Nửa đêm dựng nhà trên nền cũ Thủ Thiêm

Nhà bà Ngọc đang trát nền
Nhà bà Ngọc đang trát nền
TP - Giải thích lý do dựng nhà trên nền cũ, hộ dân ở phường Bình An, quận 2 cho rằng, từ khi chính quyền đập nhà lấy đất ở Thủ Thiêm, họ sống lay lắt nay đây mai đó, giờ bệnh tật, họ làm liều… về nơi quê cha đất tổ dựng nhà tạm.

Trở lại bán đảo Thủ Thiêm sau cơn bão số 9, tiết trời oi bức như ngày hè. Lò dò hỏi thăm cuối cùng chúng tôi cũng tìm được khu vực hộ dân ở phường Bình An dựng nhà tạm. Các con đường đất năm xưa của họ đã bị san lấp, bên đường giờ là cây dại, những khối bê tông của các công trường chắn lối ra vào.

“Nhà” giống như mội cái chòi, nhưng bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc, ngụ B19/6A, đường Lương Định Của, phường An Bình, quận 2, TPHCM nói: “Dựng tạm nhà để có chỗ tựa tạm cái lưng, không tốn tiền thuê trọ chú à. Họ cưỡng chế lấy đất xong không sắp xếp cho dân chỗ tạm cư. Hơn 6 năm qua tôi mang đơn đi cầu cứu khắp nơi nhưng không nơi nào giải thích thỏa đáng. Tiền không còn, bệnh tật bủa vây, tôi chỉ còn cách về đây trú tạm”.

Cũng theo bà Ngọc, vào năm 2012, nhà bà bị chính quyền cưỡng chế giải tỏa.

“Tài sản của gia đình tôi chở đi đâu giờ tôi không rõ. Họ chỉ biết phá nhà, không tạo điều kiện cho dân nơi tạm cư và đưa ra mức giá bồi thường hợp lý. Hơn 6 năm qua tôi cùng hàng chục hộ dân ở 5 khu phố mang đơn đi cầu cứu khắp nơi nhưng vô vọng. Không nhà, không cửa, bệnh tật bủa vây. Tiền dành dụm dưỡng già đã hết, giờ tôi không biết đi về đâu, lúc vô vọng tôi chỉ nghĩ nơi quê cha đất tổ… và về dựng tạm mấy tấm tôn để che mưa che nắng”, bà Ngọc nói.

Câu chuyện của chúng tôi liên tục đứt quãng bởi những người phụ nữ đang đổ nước xi măng phả nền và bắn keo vào tường, mái tôn chống thấm dột. Nhìn vào nghĩ họ là thợ xây, nhưng kỳ thực họ chính là những người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế giải tỏa. Họ cho rằng, tuy bị cưỡng chế nhưng còn có chỗ ở  bà Ngọc sống lay lắt một mình, nay đây mai đó khó khăn tứ bề. 

Sợ chính quyền phát hiện, bà Ngọc cùng những người giúp đỡ thực hiện công việc dựng nhà vào ban đêm. Tuy nhiên việc làm rất khó khăn do đường sá bị cày xới, san lấp, xe chở vật liệu vào không được, họ phải chở vật liệu xây dựng  bằng xe máy. Từng bao cát, xi măng, miếng tôn… đều phải vận chuyển như vậy.

Hiện các tuyến đường ra vào khu nhà bà Ngọc đều có lực lượng dân phòng, cảnh sát khu vực ngồi chốt chặn. Ngoài bà Ngọc ra, hiện có một hộ khác có động thái xây dựng nhưng chính quyền can thiệp, giải thích, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng.

Một người dân nói: “Dân Thủ Thiêm tuy khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng ở khía cạnh tình làng nghĩa xóm thì chúng tôi không nghèo. Hay tin bà Ngọc dựng tạm chỗ ở thì mọi người cùng chung tay giúp đỡ cho hoàn thành. Tôn dựng nhà phần lớn là tôn cũ, do những người buôn bán ve chai cho. Còn xi măng và các vật dụng khác những người có điều kiện hơn gửi tặng”.     

Ông Nguyễn Phước Hưng - Chủ tịch UBND quận 2 cho biết: “Vụ việc dân dựng nhà đã báo cáo với cấp trên. Việc giải quyết chính sách chung cũng phải theo quy trình đảm bảo chứ mạnh ai nấy xây thì sao giải quyết, quản lý được. Chúng tôi đã cử lực lượng tuyên truyền giữ nguyên hiện trạng trong thời gian TP đang đề xuất biện pháp xử lý giải quyết. Bà con ức chế là ức chế, chứ mỗi người ai cũng đi xây nhà vậy sẽ không ổn, chính quyền sẽ vận động, tuyên truyền cho dân hiểu”.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.