Nữ thợ cơ khí kiên cường

Chị Lê Thị Mai
Chị Lê Thị Mai
Vốn được coi là “liễu yếu đào tơ” nhưng lại có đức tính nhẫn nại, chịu khó, làm được những việc mà nam giới thường làm. Đó là hình ảnh của những nữ thợ cơ khí mà điển hình là chị Lê Thị Mai, người mà chúng tôi may mắn được gặp trong một lần đến thăm Xưởng cơ khí của Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1.

Cuộc đời chị Lê Thị Mai không được bình lặng như những người phụ nữ khác. Sinh năm 1981 trên chính vùng than Cẩm Phả, chị lấy chồng năm 22 tuổi và sinh được một cháu trai khôi ngô. Khi con mới lên 3 tuổi, chồng chị không may bị bệnh hiểm nghèo, bỏ lại mẹ con chị với bao nỗi khó khăn. Thương con gái sớm góa chồng, cháu ngoại mồ côi bố, ông bà ngoại đã xin bên thông gia về nhà để tiện bề chăm sóc, giúp đỡ cho chị và cháu. 

Chị kể, vì chồng chị bệnh nặng nên có chút ít tích cóp để nuôi con đều tiêu tan hết. Anh ấy ra đi để lại bao nhiêu mất mát và cả những món nợ thuốc thang, nếu như không có vòng tay thương yêu, giúp đỡ của các anh chị em trong Công ty thì bây giờ chị cũng không biết cuộc đời sẽ ra sao nữa. Được anh em trong Phân xưởng chia sẻ, giúp đỡ, động viên, chị đã nén đau thương để gồng mình lên làm việc và nuôi con. Mười năm nỗi đau đã dần qua đi, giờ cháu đã lớn nhưng ông bà ngoại (đều là công nhân mỏ nghỉ hưu) lại già yếu, bệnh tật liên miên. Thế là chị lại một mình gánh vác cả nuôi con và là chỗ dựa cho ông bà.

Thông cảm và sẻ chia với chị, lãnh đạo Phân xưởng đã bố trí lại công việc từ Tổ bê tông xây dựng về Tổ gia công phụ kiện, giúp chị rút ngắn được quãng đường thêm gần nhà hơn, có thêm điều kiện chăm chút gia đình. Cảm ơn tấm lòng của anh chị em trong cơ quan, chị càng cố gắng hơn trong công việc. Có những khi đúng vào cao điểm của xây dựng hầm lò, khối lượng công việc được giao nhiều hơn, chị cũng không nản lòng. Trái lại, chị còn tích cực hơn để chia sẻ công việc với đồng đội. Có ngày cao điểm, phải làm thêm giờ, chị bẻ và uốn tới 800 chiếc gông vì lò, mà ngày thường chỉ làm được trên dưới 600 chiếc. Con số đó cũng đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay ở Phân xưởng.

“Thế bây giờ chị thấy công việc thế nào, có ổn không?” - Tôi hỏi. Chị chia sẻ: “Cơ khí là nghề nặng nhọc, vất vả, nhưng chị em có lợi thế là nhẫn nại, chịu khó, đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe của công việc, nên cũng không thua kém nam giới đâu nhé. Hơn nữa ở đây, các anh chị em ai cũng hiểu về hoàn cảnh của mình nên tận tâm giúp đỡ, nên ngoài thu nhập ổn định bằng công việc, mình còn có thêm chỗ dựa tình cảm vững chắc, giờ thì chỉ mong được như vậy thôi”.

Hỏi thêm về tay nghề, chị bộc bạch thêm: “Mình đã có gần 20 năm gắn bó với nghề, với anh em, nên mình rất yêu nghề. Thời gian trước nhà máy khó khăn, việc làm ít, mình phải tìm thêm việc khác, làm cả trong và ngoài. Nay đi làm đủ 8 tiếng, có đợt sản phẩm yêu cầu tiến độ phải làm thêm 1 - 2 tiếng nữa, tuy có mệt, nhưng mà vui. Lương ăn theo sản phẩm, người thợ chỉ mong muốn nhất là Công ty máy có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, thế là vui nhất rồi!”.

Theo Theo Vinacomin
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.