Nước mắm Phú Quốc bị lập lờ chỉ dẫn địa lý và mạo nhận

Không phải cứ sản xuất, đóng chai tại Phú Quốc thì sẽ thành nước mắm Phú Quốc
Không phải cứ sản xuất, đóng chai tại Phú Quốc thì sẽ thành nước mắm Phú Quốc
TPO - “Doanh nghiệp không phải cứ sản xuất, ủ chượp, đóng chai, dán nhãn ở Phú Quốc thì nghiễm nhiên trở thành nước mắm Phú Quốc mà cần theo quy trình, tiêu chuẩn từ nguyên liệu đến cách ủ mắm” – bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc nhấn mạnh.

Chiều ngày 10/10, tại buổi họp báo giới thiệu Lễ hội sức khỏe và dinh dưỡng lần đầu tiên được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức, đại diện doanh nghiệp nước mắm Phú Quốc bức xúc cho biết việc lập lờ chỉ dẫn địa lý, mạo nhận nước mắm Phú Quốc không chỉ làm doanh nghiệp sản xuất nước mắm uy tín điêu đứng, mà còn gây ngộ nhận, mất niềm tin ở người tiêu dùng.

Theo bà Hồ Kim Liên, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu, và cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại EU.

Nước mắm Phú Quốc bị lập lờ chỉ dẫn địa lý và mạo nhận ảnh 1 Câu chuyện nước mắm truyền thống sẽ là một phần quan trọng trong ngày hội Sức khỏe và dinh dưỡng 

Mất 6 năm trời, nước mắm Phú Quốc mới được EU chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo đó, chỉ có sản phẩm nước mắm sản xuất, đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc, và đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng mới được phân phối vào thị trường EU với tên gọi xuất xứ “Phú Quốc”.

Một trong những tiêu chuẩn đó là 100 cá làm mắm thì 85% phải là cá cơm, ướp muối ngay trên tàu khi vừa đánh bắt, thùng muối mắm phải là thùng gỗ bời lời, dên dên… Thời gian ủ chượp 12 – 18 tháng hoàn toàn tự nhiên, không cho bất cứ chất gì vào. Quy trình sản xuất phải theo chuỗi và được truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Hiện, sản phẩm nước mắm Phú Quốc sản lượng khoảng 30 triệu lít/năm, nhưng nước mắm Phú Quốc có chỉ dẫn địa lý chỉ chiếm khoảng 50%. Nhưng số 50% này cũng chưa thực sự đóng chai hết để đưa đến người tiêu dùng, lý do là giá thành cao hơn những loại nước mắm khác trên thị trường. Khách hàng cũng chưa biết loại nước mắm nào là có chỉ dẫn địa lý. Do vậy nên có sự so sánh giá nên chúng tôi rất khó khăn, rất trăn trở khi đưa mặt hàng này ra thị trường.

Nước mắm Phú Quốc bị lập lờ chỉ dẫn địa lý và mạo nhận ảnh 2 Người tiêu dùng vẫn còn nhiều ngộ nhận khi chọn mua nước mắm

Cũng trăn trở về nhập nhèm tên gọi nước mắm, bà Nguyễn Thị Tịnh, giám đốc doanh nghiệp tư nhân khai thác và chế biến hải sản Thanh Quốc giải thích các phân biệt nước mắm có chỉ dẫn địa lý. Theo đó, nước mắm được EU chứng nhận thì trên sản phẩm sẽ có dòng chữ “Nước mắm Phú Quốc truyền thống trăm năm”, dòng chữ này lớn hơn thương hiệu của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp của tôi và nhiều doanh khác đều có 2 dòng sản phẩm, 1 dòng có chứng nhận chỉ dẫn địa lý và 1 dòng chỉ là nước mắm truyền thống. Tuy nhiên tất cả đều sản xuất theo phương pháp thủ công, không hóa chất” – bà Tịnh nói.

Theo lãnh đạo Hội nước mắm Phú Quốc, địa phương này có khoảng 50-60 nhà thùng được quyền dán nhãn chỉ dẫn địa lý nhưng hầu như không nhiều nhà thùng dám dán. Bởi vì khi đã dán nhãn này là sẽ bị kiểm soát, kiểm tra từng thùng ủ mắm, kiểm tra từng công đoạn vô cùng khắt khe.

Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia về an toàn thực phẩm cho biết: “Lo ngại nhất đối với chúng ta về vấn đề thực phẩm là truy xuất nguồn gốc, sự minh bạch của thực phẩm và tính an toàn của thực phẩm. Xu hướng thế giới hiện nay là kiểm soát chuỗi, quy trình chứ không có kiểm soát sản phẩm nữa”.

Lễ hội Sức khỏe và dinh dưỡng sẽ được tổ chức từ ngày 18-20/10 tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (Q.1), Tại đây, đại diện từ tổ chức cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý từ EU, đại diện các nhà sản xuất và siêu thị phân phối nước mắm truyền thống Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý Việt Nam và EU sẽ chia sẻ cách làm nước mắm truyền thống, cách phân biệt và chọn nước mắm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý… Ngoài ra còn nhiều hoạt động khác như chương trình Kết nối tiểu thương các chợ trong TPHCM; Điều kiện mua hàng, nhập khẩu…

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.