NSƯT Thành Lộc: 'Sân khấu kịch ở TPHCM mạnh ai nấy sống'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau nhiều năm không tham gia bất kỳ hội thi, liên hoan sân khấu nào, NSƯT Thành Lộc - người được mệnh danh là “Phù thuỷ sân khấu” tại Việt Nam - đã tái xuất tại Liên hoan Sân khấu kịch TPHCM lần thứ Nhất 2024. Ông cùng các nghệ sĩ của sân khấu Thiên Đăng tham gia liên hoan với vở diễn ''Giáng Hương''. Dịp này, ông cũng chia sẻ tâm tư liên quan đến các liên hoan, hội thi về sân khấu.

Thành Lộc bày tỏ với hơn 40 năm sống trong nghề, ông đã chứng kiến nhiều bất cập từ liên hoan sân khấu. Trong đó trớ trêu nhất là nhiều vở diễn đoạt giải cao tại các liên hoan sân khấu nhưng mang ra diễn không bán được vé.

“Tôi biết có nhiều sân khấu tới gần liên hoan mới tổ chức dựng vở, đem đi liên hoan, giành nhiều huy chương xong rồi lại cất vào kho. Một vở diễn mà không có khán giả thì sao vở diễn đó có đời sống?”, Thành Lộc đặt vấn đề.

NSƯT Thành Lộc: 'Sân khấu kịch ở TPHCM mạnh ai nấy sống' ảnh 1
NSƯT Thành Lộc trăn trở việc tổ chức liên hoan.

Một bất cập khác, Thành Lộc cho rằng đó là quy định về thời lượng vở diễn khi tham gia liên hoan. Theo Thành Lộc, một đứa con nghệ thuật dài bao nhiều phút để chuyển phối nghệ thuật là do người nghệ sĩ tạo ra nó. Ví dụ như người sinh ra đứa con cao 1,8 m nhưng muốn tham gia liên hoan theo đúng quy định, chỉ cao tối đa 1,6 m thì chả lẽ chúng tôi phải chặt đứa con đó ra cho phù hợp. Vở diễn bị cắt gọt như vậy thì sao đảm bảo tính nghệ thuật.

“Ban tổ chức quy định thời lượng dựa trên tiêu chí gì? Liên hoan nghệ thuật mà bị khống chế bởi thời gian liệu có phù hợp hay không? Đối với một tác phẩm nghệ thuật thì thời gian không phải là thước đo ngắn hay dài mà là thông điệp từ vở diễn đó đưa đến người xem mới là quan trọng", Thành Lộc đặt vấn đề.

Ông chia sẻ: "Tôi từng đi xem những vở diễn kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ, khán giả vẫn ngồi say sưa theo dõi tới cuối vở với những xúc cảm rất tuyệt vời”.

Tại TPHCM, đa phần là sân khấu theo hình thức xã hội hóa nên trước tiên các sân khấu phải lo cho nồi cơm của mình. Khán giả mua vé để xem, mỗi sân khấu mang màu sắc riêng nên phân khúc, đối tượng khán giả gần như không trùng nhau nên sân khấu mới có thể sáng đèn.

NSƯT Thành Lộc: 'Sân khấu kịch ở TPHCM mạnh ai nấy sống' ảnh 2
NSƯT Ca Lê Hồng và NSƯT Thành Lộc

Vì vậy, các sân khấu hoạt động biệt lập kiểu "mạnh ai nấy sống". Thậm chí có những sân khấu ra vở diễn mới, người trong nghề chỉ âm thầm đi xem, đánh giá. Vì thế những người làm nghề sân khấu cũng cần liên hoan làm sân chơi chung để giao lưu, học hỏi nhau cũng như tạo sự liên kết.

“Liên hoan là cơ hội để những nghệ sĩ sân khấu có cơ hội ngồi với nhau, xem để chia sẻ cảm xúc. Đây là cơ hội để các sân khấu tại TPHCM liên kết với nhau, sân khấu xã hội hóa có ưu điểm nhưng cũng có những nhược điểm. Liên hoan giống một dịp để các sân khấu phô diễn những vai diễn hay, những vở diễn đậm chất nghệ thuật đỉnh cao, thứ mà người làm nghề luôn ao ước được vươn tới. Tôi hy vọng liên hoan đem tới sự vui vẻ, lan tỏa được thông điệp tích cực về sự yêu nghề, đam mê với nghề. Vậy thôi chứ không phải tranh đua gì hết”, Thành Lộc nói thêm.

MỚI - NÓNG