Các ĐVTN thu lượm và phân loại rác thải. Ảnh: Văn Chương |
Cô gái Hà Nội nơi biển nắng phương Nam
Trên con tàu Thổ Châu 09 rời thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ra quần đảo Thổ Chu, cô gái khiến tôi nhầm tưởng là người nước ngoài ngồi ở hành lang phía sau tàu. Bởi trong khi đa số phụ nữ Việt Nam luôn trùm áo quần kín bưng để chống nắng, giữ da, thì Thu Hương - cô gái ấy ngồi đó với chiếc áo cộc tay, nước da đen láng và không hề có dấu hiệu ngại nắng gió.
Câu chuyện mào đầu của Thu Hương là nói về rạn san hô ở Phú Quốc và một số vùng biển, lần này cô ra thăm san hô ở quần đảo Thổ Chu. Quần đảo này có những hòn đảo nhỏ như vệ tinh vây quanh là Hòn Lớn (xã đảo Thổ Châu), Hòn Từ, Hòn Xanh, Hòn Cao Cát, Hòn Cái Bàn, Hòn Khô, Hòn Nhạn, Hòn Cao... Cô không nói nhiều về cảnh vật trên bờ, mà lại chú tâm nói về đáy biển của từng hòn, đặc điểm san hô, nơi nào có san hô màu đỏ, san hô sừng hươu, rừng san hô đa sắc. “Em ra thăm lại bãi san hô vì nghe nói có vùng san hô bị tẩy trắng”, Thu Hương nói với vẻ lo âu.
Nguyễn Thị Thu Hương là người gốc Hà Nội, ra đảo Phú Quốc định cư, khởi nghiệp từ 4 năm nay. Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành kỹ sư thiết bị điện. Chồng chị là anh Phùng Việt Trung, cũng là sinh viên cùng trường, chuyên ngành điều khiển tự động. Thu Hương cho biết, từ những năm tháng còn sinh hoạt Đoàn, cả 2 vợ chồng cùng ấp ủ ước mơ khám phá thiên nhiên, trải nghiệm, chia sẻ cộng đồng, vì vậy năm 2020 cả hai đã vào Phú Quốc để lập nghiệp, kinh doanh. Hai người hiện là chủ một nhà nghỉ cao cấp tại Phú Quốc.
Tại Phú Quốc, vợ chồng chị thường hướng dẫn thêm cho những hướng dẫn viên du lịch khuyến khích du khách hạn chế túi nylon bằng cách sử dụng thêm lá cây có sẵn như lá chuối, lá bàng...Công việc hàng ngày của cô dù không liên quan tới việc bảo tồn rạn san hô và sinh vật biển, nhưng niềm đam mê biển đã biến Thu Hương thành người con của biển. Cô tích cực cùng với các đoàn viên thanh niên ở thành phố Phú Quốc lặn vớt rác thải, vệ sinh rạn san hô, cùng môn thể thao yêu thích là chạy SUP (ván chèo bơm hơi) xuyên biển.
Lần ra quần đảo Thổ Chu ấy, chỉ sau vài ngày đi kiểm tra rạn san hô bằng chiếc súp và ngụp lặn khắp nơi, Thu Hương mang về kết quả mà theo cô là không vui lắm. Bởi vùng biển này có mấy nơi san hô bị tẩy trắng, nếu rạn san hô phát triển tốt thì mới có nhiều hải sản để bà con ngư dân làm nguồn sinh kế, hoặc sau này phát triển du lịch sinh thái lặn ngắm biển.
San hô bị tẩy trắng là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển gia tăng bất thường và vượt ngưỡng 30 độ C, từ đó tảo cộng sinh trong san hô rời khỏi cơ thể san hô khi san hô tiết ra những chất hóa học gây bất lợi. Khung xương san hô mất màu sắc sẽ chuyển sang trắng xóa. Khi san hô chết hẳn sẽ bị phủ màu đen.
Tình nguyện viên Thu Hương |
Chung tay cứu san hô
Thành phố Phú Quốc đã khoanh vùng khu vực bảo vệ san hô và khu vực bảo vệ thảm cỏ biển, với 3 phân khu: Bảo vệ nghiêm ngặt gần 7.087,3 ha; phục hồi sinh thái 11.537,5 ha; dịch vụ - hành chính 9.817 ha và thiết lập vùng đệm 12.467,5 ha. Hiện nay có 2 vườn ươm san hô cứng tại hòn Xưởng và hòn Mây Rút với 2 loại san hô Acropora formosa và A. acuminata.
Hằng năm, Ban quản lý Bảo tồn biển Phú Quốc tổ chức cho các tình nguyện viên cùng tham gia chương trình bảo vệ môi trường biển. Việc dọn rác thải trên bờ do phần lớn đoàn viên thanh niên trẻ cùng tham gia thường xuyên, còn việc khó là gom rác dưới đáy biển do tình nguyện viên Câu lạc bộ Phú Quốc Sạch và Xanh cùng thực hiện. Tình nguyện viên khá quen thuộc như anh Khang, Thành ở Công ty Ngọc Hiền Sea, Cẩm Nhung…
Phú Quốc là điểm hút khách du lịch hàng đầu, riêng 6 tháng đầu năm 2024 đón hơn 3,3 triệu lượt du khách. Bởi vậy, để giữ cho biển trong xanh là một áp lực lớn.
Việc lặn xuống đáy biển để nhặt rác trên bãi san hô, sau đó đóng bao để kéo về tàu thì cần phải có những tình nguyện viên bơi lội giỏi, có tinh thần nhiệt huyết. Thu Hương cho biết, 4 năm sống ở Phú Quốc, cô đã tham gia vào chương trình quét rác dưới đáy biển để bảo vệ rạn san hô. Những loại rác được cô và nhóm bạn gom trông rất ám ảnh. Nhiều nhất là vỏ chai nhựa, túi nylon, lốp xe, lưới, vải rách,…
Tại đảo Phú Quốc, Phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa - Vườn quốc gia Phú Quốc thường phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) - Việt Nam tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển cho cộng đồng. Những bãi san hô đẹp ở bãi Gành Dầu, An Thới, hòn Đồi Mồi, hòn Móng Tay, hòn Bàng, hòn Thầy Bói từng là rừng san hô rất đẹp, nhưng đang có dấu hiệu suy kiệt dần. Những thông tin này luôn khiến Thu Hương và các tình nguyện viên cảm thấy buồn lòng, và tự đặt trách nhiệm phải đóng góp sức mình hơn nữa để bảo tồn.