Nước mắt thiên lương

Sự đón tiếp rộng lòng, thân tình của cựu chiến binh Việt Nam khiến các cựu binh Mỹ cảm thấy được tha thứ và nhẹ nhõm. Ảnh: Lê Xuân Sơn.
Sự đón tiếp rộng lòng, thân tình của cựu chiến binh Việt Nam khiến các cựu binh Mỹ cảm thấy được tha thứ và nhẹ nhõm. Ảnh: Lê Xuân Sơn.
TP - Một ngày đầu của tháng 12/2016, ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TPHCM diễn ra cuộc gặp mặt đặc biệt giữa nhóm cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và một số người Việt, trong đó có cựu tử tù Lê Hồng Tư – người chiến sĩ cách mạng nổi tiếng bị chính quyền Sài Gòn giam 15 năm, trong đó có 13 năm ở Côn Ðảo.

Rất lâu không gặp Huỳnh Ngọc Vân, cô bạn hồi xưa mảnh khảnh đến mức tôi cứ sợ một trận gió nào đó sẽ thổi bay lên trời. Mấy mươi năm trước, Vân học cùng tôi ở trường Ðại học Tổng hợp Kuban ở Liên Xô, giờ thì đã trở thành bà giám đốc uy vệ của một trong những bảo tàng nổi tiếng và có đông khách, nhất là khách Tây tham quan nhất nước: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Giữa chuyện xưa, gần, cũ, mới,  Vân bảo: “Ðến bảo tàng tôi mà xem cựu binh các nước khóc sám hối”.

Cuộc gặp gỡ đặc biệt

Ðó là một nhóm 14 người Mỹ, thành viên của “Trái tim người lính” - một tổ chức chuyên chăm sóc, chữa trị hội chứng trầm cảm sau chiến tranh cho các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Trong họ có các cựu binh và người thân, các chuyên gia tâm lý đi theo để nghiên cứu, chữa trị.

Những cựu binh Mỹ mà nếu cứ bằng vào các bức ảnh tư liệu thì ngày xưa đến mảnh đất Việt Nam trong bộ dạng hầm hố, vũ trang tận răng ấy nay quả là những người không được cân bằng về tâm lý. Họ rất dễ rơi nước mắt.

John Attaway, người đàn ông tóc bạc, dáng vẻ trí thức, là mục sư Tin lành, khuôn mặt đầy uẩn ức, mắt ậng nước nói đứt đoạn: “Tôi là xạ thủ súng máy kiêm thợ máy thuộc một hải đoàn tác chiến 3 năm 67, 68, 69 ở Ðồng bằng sông Cửu Long. Tôi đã bắn rất nhiều. Ðược một số phần thưởng danh dự.  Nhưng về Mỹ thì tôi bị trầm cảm. Gan thận cũng tổn thương vì chất độc da cam. Sức khỏe mất gần như 100%. Không hiểu vì lý do gì chúng tôi lại đến tham gia vào cuộc chiến ấy. Ðó là một tội lỗi. Nó làm tổn thương người Mỹ cho đến tận ngày nay. Tôi đến để mong được tha thứ”.

"Tôi nghĩ tôi được gặp bà ấy là theo ý nguyện của Ðấng Tối Cao. Tôi cảm tưởng bà ấy chính là Ðức Phật bà Quan Âm đến để tha thứ cho tôi”. 

Cựu chiến binh Mỹ Ralph

Nếu những tràng đại liên vô hồi kỳ trận cắn dứt lương tâm John Attaway thì với người bạn đi cùng ông, một cựu binh Sư đoàn bộ binh 25 “Tia chớp nhiệt đới” khét tiếng của Mỹ, cái ám ảnh cho đến cuối đời lại là ánh mắt của một người mẹ trẻ Việt Nam ôm đứa con đứng nhìn khi ông lái chiếc xe tuông ngang tàn phá mảnh vườn của nhà cô theo lệnh viên đại úy chỉ huy.

Lần lượt, từng người nghẹn ngào hoặc rưng rưng bộc bạch nỗi niềm đè nặng trái tim họ suốt hơn 40 năm sau khi cuộc chiến chấm dứt. Và không chỉ các cựu binh chiến tranh Việt Nam, cả những phụ nữ, người thân đi cùng cũng khóc nức lên khi trút bầu tâm sự. Chị Diana – một cựu thiếu tá thủy quân lục chiến Mỹ, không tham gia chiến tranh Việt Nam, 22 năm qua đấu tranh chống lại những hành vi thô bạo của đàn ông đối với phụ nữ (mà chị cũng là nạn nhân trong thời gian tại ngũ) vừa khóc vừa nói về những đau khổ mà chị hình dung người phụ nữ Việt Nam đã phải chịu đựng.

Nước mắt thiên lương ảnh 1

Nhà thơ Trương Nam Chi an ủi một thành viên của tổ chức Trái tim người lính Mỹ đang khóc nức nở.

Ðến Việt Nam đầy mặc cảm tội lỗi, những cựu binh Mỹ hân hoan thu nhận từng tín hiệu thân thiện của người Việt. Ralph, người từng tham chiến ở chính khu vực giờ đã rất nổi tiếng trên thế giới qua phim “Ðồi thịt băm” thuộc vùng thung lũng A Sầu, A Lưới kể: “Hôm qua chúng tôi đi thăm vùng địa đạo Củ Chi.  Ở một điểm xe dừng, chúng tôi đi loanh quanh để xem thì được một phụ nữ có tuổi mời vào nhà. Qua câu chuyện mới biết anh trai của bà bị lính Mỹ bắn chết ở Bến Củi năm 1965. Nhà không có tủ lạnh, bà ấy tất tả chạy sang mấy nhà hàng xóm xin đá về pha nước trái cây mời chúng tôi uống cho mát. Tôi không có mặt ở đó năm 1965, không có lỗi trực tiếp trong cái chết của anh trai bà ấy nhưng tôi đã cúi đầu xin lỗi bà. Tôi nghĩ tôi được gặp bà ấy là theo ý nguyện của Ðấng Tối Cao. Tôi cảm tưởng bà ấy chính là Ðức Phật bà Quan Âm đến để tha thứ cho tôi”.

Chứng kiến tâm tư của những người Mỹ đã ở pha cuối của cuộc đời, chú Lê Hồng Tư nói nghẹn ngào: “Tôi 15 năm là tử tù của chính quyền Sài Gòn, không còn nỗi khổ đau nào chưa phải chịu đựng. Những mất mát, đau thương mà cuộc xâm lược của Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam là không thể kể hết được. Nhưng quý vị biết cuốn sách tôi cầm trên tay là của ai không? Là của chính viên tướng đã trực tiếp ra lệnh rải chất độc hóa học da cam xuống Việt Nam. Trước khi chết ông ấy đã nói điều gì với con trai các bạn biết không? Ông ấy bảo: “Con hãy đến Việt Nam và làm tất cả những gì có thể để giúp những người dân ở đó”. Và con ông ấy đã đến Việt Nam khoảng 200 lần để làm những việc tốt cho nhân dân chúng tôi. Hôm nay các bạn đến đây với sự ân hận, chúng tôi thực sự muốn khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Hãy cùng nhau làm những điều tốt đẹp”.

Trái tim người lính

Huỳnh Ngọc Vân kể năm 1995, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ thì năm 1996 đã có nhóm cựu binh Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 đầu tiên đến quỳ khóc ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Trước khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ thì cũng có lẻ tẻ vài cựu chiến binh Mỹ bằng cách nào đó đến được đây để sám hối. Ý thức được mình đã tham gia một cuộc chiến tranh phi nghĩa hoặc ám ảnh bởi tội ác, nhiều cựu binh Mỹ mắc một thứ gọi là Hội chứng trầm cảm sau sang chấn (chiến tranh), viết tắt là PTSD.

Những người lính đó đến Việt Nam thường có gia đình, người thân đi cùng vì họ cũng bị ảnh hưởng ở PTSD của chồng, cha và cũng muốn giải thoát. Dần dà, tổ chức “Trái tim người lính” ra đời, nhằm tìm nguyên nhân và chữa trị cho những cựu binh trầm cảm của các cuộc chiến tranh từ Việt Nam tới Afghanistan, Iraq. Một trong những người sáng tập ra “Trái tim người lính” là Edward Tick - một thành viên nổi bật của phong trào biểu tình những năm 60 thế kỷ trước phản đối Chính phủ Mỹ đưa quân sang Việt Nam. Ông là người lần này trực tiếp dẫn đoàn 14 người đi và thổ lộ rằng cho đến tận hôm nay vẫn nhớ cái cảm giác lạnh rợn người mà họng súng cảnh sát Mỹ thúc vào hông trong một cuộc biểu tình phản chiến năm 1968.

Nước mắt thiên lương ảnh 2

Edward Tick - thành viên nổi bật của phong trào biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, một trong những người sáng lập “Trái tim người lính”.

Một trong những liệu pháp chữa trị hiệu quả cho cựu binh Mỹ là tổ chức các chuyến tham quan cho họ và gia đình thăm lại Việt Nam, đến những chiến trường xưa, gặp gỡ các giới ở Việt Nam, chứng kiến Việt Nam thay da đổi thịt. Thoạt đầu, họ đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, mua vé vào xem. Dần dà thì giữa Bảo tàng và “Trái tim Người lính” hình thành quan hệ hợp tác, và Bảo tàng tổ chức các cuộc gặp mặt như trên đây cho các cựu binh Mỹ. Các cựu binh Mỹ còn đi thăm và cầu nguyện ở một số đền chùa, chùa Dâu Bắc Ninh, Tòa thánh Tây Ninh…; giao lưu với cựu chiến binh, cựu tù chính trị Việt Nam, nạn nhân chất độc da cam…

Nhiều câu chuyện thú vị xen cảm động được kể lại.

Khoảng năm 2002, Vân đang tiếp một đoàn Nhật Bản thì nghe có tiếng khóc ồn ào ở ngoài rồi nhân viên chạy vào nói có một cựu binh da đen Mỹ ngồi ghi cảm tưởng bật khóc không ai dỗ nổi. Vân chạy ra vỗ về thì người cựu binh ôm lấy chị khóc ướt cả vai áo. Bỗng phía sau nghe rộ lên một tiếng: cửa phòng khách vẫn mở, cả đoàn Nhật chứng kiến trọn cảnh đó và òa khóc.

Nước mắt thiên lương ảnh 3

Sư Minh Ðộng - một cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam quỳ lạy tạ tội trước trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Nước mắt thiên lương ảnh 4

Cựu chiến binh Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 Mỹ đến quỳ khóc sám hối ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ngày 12/10/1996. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Một trong những địa chỉ hay được các đoàn cựu binh Mỹ đến là cơ sở nhà vườn “home stay” trên một cù lao trên sông Tiền của chú Tám Tiền - một cựu binh phía ta. Lần đó, cựu binh Mỹ Huge từng hoạt động ở vùng này hỏi cựu binh Tám Tiền là trong chiến tranh ông dùng súng gì. Chú Tám Tiền nói cũng tùy, có súng gì dùng súng đó. Ông Huge nói: “Tôi là xạ thủ đại liên M60. Tám Tiền ơi, ông là tay súng quá tồi. Hồi đó, tôi to lớn như thế, là mục tiêu dễ hạ như thế mà ông không bắn chết tôi đi cho rồi, để tôi 40 năm qua phải dằn vặt khổ sở, sống không bằng chết!”.

Anh Trần Ðình Song, một phiên dịch lão luyện cho cựu binh Mỹ, giờ kiêm luôn đại diện cho tổ chức “Trái tim người lính” ở Việt Nam, người lần này dẫn đoàn 14 người đi xuyên Việt kể: “Mặc cảm tội lỗi khiến cho cựu binh Mỹ trở nên quá nhạy cảm. Có lần tôi dẫn một nhóm đi Tây Ninh. Có người dân đi qua bị ho, khạc một tiếng rồi nhổ. Chuyện thường ở ta. Thế mà trong đoàn cũng có người khóc nói người dân họ khinh bỉ chúng tôi nên mới khạc nhổ như thế”.

Khoảng 10 ngày sau cuộc gặp mặt tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, tôi gặp lại nhóm cựu binh Mỹ ở Hà Nội, tại một cuộc sinh hoạt đặc biệt của cựu binh Việt Nam chiến tranh biên giới phía Bắc. Họ đã nhẹ nhõm hơn nhiều, tuy thỉnh thoảng vẫn còn rưng rưng mếu máo khi nghe chuyện cảm động. Ðược biết những chuyến đi Việt Nam khiến nhiều cựu binh Mỹ bớt trầm cảm, mặc cảm, có lối sống tích cực hơn. Trong khung cảnh vui vẻ của cuộc gặp hôm đó, tôi cứ nhớ những giọt nước mắt của họ ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - những giọt nước mắt của 40 năm đau khổ.  Tôi nghĩ đó là những giọt nước mắt cao quý của nhân tính, những giọt nước mắt của thiên lương, mà thiếu đi thì chiến tranh và tội ác có lẽ sẽ hoành hành hơn nhiều trên trái đất này. Tôi nói với họ như vậy và họ đã lắng nghe với thái độ trân trọng. 

N kiểu sám hối

Có khoảng chục nước đã tham gia cuộc chiến tranh của Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam nên không chỉ có cựu binh Mỹ sám hối, và cách thể hiện sự sám hối cũng khác nhau.

Tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh còn lưu tấm ảnh của nhà sư Minh Ðộng dập đầu quỳ lạy tạ tội trước các nạn nhân chiến tranh Việt Nam. Sư nguyên là một lính Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam. Cựu binh Hàn Quốc thường quỳ xin lỗi và điều này đã lan cả sang những thanh niên Hàn Quốc biết việc tham chiến và những tội ác của binh lính Hàn Quốc ở Việt Nam. Cùng thời gian với nhóm “Trái tim người lính” của Mỹ, tôi gặp một đoàn khoảng hơn 20 thành viên mà chủ yếu là người trẻ của Quỹ hoà bình Hàn - Việt mà tiền thân là phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” đến giao lưu tại Bảo tàng. Sau đó họ đến tưởng niệm các nạn nhân bị binh lính Hàn Quốc thảm sát ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi và xã Ðiện An, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Trong các kiểu sám hối của người Mỹ có việc mát xa cho các cựu tù nhân và cựu chiến binh Việt Nam theo sáng kiến của BS John Fisher. Cựu binh Úc thì đến chùa Kỳ Quang để tặng quà và chơi đùa với các cháu khuyết tật…

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.