Trần Thị Mỹ Nhân xét nghiệm cho người dân TPHCM. - Ảnh: NVCC |
Trần Thị Mỹ Nhân là sinh viên năm 4 ngành Y Đa khoa, trường đại học Y Dược Cần Thơ, đã tham gia chống dịch tại TPHCM hơn tháng qua. Hiện tại, cô đang trong thời gian cách ly y tế tại Cần Thơ.
Mỹ Nhân quê ở Sóc Trăng, luôn hướng về cộng đồng, muốn làm nhiều điều ý nghĩa, có thật nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi thanh xuân, đồng thời còn là dịp rèn luyện thêm nhiều kỹ năng cho bản thân. Vì thế, từ khi bước vào ngưỡng cửa đại học trở thành sinh viên, cô bạn đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện như: cấp phát thuốc cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, Ấm tình trăng thu dành cho các em thiếu nhi ở vùng quê nghèo, Tết yêu thương…. Ngoài ra, Mỹ Nhân còn là Liên chi hội Trưởng Liên chi hội sinh viên Sóc Trăng tại trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Mỹ Nhân làm việc tại trạm y tế |
Là nữ sinh năng động, khi dịch COVID-19 bùng phát, đã thôi thúc cô chung tay hỗ trợ chống dịch. Ban đầu Mỹ Nhân tham gia chống dịch tại Cần Thơ với chương trình Cần Thơ Xanh (từ 9 – 17/8). Kết thúc chiến dịch không nghỉ ngơi, cô quyết định đăng ký hỗ trợ tại TP.HCM. "TP.HCM là vùng tâm dịch với hàng nghìn ca dương tính mỗi ngày, biết rằng đến nơi đó sẽ gặp nhiều khó khăn và nếu lơ là thì chính mình sẽ là nạn nhân của COVID-19, nhưng bản thân em không cho phép mình chùn bước. Trong lúc khó khăn, tuổi trẻ cả nước hướng về TPHCM, trong khi mình còn trẻ, nhiệt huyết thì không lý do gì e ngại cả", Mỹ Nhân chia sẻ.
Nữ sinh trường Y Dược Cần Thơ cho rằng, bản thân đã được nhà trường trang bị đầy đủ kiến thức về chuyên môn lẫn phòng chống dịch COVID-19; cô hy vọng Việt Nam nhanh chóng sẽ chiến thắng đại dịch.
Đội của Mỹ Nhân (3 người) được phân công tại phường 11, quận 11 với công việc chính mỗi ngày là lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Công việc của cô bắt đầu từ sáng sớm đến chiều tối. Có những hôm đội chỉ làm buổi sáng thì chiều về Trạm y tế phường phụ những công việc hành chính như: Nhập số liệu, cấp phát giấy hoàn thành cách ly tại nhà cho người dân… "Trong suốt hơn 1 tháng làm việc, khó khăn là không thể tránh khỏi bởi cái nắng hè gay gắt làm ướt đẫm bộ đồ bảo hộ, có những lúc mệt mỏi nhưng nghĩ đến còn rất nhiều người đang cần mình thì mệt mỏi rồi cũng sẽ qua", Mỹ Nhân tâm sự.
Mỹ Nhân đã hơn 6 tháng vẫn chưa được về với gia đình, cô hiểu rằng hiện tại có rất nhiều bạn cũng xa nhà đã lâu như mình. "Em lo lắm, lo sự an toàn của gia đình tại quê nhà bởi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhưng rồi em lấy đó làm động lực để không ngừng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tại nơi đây để được bình yên trở lại, mọi người sẽ được đoàn tụ vui vẻ bên gia đình", cô gái quê Sóc Trăng bộc bạch.
|
Hơn 1 tháng làm việc tại TPHCM đã để lại với Mỹ Nhân rất nhiều kỷ niệm, nhưng ấn tượng đầu tiên chính là người dân tại nơi đây. "Họ yêu quý đội và dành những món quà nhỏ như trái cây hay nước ngọt cho tụi em, bao nhiêu đó đã làm chúng em thấy ấm áp và ân tình. Nhớ những ngày phải làm việc liên tục dưới thời tiết khắc nghiệt, những bữa cơm vội vàng để có thể tiếp tục công việc. Có những hôm mệt nhưng chưa lúc nào có ý định sẽ bỏ cuộc, em vẫn sẽ là một tình nguyện viên trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 dù ở bất cứ tỉnh thành nào", cô gái Sóc Trăng trải lòng.
Theo lời Mỹ Nhân, chắc hẳn ai từng đến TPHCM sẽ không quên được không khí nhộn nhịp nơi đây, nhưng những ngày cô đến thành phố đã vắng những ánh đèn, đường phố vắng những gót chân và còn đâu tiếng còi xe văng vẳng, những hình ảnh ấy lại càng thôi thúc mình phải cố gắng.
Mỹ Nhân chia sẻ: "Mỗi ngày chúng em đến từng con hẻm, gõ cửa từng nhà chỉ hy vọng rà soát được hết được những ca lây nhiễm. Em cùng đồng đội đang bước trên con đường chống lại dịch bệnh COVID-19 để mang lại sự bình yên cho tất cả mọi người. Hôm nắng gắt, ngày mưa giông, oi bức làm chúng em thấm mệt. Lúc ấy, em tự nhủ rằng, phải vững vàng vượt qua tất cả, bởi chúng em đang trên tuyến đầu mang lại niềm hy vọng cho mọi người".
Nhớ lại ngày gần hoàn thành nhiệm vụ để về lại Cần Thơ, Mỹ Nhân kể, khi ấy cảm giác vui hơn vì số ca nhiễm tại đây đã giảm rất nhiều. Nhưng lại có chút buồn vì sẽ rời xa thành phố này, xa anh chị nhân viên y tế, những người đồng đội đến từ nhiều nơi khác nhau. "Tại đây, họ đã cho em rất nhiều thứ, cho em kinh nghiệm sống và đặc biệt là rất nhiều sự yêu thương", Mỹ Nhân xúc động nói.