Nữ kỹ sư nhầm El Nino là sữa, cô giáo lên tiếng

Nữ kỹ sư nhầm El Nino là sữa, cô giáo lên tiếng
TPO - TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, những kiến thức vũ trụ học, khí tượng học như hiện tượng El Nino, La Nina, các vấn đề suy thoái môi trường.., đều được dạy cho trẻ từ lớp 1 ở nhiều nước trên thế giới.

Mới đây, một nữ kỹ sư công nghệ khi tham gia chương trình "Ai là triệu phú", đã gây xôn xao mạng xã hội vì nhầm lẫn El Nino với một loại... sữa.

Liệu có là nghịch lý không khi một nữ kỹ sư không rõ khái niệm El Nino, còn từ lâu nay, người ta vẫn luôn nghe thấy những kêu ca rằng giáo dục Việt Nam quá tải, trẻ em Việt Nam phải học quá nhiều thứ và học những thứ quá cao siêu?  

"Từ hơn 10 năm nay, cụm từ “giáo dục quá tải” đã trở nên quá quen thuộc với các bậc phụ huynh, các giáo viên và các chuyên gia giáo dục.

Nhưng thực tế, các cháu thiếu hụt kiến thức như trường hợp nữ kỹ sư đi thi "Ai là Triệu phú" nhầm El Nino là một loại sữa. Như vậy là thiếu kiến thức chứ không phải là quá tải”- TS Hương nhìn nhận.

TS Hương phân tích, trong giáo dục, 3 mục tiêu quan trọng nhất là Kiến thức, kĩ năng và đạo đức. Ở Việt Nam,  giáo dục chú trọng đến 80 - 90% vào kiến thức. Nhưng với lối đánh giá dựa trên so sánh với các bạn bè trong lớp, điểm số trở nên vô cùng quan trọng. Mà để tính điểm, dễ dàng và công bằng nhất là khi ra đề toàn bài tập.

Chính vì vậy, việc học chỉ còn dồn cho việc giải bài tập. Trong khi đó,  vai trò của bài tập trong công tác giáo dục là giúp các học sinh hiểu hơn về lý thuyết, về các phép toán, các công thức khó. Bài tập không cung cấp lượng kiến thức nào, nó chỉ giống như công cụ để giúp học sinh hiểu bài.

Nhưng ở Việt Nam, bài tập đã trở thành một thứ nền tảng và giáo viên, phụ huynh đánh giá học sinh dựa vào việc trẻ làm bài tập được bao nhiêu, đúng bao nhiêu và sai bao nhiêu. Khi đó, kiến thức thật sự thì sẽ bị lướt qua, không đọng lại chút gì trong não trẻ.

Theo dõi các vấn đề giáo dục của Việt Nam và đồng thời nghiên cứu về giáo dục các nước, TS Hương cho rằng, lượng kiến thức trẻ em Việt được nhận trong nhà trường là rất thấp. Trẻ nước ngoài học nhiều hơn trẻ Việt rất nhiều.

“Những kiến thức vũ trụ học, khí tượng học, lịch sử như các hành tinh trong hệ mặt trời, hiện tượng El Nino, La Nina, các vấn đề suy thoái môi trường, các cuộc di dân lớn của thế giới, đặc điểm văn hóa các nước.... được cung cấp cho trẻ từ lớp 1 ở nhiều nước trên thế giới”- TS Hương khẳng định.

“Quá tải ở đây chính là bài tập. Nhiều bài tập quá và nhiều bài tập quá khó. Vì thế, các cha mẹ cần sáng suốt, nếu thấy lượng bài tập của con quá nhiều thì nên yêu cầu cô giảm bớt. Điểm học có thể không cao nhưng con sẽ có thời gian khám phá cuộc sống và trau dồi những thứ còn thiếu trong giáo dục nhà trường”- TS Hương lí giải.

MỚI - NÓNG