Cuộc họp mặt giao lưu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân có hơn 200 nhà giáo tham dự. Trong nhiều câu chuyện xúc động, câu chuyện về tình thầy trò của thầy Trần Văn Long, giáo viên trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Tân Bình, TP.HCM).
Thầy Long đến với ngành giáo dục là do hoàn cảnh. Từ năm 11 tuổi, đã phải bươn chải để lo cho gia đình, các em vì bố thầy bị liệt do xe đụng gãy xương sống, mẹ đau yếu thường xuyên.
Thiếu thốn trong cuộc sống và thiếu thốn sự chăm sóc của người lớn để có điều kiện học hành trọn vẹn hơn nên khi lớn lên nhìn những đứa bé do hoàn cảnh đưa đẩy bị thiệt thòi thầy đồng cảm sâu sắc và muốn làm gì đó để giúp các em. Thầy đã nuôi ước mơ được làm thầy từ những năm học cấp 3 để có điều kiện giúp những mảnh đời bất hạnh một cách thiết thực nhất.
Thầy giáo Trần Văn Long không kìm được nước mắt khi kể về học trò cũ.
Trong buổi chia sẻ, thầy Long kể lại câu chuyện xúc động về người học trò của thầy. Đó là cậu học trò Thanh Quang nghịch ngợm, có hoàn cảnh éo le giờ là chủ của một của tiệm tóc Thanh Long.
“Cách đây không lâu, trên đường đi dạy về tôi tình cờ gặp người ăn mặc lịch sự đến chào hỏi. Sau phút định thần tôi nhận ra đó một học trò từng được mệnh danh “đại bàng” trong lớp ngày xưa tên là Thanh Quang.
Quang là một học trò nghịch ngợm, ngày đi học cứ dăm ba bữa Quang lại gây sự đánh nhau. Trong một lần tôi tình cờ nghe lại câu chuyện Quang sắp gây gỗ đánh nhau với bạn khác cuối buổi học hôm đó tôi giữ Quang ở lại và phát hiện trong cặp em có mang theo một con dao. Quang bảo rằng em mang theo để tự vệ.
Từ khi phát hiện ra, những ngày sau đó tôi rất gần gũi Quang. Em thiếu vở tôi mua vở cho em, có lúc thầy trò chia nhau ăn một ổ bánh mì chống đói. Lúc này, tôi mới biết Quang phải sống với một người bố nghiện rượu, suốt ngày đắm chìm trong nhậu nhẹt, còn người mẹ đã em bỏ em từ lúc sinh ra. Vì vậy em luôn bị những trận đòn vô cớ của bố và bị các bạn trong xóm dọa dẫm.
Một thời gian sau, khi tôi đang chạy xe trên đường thì bất chợt gặp em cùng một nhóm bạn “trọc đầu” đi đá bóng. Lúc này tôi mới biết em đã nghỉ học. Mấy ngày sau tôi dẫn em tới một cửa hàng nghề uốn tóc một người bạn với mục đích tìm cho em một kế sinh nhau. Nhưng không ngờ cậu học trò của tôi khiếu nghề này.
Mãi tới sau này, Quang tới tìm tôi rồi dẫn đến một cửa hiêu cắt tóc và giới thiệu đây là cơ ngơi của của em. Quang khoe giờ đã 6 người thợ , họ đều có hoàn cảnh như em trước đây.
Điều bất ngờ, Quang chỉ tôi nhìn vào biển hiệu tiệm tên Thanh Long. Tôi hỏi em tên Thanh Quang sao lại để tên Thanh Long? Quang nói rằng, cha mẹ sinh ra em nhưng người lo lắng cho em nhất là thầy. Vì vậy em để tên Thanh Long. Thanh có nghĩa là thanh tao, còn Long là tên thầy. Lúc này tôi có cảm giác học trò của tôi đã thật sự trưởng thành".
Câu chuyện thứ 2 thầy Long chia sẻ, nghĩ lại thấy bứt rứt, ân hận đến tận bây giờ - đó là câu chuyện về học sinh tên Diễm Quỳnh.
"Quỳnh là một học sinh đặc biệt đến lớp luôn ngủ và không làm bài về nhà. Vì không hài lòng với việc ngủ gục, ngáp ngắn, ngáp dài của em, nhiều lúc tôi đã mắng em. Sau này tôi phát hiện ra Quỳnh rất có năng khiếu ca hát, bố đã mất, mẹ đau yếu, buổi tối hai mẹ con phải tá túc trong một bệnh viện. Quỳnh phải làm nghề ca hát để kiếm tiền....
Biết được hoàn cảnh, tôi ăn năn, hối hận và tự hứa với lòng mình nếu làm gì phải nghĩ thật kĩ trước khi quyết định" - thầy Long nghẹn ngào.
Cũng tại buổi giao lưu, nhiều nhà giáo đã bày tỏ tâm tư về nghề nghiệp của mình.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng THPT Gia Định trăn trở về nghề trước sự thay đổi của Bộ GD - ĐT về quy chế, thi cử. Cô Cúc cho rằng, sự thay đổi không được hướng dẫn kịp thời khiến người giáo viên không yên tâm.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc.
Theo cô Cúc, đổi mới là cần thiết nhưng nếu không được hướng dẫn sớm thì giáo viên sẽ dạy dàn trải một cách an toàn. Mà nếu dạy theo kiểu an toàn này thì giáo dục không thể thay đổi về chất.
Cô Cúc quan niệm để tạo vị thế của nhà giáo trong xã hội hiện nay, bản thân người giáo viên phải giữ uy tín. Người giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức và còn giáo dục nhân cách đạo đức cho học sinh. Khi chọn nghề giáo phải biết cái gì được cái gì mất, phải đặt chữ tâm lên hàng đầu, phải coi hạnh phúc của học sinh là hạnh phúc của thầy cô giáo...
Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ, chúng ta là những nhà giáo, chúng ta phải tự hào về nghề của mình.... Dẫu đâu đó còn những chế độ chính sách chưa hợp lý, còn việc này việc kia nhưng các thầy cô phải luôn rèn luyện giữ tâm sáng.