Dự án có công suất cấp nước: 20.000 (m3/ngày đêm); quy mô dân số được cấp nước khoảng 84.408 người (20.000 hộ). Theo UBND thành phố Hà Nội, khi nhà máy nước sông Hồng chưa đi vào hoạt động, nguồn cấp được lấy nước từ hệ thống cấp nước Sông Đà để cấp nước cho 3 xã Hạ Mỗ, Liên Hồng, Liên Hà. Đến năm 2020 khi đã có nguồn từ nhà máy nước sông Hồng, sẽ cấp nước cho 5 xã còn lại đảm bảo bao phủ toàn bộ 8 xã của dự án.
Tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án được đăng ký trên nguyên tắc do các Nhà đầu tư tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tính chính xác phù hợp theo quy định. Việc xây dựng phương án giá nước phải tuân thủ quy định hiện hành tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, Nghị định số 124/2011/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch… và các quy định liên quan khác của Nhà nước và Thành phố.
Dự án được triển khai sẽ xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước phân phối, dịch vụ, đấu nối cấp nước cho người dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn các xã và vùng phụ cận; xây dựng hệ thống cấp nước phù hợp với quy hoạch cấp nước đã được duyệt khớp nối đồng bộ với hệ thống mạng lưới truyền dẫn theo quy hoạch thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng, góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân.
Thành phố Hà Nội yêu cầu nhà đầu tư đảm bảo vốn chủ sở hữu và vốn huy động để triển khai dự án theo đúng tiến độ được phê duyệt; xây dựng phương án giá bán nước phù hợp với các quy định của Nhà nước và giá nước hiện hành của thành phố đang thực hiện; lựa chọn, sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, sử dụng ống nước có thời hạn sử dụng 30-50 năm, đảm bảo tiêu chuẩn đáp ứng chất lượng nước theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đảm bảo hiệu quả đầu tư và không gây ảnh hưởng đến môi trường….
Như thông tin trước đó, dự án nhà máy nước mặt sông Hồng nằm trên địa bàn huyện Đan Phượng chậm tiến độ kéo dài, trong khi Đan Phượng là một trong những địa bàn còn nhiều khó khăn về nước sạch.
Theo lãnh đạo huyện, dự án nước mặt sông Hồng đang bị chậm tiến độ. Huyện đã rất nỗ lực giải phóng mặt bằng, nhưng còn nhiều khó khăn.
“Theo dự kiến ban đầu thì năm 2018 đưa vào vận hành, cung cấp nước. Nhưng dự án hiện vẫn đang triển khai và theo cam kết với thành phố sẽ đưa vào vận hành vào cuối 2019 đầu năm 2020”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thông tin.
Theo ông Hùng, để giải quyết vấn đề cấp nước sạch trong khi chờ nhà máy nước mặt sông Hồng, thành phố đã có chủ trương giao Cty nước sạch Đan Phượng xây dựng trạm xử lý nước mặt sông Hồng đặt tại xã Hồng Hà. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng”, ông Hùng nói thêm.
Cuối năm 2018, trong đợt giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội, đại diện Nhà máy nước mặt sông Hồng thừa nhận việc chậm tiến độ thời gian dài. Nguyên nhân được cho là do dự án lớn, đòi hỏi công nghệ cao, đòi hỏi đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn...
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, huyện Đan Phượng là một trong những địa bàn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai hạ tầng nước sạch. Trong đó, khó khăn chủ yếu là tìm nguồn nước. Mục tiêu của thành phố là đến năm 2020 sẽ bao phủ 100% nước sạch cho cư dân trên địa bàn, trong đó phụ thuộc rất lớn vào tiến độ thực hiện dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng, tuy nhiên, hiện tại chưa rõ tiến độ của đơn vị này.
Tại phiên giải trình về cung cấp nước sạch trên địa bàn của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, nhiều đại biểu tập trung nêu hiện trạng có tới hơn một nửa các dự án cấp nguồn nước chậm tiến độ, thậm chí có dự án chưa triển khai. Một số dự án dang dở, xuống cấp dù chưa hoàn thành... Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, trong hơn 1 năm qua, thành phố đã cho triển khai 11 dự án. Hiện đã đưa nước đến các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông, Ứng Hòa…
Ông Dục cho biết, Cty Cổ phần nước mặt sông Hồng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ, từ nay đến hết quý III/2019, nếu Cty này không thực hiện thì thành phố sẽ xem xét để thay thế. Ông Dục cũng giải thích thêm, việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. Thành phố đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này. Qua đánh giá, tính khả thi của các Quy hoạch cấp nước rất cao, song khó nhất vẫn là ở huyện Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất do dân cư thưa thớt, địa hình khó khăn…