Nữ sinh viên năm 3 làm trưởng phòng kinh doanh

Vân đang là sinh viên năm thứ tư trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM. Ảnh: TK.
Vân đang là sinh viên năm thứ tư trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM. Ảnh: TK.
Với kỹ năng tiếng Anh, kiến thức chuyên ngành tốt, đàm phán thành công nhiều hợp đồng giá trị lớn, chỉ sau 2 năm làm việc, nữ sinh viên năm 3 được cắt cử vào vị trí trưởng phòng kinh doanh.

Kiều Vân sinh ra và lớn lên tại Pleiku, Gia Lai. Cô gái Tây Nguyên từng là học sinh THPT chuyên Hùng Vương - ngôi trường xếp thứ 53 trong danh sách 200 trường đứng đầu cả nước.

Từ nhỏ ao ước được làm việc trong lĩnh vực vận tải biển, và điều đó đã đến với Vân vào năm 2011 khi nhận kết quả trúng tuyển ngành Kinh tế vận tải biển, Đại học Giao thông vận tải TP HCM. Để thích nghi và tự lập ở đất Sài Thành, ngay khi vừa chân ướt chân ráo xuống thành phố, Vân lập tức gửi hồ sơ đến các công ty vận tải để xin việc làm thêm.

Khi tiếp nhận hồ sơ của Vân, nhiều công ty đã lắc đầu từ chối vì họ chỉ  tuyển những người có kinh nghiệm. Sau một thời gian tự đi "rải" hồ sơ ở các doanh nghiệp khác nhau, may mắn Vân đã được Công ty TNHH Giao nhận Bê Kha gọi phỏng vấn. Công ty có văn phòng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, riêng tại TP HCM có 40 nhân viên, mỗi tháng vận chuyển từ vài chục đến vài trăm container, chủ yếu là hàng may mặc và thực phẩm thức năng qua các quốc gia châu Á và châu Âu. 

Vào thời điểm Vân nộp hồ sơ, đơn vị này vừa sa thải một số nhân sự nên đăng tuyển nhân viên giao nhận không cần kinh nghiệm. Lần đầu tiếp xúc, lãnh đạo doanh nghiệp khá ấn tượng với một nữ sinh đầy tự tin, khả năng giao tiếp tốt, có niềm đam mê với nghề và dám thể hiện tham vọng nên đã quyết định cho cô thử sức.

Thời gian đầu Vân làm việc không lương. Suốt 3 tháng mới vào làm, cô được giao nhiệm vụ đi theo một nhân viên của công ty đến cảng để làm giấy tờ thủ tục xuất nhập hàng. Công ty cũng có quy định ai làm sai sẽ bị phạt tiền tùy vào mức độ sai phạm, nên Vân luôn chú tâm làm việc thật cẩn thận. Khi đã quen việc, từ tháng thứ tư trở đi cô được nhận vào làm chính thức với mức lương 2 triệu đồng ở vị trí nhân viên kinh doanh chuyên lo các thủ tục giấy tờ và khai báo hải quan. 

Thấy cô gái trẻ nhiệt tình, ham học hỏi, các đồng nghiệp lớn rất thương và tận tình chỉ bảo. Trong quá trình đi theo các anh chị, Kiều Vân cũng ý quan sát cách làm và tự học các kỹ năng, đặc biệt là giao tiếp.

Khi đã quen việc, Vân đem về nhiều hợp đồng giá trị, cao nhất là 2 tỷ đồng với một đối tác xuất khẩu hàng may mặc tại TP HCM đi Nga. Sau đó cô ký hợp đồng dài hạn với công ty này với số lượng tối thiểu 3 container mỗi tháng. Tiếp đó, Vân thương thuyết thành công hợp đồng vô thời hạn về vận chuyển gỗ với một tập đoàn lớn cùng một số sản phẩm tiêu dùng khác...

Đáng nhớ nhất với Vân là vào tháng 4/2014, cô thay mặt công ty ký hợp đồng vận chuyển với một doanh nghiệp Việt Nam chuyên xuất khẩu áo phao sang Nga. Công ty của Vân đã hợp tác với một hãng tàu ở TP HCM vận chuyển lô hàng trị giá gần 500 triệu đồng này.

Sự cố xảy ra khi đối tác bên Nga bỏ trốn không nhận hàng. Hãng tàu yêu cầu Vân phải bồi thường toàn bộ chi phí vận chuyển. Xem lại tất cả thông tin hợp đồng, cô sinh viên đã đem chuyện này đến hỏi một giáo sư trong ngành thì được giải thích rằng theo quy định, chỉ những trường hợp tai nạn khách quan thì công ty logistic mới phải bồi thường bằng bảo hiểm. Còn trong trường hợp như trên, công ty không phải chịu trách nhiệm. Sau khi tham khảo thêm ý kiến của nhiều luật sư, Kiều Vân đã trao đổi với công ty xuất khẩu tại Việt Nam và đưa ra 2 phương án lựa chọn: Một là họ phải trả toàn bộ chi phí để vận chuyển lô hàng kia ngược trở lại Việt Nam. Hai là bỏ toàn bộ lô hàng đó để hãng tàu tự đem đấu giá kiếm tiền bù vào phí vận chuyển. Vì số tiền vận chuyển lớn, nên công ty này đã đồng ý chọn phương án hai.

Mặc dù đây là một thương vụ không thành công nhưng Vân vẫn được giám đốc đánh giá cao bởi khả năng giải quyết khủng hoảng, hạn chế tối đa thiệt hại cho công ty, hơn nữa đây là tai nạn ngoài ý muốn.

Một quản lý cấp trên cho biết, Kiều Vân mới là sinh viên năm 3 nhưng sớm bộc lộ tố chất của một lãnh đạo, cùng sự am hiểu sâu sắc về chuyên ngành, luật pháp, khả năng ngoại ngữ lưu loát, đóng góp nhiều cho sự gia tăng doanh thu của công ty.

"Sau khi bàn bạc, ban lãnh đạo quyết định giao vị trí Trưởng phòng kinh doanh cho Vân sau 2 năm làm việc. Thời gian qua cô đã đảm nhận rất tốt", vị đại diện cho biết.

Hiện tại trưởng phòng 9x này đang quản lý 20 nhân viên kinh doanh. Vân bảo nhờ có nhiều kinh nghiệm từ thực tế nên cô hiểu rõ công việc của từng nhân viên. Vào giờ nghỉ trưa, cô thường đi ăn cơm cùng các nhân viên để trò chuyện với họ và luôn khuyến khích mọi người chia sẻ khó khăn hay thắc mắc liên quan đến công việc, cô sẽ giúp đỡ trong khả năng của mình.

Khó khăn lớn nhất của Vân lúc này là phải phân bổ thời gian làm và học sao cho hợp lý. Mỗi học kỳ cô chỉ đăng ký 4 môn, sắp xếp 2 môn nhiều tiết nhất vào sáng và chiều thứ Bảy, 2 môn còn lại vào các buổi sáng trong tuần, tùy theo lịch xếp lớp của trường. Theo đó các môn học trong tuần bắt đầu lúc 7h, kết thúc lúc 10h15.

Công ty quy định nhân viên phải có mặt lúc 8h, song trường hợp của Kiều Vân được "du di" đến trễ hơn một tiếng đồng hồ. "Có nhiều hôm tôi phải xin về sớm nên nhờ bạn bè chép bài dùm và về dạy lại vào buổi tối. Đến mùa hè tôi lại đăng ký học tiếp để theo kịp chương trình", cô gái 9x cười kể.

Tự nhận mình là người may mắn khi được thử sức với công việc đúng sở trường và sở thích, Kiều Vân bảo trong suốt gần 4 năm qua, ngoài những giờ đi làm, cô dành phần lớn thời gian nghiên cứu thêm về chuyên ngành logistics cũng như văn bản pháp luật liên quan.

Cô gái trẻ đầy tự tin và tham vọng bật mí: "Uớc muốn của tôi sau này là thành lập một công ty logistics tầm cỡ quốc tế, chuyên vận chuyển hàng hóa qua đường biển, đường bộ và hàng không với các chi nhánh không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài".

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG