Nữ nhà khoa học say mê bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00
0:00
Gặp chị Vũ Thị Tần - người phụ nữ mà gương mặt lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi, tôi không khỏi khâm phục bởi bên trong vóc dáng nhỏ bé ấy lại là một nguồn nội lực, niềm say mê vô bờ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Góc bếp nghèo và 15 sáng chế

“Mẹ mình làm nghề nấu rượu gạo. Khi phụ mẹ, mình rất tò mò về quá trình nấu rượu, từ cơm lên men, chưng cất lại có thể thu được một chất lỏng với tính chất hoàn toàn khác biệt. Mình hỏi mẹ mãi, mẹ bảo mẹ ít học, chỉ biết đó là một quá trình Hoá học. Mình thích môn Hoá và việc ứng dụng các kiến thức Hóa học vào cuộc sống từ ngày đó”, chị Tần tâm sự.

Nữ nhà khoa học say mê bảo vệ môi trường ảnh 1

Chị Tần (đứng giữa hàng đầu) cùng các Kỹ sư tài năng tại Tập đoàn Thép Arcelormittal. Ảnh: PV.

Năm 2004, chị Tần đỗ ngành Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, xa mẹ và xa góc bếp nghèo lên Hà Nội nhập học. Năm 2005, chị giành được học bổng, sang Nga du học tại trường Đại học Quốc gia Tula, tốt nghiệp với tấm bằng Đỏ. Sau đó, chị nỗ lực giành học bổng Tiến sỹ do chính phủ Tây Ban Nha tài trợ. Ngay sau khi Tốt nghiệp Luận án Tiến sỹ loại Xuất sắc, chị vượt qua hàng nghìn ứng viên vào làm việc theo chương trình kỹ sư tài năng cho Arcelormittal – là Tập đoàn Thép hàng đầu thế giới.

Trong những năm làm việc tại Arcelormittal, chị Tần đã miệt mài sáng tạo, nghiên cứu cho Tập đoàn tới 15 sáng chế về lĩnh vực vật liệu, xử lý bề mặt, góp phần đưa mảng nghiên cứu khoa học của Tập đoàn phát triển mạnh mẽ hơn.

Quyết tâm về nước

Sau nhiều năm làm việc tại Arcelormittal, chị Tần quyết định về nước, giảng dạy tại Viện Kỹ thuật Hóa Học, Bộ môn Công nghệ các chất Vô cơ, thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội. ‘Tôi mong mỏi làm được điều gì đó, cống hiến cho quê hương, đất nước Việt Nam’, chị Tần tâm sự.

Trở về nước, với lòng nhiệt huyết dành cho khoa học, chị Tần không ngừng nghiên cứu, tìm tòi để ứng dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã được học tại nước ngoài để ứng dụng vào các đề tài nghiên cứu trong nước, góp phần vào sự phát triển của ngành khoa học vật liệu nước nhà.

Hiện tại, chị Tần đang triển khai đề tài Khoa học Cấp nhà nước - Ứng dụng của Vật liệu Graphene trong xử lý dầu thải trong máy biến áp và đề tài cấp Bộ - Nghiên cứu ứng dụng vật liệu Graphene để làm ngọt hóa nước biển.

“Tính ứng dụng thực tiễn của đề tài này rất lớn, bà con ở hải đảo vào mùa không có nước ngọt có thể dùng bộ lọc rất đơn giản cầm tay để có thể lọc từ nước biển mặn thành nước ngọt, có thể dùng trong hoạt hàng ngày”, chị Tần cho biết.

Bên cạnh đó, Đề tài Ứng dụng của Vật liệu Graphene trong xử lý dầu thải trong máy biến áp mà chị đang nghiên cứu cũng vô cùng ý nghĩa. Hiện tại, lượng dầu thải trong các loại máy biến áp thải ra rất lớn, nếu nghiên cứu thành công và ứng dụng vào thực tiễn sẽ bảo vệ môi trường tốt hơn, giúp cho trái đất tươi xanh hơn.

Nữ nhà khoa học say mê bảo vệ môi trường ảnh 2

Chị Tần (bên phải) cùng các nữ nhà khoa học đang trao đổi kiến thức chuyên môn tại Viện Kỹ thuật Hóa Học (Đại học Bách Khoa Hà Nội).

Sản phẩm bảo vệ môi trường

Ngoài công việc giảng dạy, nghiên cứu triển khai các đề tài khoa học, chị còn dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm thân thiện bảo vệ môi trường. Một trong những sản phẩm tâm huyết của chị là viên rửa bát Eco đầu tiên Made in Việt Nam.

“Ngày đầu tiên bước chân sang Tây Ban Nha, điều mình ấn tượng nhiều nhất là một thiết bị lạ đặt ở nhà bếp. Mình không biết tiếng Tây Ban Nha, ông chủ nhà không rõ tiếng Anh. Loay hoay mãi cũng hiểu ra đó là máy rửa bát. Đây là lần đầu tiên mình biết là bát có thể rửa bằng máy”, chị Tần hào hứng tâm sự.

Khi bắt đầu về nước giảng dạy tại Đại học Bách Khoa, căn bếp nghèo của mẹ chị Tần đã được thay bằng căn bếp mới với đầy đủ tiện nghi. Mong muốn mẹ được sử dụng những máy móc công nghệ hiện đại để phụ giúp công việc nội trợ, chị Tần muốn mua tặng mẹ một chiếc máy rửa bát. Qua tìm hiểu, chị Tần thấy máy rửa bát đã bán tại các siêu thị điện máy lớn, nhưng trên thị trường viên rửa bát lại rất ít. Tất cả các sản phẩm dành cho máy rửa bát đều phải nhập khẩu và giá thành rất cao.

“Lúc đó mình đã ấp ủ ý tưởng tạo ra một viên rửa bát thương hiệu Việt, với hiệu quả rửa tốt nhất và giá thành phù hợp nhất với gia đình Việt”, chị Tần cho hay.

Tấm lòng của một người con hiếu thảo cộng với lòng say mê nghiên cứu tìm tòi đã thúc đẩy cô Tiến sỹ lao vào thử nghiệm. Quá trình nghiên cứu, chị gặp không ít lần khó khăn, thất bại. Khó khăn nhất là tìm nguồn nguyên liệu chiết xuất từ thảo mộc tự nhiên không gây hại cho sức khoẻ và phù hợp để dùng cho máy rửa bát.

Sau nhiều năm dồn tâm huyết với hàng trăm lần thử nghiệm thất bại cuối cùng chị Tần cũng đi đến giai đoạn hoàn thiện, viên rửa bát Made in Việt Nam đầu tiên của chị đã được Quatest 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường Chất lượng Việt Nam kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng. Chất lượng viên rửa bát do chị Tần nghiên cứu và sáng chế tương đương với chất lượng các viên rửa bát nhập khẩu từ một số nước châu Âu như Pháp, Đức.

Nữ nhà khoa học say mê bảo vệ môi trường ảnh 3

Chất lượng viên rửa bát do chị Tần sáng chế được người dùng thử ưa thích hơn các sản phẩm ngoại nhập trên thị trường. (Trong hình là hình ảnh chiếc ly sáng bóng sau khi dùng viên rửa bát của chị Tần do người dùng thử gửi – PV).

Viên rửa bát do chị Tần sáng chế có chứa 70% thành phần từ tự nhiên, khả năng làm sạch vượt trội so với các viên rửa bát nhập khẩu hiện nay trên thị trường, mùi dịu nhẹ và được người dùng thử đánh giá rất tốt.

Chị Cao Ngọc Anh, khu Đô thị Gamuda, Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, chất lượng viên rửa bát do chị Tần sáng chế còn tốt hơn chất lượng của những viên rửa bát nhập khẩu chị dùng trước đó: “Ly rửa xong sáng, bóng như dùng loại 3 trong 1 (là dạng viên rửa bát chứa thành muối làm mềm nước để bảo vệ máy rửa bát và chén bát; thành phần làm sạch chén bát và thành phần làm bóng giúp chén bát đẹp hơn – PV). Đồ rửa xong không có mùi nồng của hóa chất như một số viên rửa bát ngoại tôi dùng trước đó”, chị Ngọc Anh nói.

Nữ nhà khoa học say mê bảo vệ môi trường ảnh 4

Yếu tố Xanh – thân thiện với môi trường được chị Tần đưa vào viên rửa bát Eco của mình bằng việc ưu tiên sử dụng các hợp chất từ thảo mộc tự nhiên.

Đặc biệt, trong thành phần viên rửa bát của chị Tần có hàm lượng nano bạc - một hợp chất có tính kháng khuẩn, khử mùi hiệu quả và rất phù hợp trong điều kiện khí hậu Việt Nam nồm ẩm khiến bát đũa dễ bị ẩm mốc. Đây chính là một trong những điều đặc biệt mà những viên nhập khẩu hiện nay trên thị trường không có.

“Mình rất chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường và sức khỏe người dùng. Đó chính là lý do mình gọi là viên rửa bát Eco với 2 ý nghĩa là economic - tiết kiệm (giá thành chỉ bằng 2/3 so với các viên rửa bát ngoại nhập) và ecological- theo hướng sử dụng các hợp chất từ thảo mộc tự nhiên”, chị Tần cho hay.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, thời điểm hiện tại, hầu như tất cả các công nghệ tẩy rửa nói chung và phân ngành viên rửa bát nói riêng đều đang nằm trong tay các Tập đoàn lớn của nước ngoài như P&G, Unilever, công nghệ và sản xuất trong nước hầu như không có vị thế. “Hy vọng rằng, công trình nghiên cứu, chế tạo viên rửa bát Eco đầu tiên Made in Việt Nam của TS. Vũ Thị Tần sẽ thành công. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành công nghệ hoá phẩm nói riêng và ngành khoa học công nghệ của nước nhà nói chung”, PSG.TS La Thế Vinh, Viện Trưởng viện Kỹ thuật Hoá học nhận định.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.