vị và các gia đình có quân nhân hy sinh lời thăm hỏi ân cần và lời chia buồn sâu sắc nhất!”.
Nguyễn Minh