Không cần phải là một nhà thiên văn học được đào tạo bài bản, bạn mới phát hiện ra được những thế giới mới trong Vũ trụ rộng lớn kia. Một thợ cơ khí tại chuỗi cửa hàng sửa ô tô Darwin và nhà thiên văn học nghiệp dư, ông Andrew Grey vừa giúp các nhà khoa học khám phá ra một hệ sao gồm 4 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời đang quay quanh một ngôi sao lớn, cách chúng ta khoảng 600 năm ánh sáng.
Tuy vậy, ông cũng vẫn cần nhờ tới sự giúp đỡ của những chuyên gia trong lĩnh vực này. Khám phá trên cũng là một trong những điểm sáng lớn nhất trong bản tin đặc biệt ABC Stargazing Live của Úc gồm ba buổi phát, với khách mời đặc biệt là nhà vật lý học người Anh, Brian Cox.
Nhà vật lý học Brian Cox.
Những khán giả của chương trình này cũng được khuyến khích rằng họ hãy chung tay tham gia vào cuộc kiếm tìm những hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời khác, sử dụng những công cụ có sẵn trên trang web Exoplanet Explorers. Chỉ sau một bài hướng dẫn nhỏ, là bất kì ai cũng có thể xem và phân tích được dữ liệu về hàng ngàn ngôi sao mới được Kính viễn vọng Không gian Kepler thu thập được.
Ông Grey đã kiểm tra dữ liệu về hơn 1.000 ngôi sao trên trang web nói trên và phát hiện ra rằng độ sáng của một ngôi sao này có những dấu hiệu kì lạ, dấu hiệu cho thấy có một hành tinh đang quay quanh nó. Bạn hãy tưởng tượng ra cảnh một người đi qua trước đèn pha xe máy của mình chẳng hạn, vào giây phút mà họ che mất ánh đèn, áng sáng phát ra sẽ yếu đi hẳn cho tới khi họ đi qua.
Ánh sáng phát ra từ hệ sao xa xôi kia.
Cùng với những cộng sự khác trong nghiên cứu này, tên của ông Grey sẽ xuất hiện trên bản kết luận nghiên cứu khoa học nói về sự tồn tại của hệ sao xa xăm kia cùng với bốn hành tinh nằm trong đó. Những hành tinh nói trên cách ngôi sao trung tâm của nó xấp xỉ với khoảng cách từ Sao Thủy tới Mặt Trời.
Ông Grey trả lời Stargazing Live rằng:
"Điều này thật tuyệt vời. Chắc chắn đây là lần đầu tiên tôi được có mặt trong một bản báo cáo khoa học được xuất bản ... tôi rất vui vì đã có thể cống hiến cho khoa học. Cảm giác thật tuyệt."
Và nhà vật lý học Brian Cox cũng rất ấn tượng với khám phá này:
"Trong bảy năm làm việc với Stargazing Live, đây là khám phá khoa học lớn nhất mà chúng tôi từng thực hiện."
Bước đột phá của việc đưa “khoa học vũ trụ” tới với mọi người
Vậy chính xác khám phá này có ý nghĩa gì? Đầu tiên, hãy hiểu rằng đây là một khám phá khoa học thực sự, không phải là một màn kịch được dựng nên để nhằm thu hút người xem. Nó sẽ được xuất bản dưới dạng một báo cáo khoa học thực sự, như những báo cáo mà các nhà thiên văn học vẫn có.
Nghiên cứu mới này sẽ giúp ta hiểu hơn về lịch sử hình thành chính Trái Đất này. Nó cũng sẽ giúp ta trả lời câu hỏi từ bao đời nay, rằng liệu ta có cô đơn trong Vũ trụ này hay liệu ở hành tinh xa xôi kia, sự sống có tồn tại.
Mặt khác, nghiên cứu này bổ sung thêm vào danh sách hơn 2.300 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời đã được khám phá bởi hệ thống Kepler, một danh sách dài đầy ấn tượng.
Những nhà khám phá nghiệp dư làm việc cùng với những chuyên gia đầu ngành
Một trong những điều tuyệt vời nhất được tạo ra nhờ khám phá này, bên cạnh việc tìm ra một hệ sao mới, đó là việc chúng ta thay đổi cách thức tiếp cận với khoa học. Như đã nói ở trên, ông Grey không tự mình khám phá ra hệ sao này, ông sử dụng dữ liệu từ Kepler với một sứ mệnh không gian trị giá 600 triệu USD.
Kính thiên văn Kepler.
Dù rằng ta có những hệ thống kính thiên văn tiên tiến có thể thu thập được một lượng dữ liệu khổng lồ, ta vẫn chẳng thể tạo ra được một thuật toán có khả năng tương tự với bộ não con người, để tiến hành phân tích lượng dữ liệu kia. Não bộ chúng ta có thể phát hiện ra sự khác biệt trong dữ liệu thu được nhanh hơn bất kì hệ thống nào, từ đó có thể thấy một đội ngũ lớn những bộ não con người sẽ hiệu quả hơn bất kì hệ thống máy móc tiên tiến nào hiện tại.
Có một điểm mạnh nữa: não bộ chúng ta chẳng cần phải được huấn luyện bài bản để có thể trở thành một bộ não của một nhà vật lý học vũ trụ, bộ não ấy chỉ cần một khả năng tiếp thu tuyệt vời mà thôi. Có vẻ như anh Grey và đội ngũ của mình có được khả năng ấy.
Kết quả của việc ấy đã rõ ràng, những người dân bình thường cũng có thể có cho mình những khám phá “mang tầm vũ trụ”. Nếu họ làm được thì ai cũng làm được, ai cũng có thể tham gia nghiên cứu khoa học và chính những hành động ấy sẽ đẩy xa giới hạn kiến thức của con người.
Sức mạnh của trí óc dồn tại một điểm
Không phải chỉ trong khoa học, lĩnh vực nào cũng có thể áp dụng lý thuyết này. Từ những hoạt động ngoại khóa bắt bướm hái hoa cho đến ngồi phân tích tác phẩm văn học mang tính lịch sử của ai đó. Ta cũng phải cảm ơn mạng Internet, thứ công cụ đã đưa thông tin đi tới mọi nơi, cho phép ta có được phương tiện nghiên cứu ở mọi nơi, mọi chỗ.
Vậy máy móc liệu sẽ thay thế con người trong lĩnh vực nghiên cứu này không? Vấn đề này đã được bàn luận rất nhiều rồi, rằng ta sẽ có thể tạo nên những thuật toán biến những cỗ máy thành một nhà khoa học được huấn luyện bài bản, để có thể phân tích được lượng dữ liệu khổng lồ mà ta thu thập được.
Vì thế, thay vì việc thay thế hoàn toàn con người, những nhà khoa học máy kia sẽ giúp những nhà khoa học nghiệp dư trong việc nghiên cứu, để trong tương lai ta sẽ có thêm những trường hợp Andrew Grey khác nữa. Những nhà khoa học nghiệp dư có thể sử dụng những cỗ máy ấy, tạo nên những khám phá của riêng mình.
Đây có lẽ mới chỉ là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới, một thời kì mà mọi người mọi nhà đều có thể là nhà khoa học. Ta áp dụng thêm những công nghệ mới (thực tế tăng cường, thực tế ảo), áp dụng yếu tố giải trí vào những chương trình khoa học, v.v... Tiềm năng có được sẽ gần như vô tận.
Một ngày nào đó trong tương lai, giải Nobel sẽ được trao cho một người thợ nào đó dù không được học hành bài bản, nhưng với sự trợ giúp của công nghệ và chính bộ não tiếp thu nhanh của họ, người thợ ấy sẽ có được những đột phá trong khoa học.