Những vai diễn lớn
NSƯT Thanh Kim Huệ tên thật là Bùi Thị Huệ, sinh năm 1955 tại TPHCM. Ngay từ nhỏ, do gia đình làm nghề cho mướn âm thanh nên Thanh Kim Huệ đã sớm được tiếp xúc với môi trường sân khấu. Từ một cô bé suốt ngày xem các nghệ sỹ biểu diễn, Thanh Kim Huệ đã tự học theo để rồi sau đó được các ông bầu mời vào các vai như đào nhí, tiểu đồng... và được các nghệ sỹ truyền cho nghề diễn. Cô bé sớm được đánh giá là có năng khiếu sân khấu khi giọng ca giữ hơi rất tốt và học rất nhanh các kỹ thuật diễn xuất. Năm 14 tuổi, Thanh Kim Huệ được chọn vào vai Lan (Cùng với nam diễn viên trẻ Chí Tâm vai Điệp) trong vở Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo.
Vở diễn đã đem lại thành công lớn khi trở thành cuốn băng bán chạy nhất thời kỳ đó và đưa Lan và Điệp trở thành vở diễn kinh điển hàng đầu của cải lương Việt Nam. Hai vai diễn của Chí Tâm và Thanh Kim Huệ trong vở được coi là chuẩn mực nhất mà nhiều diễn viên sau này học theo, tạo ra trường phái ca diễn Chí Tâm, Thanh Kim Huệ.
Năm 1982, khi vở tuồng Nghêu - Sò - Ốc - Hến được chuyển thể thành cải lương, một lần nữa Thanh Kim Huệ lại gây bất ngờ lớn cho người hâm mộ khi Thanh Kim Huệ hoá thân thành Thị Hến sắc sảo, đanh đá trong Nghêu - Sò - Ốc - Hến. Một phụ nữ trẻ đẹp, goá chồng phải khéo léo đối mặt với đời, với lũ quan lại tà dâm để giữ gìn thanh danh được Thanh Kim Huệ thể hiện vô cùng độc đáo.
NSƯT Thanh Kim Huệ và nghệ sỹ Chí Tâm trong vở Lan và Điệp (Bản dựng năm 2019) |
Từ một cô đào thương lấy nước mắt của khán giả trong Lan và Điệp, với vở mới Thanh Kim Huệ lại hoá đào lẳng với lối diễn xuất duyên dáng, hài hước nhưng cũng đầy chua cay. Nghêu- Sò- Ốc- Hến đã trở thành vở cải lương kinh điển tiếp theo có sự tham gia của Thanh Kim Huệ. Theo tư liệu, vở cải lương Nghêu- Sò- Ốc- Hến có trên 1.000 suất diễn ở các địa phương đồng thời bản ghi hình vở diễn cũng được phát cả trăm lần trên các đài truyền hình. Ngoài ra những vai như Thủy Cúc (Đường gươm Nguyên Bá), Sao Ly (Tình ca biên giới), Tiêu Kim Yến (Người tình trên chiến trận), Chúc Anh Đài ( Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài) do Thanh Kim Huệ thủ vai đều để lại những ấn sâu sắc với khán giả.
Sau một thời gian điều trị bệnh ung thư, NSƯT Thanh Kim Huệ đã qua đời vào lúc 13h50 ngày 23/12 tại TPHCM. Đám tang NSƯT Thanh Kim Huệ sẽ được tổ chức tại nhà riêng thuộc quận 10. Nghi thức lễ nhập quan vào lúc 19 giờ ngày 23/12. Lễ động quan vào lúc 7 giờ ngày 26/12, an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.
Không chỉ gây ấn tượng với những vai diễn, Thanh Kim Huệ còn là một giọng ca nổi tiếng qua nhiều bài tân cổ nổi tiếng như Chợ Mới, Hoa tím bằng lăng, Tặng đời chiếc nón bài thơ, Tiếng chày trên sóc Bombo, Đám cưới trên đường quê, Cánh thiệp đầu xuân… Thời cải lương hưng thịnh, NSƯT Thanh Kim Huệ được xếp là một trong bảy giọng ca nữ hàng đầu của Sài Gòn (Cùng với những Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Lệ Thuỷ, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên) và là giọng ca ăn ý với nhiều nam nghệ sỹ như Minh Vương, Thanh Tuấn, Trọng Hữu, Thanh Sang, Minh Cảnh….
Cả cuộc đời dành cho cải lương
Năm 1974 Thanh Kim Huệ kết hôn với nghệ sỹ Thanh Điền. Cả hai trở thành hình mẫu cho nhiều gia đình nghệ sỹ khi họ có cuộc hôn nhân đầy viên mãn và cùng nắm tay nhau đồng hành trên con đường nghệ thuật. Nhờ sự ủng hộ của chồng, Thanh Kim Huệ còn tham gia viết kịch bản cho cải lương. Nhiều vở cải lương do Thanh Kim Huệ chấp bút và Thanh Điền đạo diễn được khán giả yêu thích như Yêu và ghen, Lỡ yêu rồi, Quỷ kiến sầu, Tình ca biên giới, Khúc ly hương…
NSƯT Thanh Kim Huệ |
Khi bộ môn nghệ thuật cải lương có dấu hiệu xuống dốc, hai vợ chồng Thanh Kim Huệ đã cố gắng chèo lái để duy trì đoàn cải lương Sài Gòn 1. Họ phải bán nhà cửa, xe cộ cùng nhiều tài sản quý giá để duy trì hoạt động của đoàn hát. Thanh Kim Huệ làm mới vở diễn, tiếp tục viết kịch bản, hai vợ chồng làm thêm nghề chụp ảnh studio để có tiền dựng vở.... Nói về chuyện bán nhà để dựng vở, Thanh Kim Huệ từng cho rằng điều hai vợ chồng lựa chọn là đúng bởi cải lương muốn tồn tại và phát triển cần sự giúp sức của rất nhiều người. Dù không vực dậy nổi sân khấu cải lương nhưng họ đã làm cho thế hệ diễn viên trẻ có thêm cơ hội để toả sáng, để có thể thay cho họ giữ sân khấu sáng đèn. Nhờ sự nỗ lực của vợ chồng Thanh Kim Huệ mà đoàn cải lương Sài Gòn 1 sáng đèn thêm được nhiều năm.
Sau khi đoàn cải lương Sài Gòn 1 giải tán, Thanh Điền- Thanh Kim Huệ lại thành lập CLB cải lương Hoa sen trắng, chuyên đi hát từ thiện ở các nơi. Rồi Thanh Kim Huệ dựng lại các vở diễn trên YouTube, tham gia các chương trình truyền hình thực tế để duy trì cải lương…. NSƯT Thanh Kim Huệ từng tâm sự: “Cải lương là tình yêu và cuộc đời của tôi. Theo tôi nghĩ cải lương không bao giờ chết, nó vẫn len lỏi vào các ngõ hẻm, len lỏi lên các gameshow và vẫn còn chỗ đứng trong lòng khán giả”.
Trở lại với vở diễn Lan và Điệp, năm 2019 khi ông bầu Gia Bảo dựng lại vở Lan và Điệp đã mời hai diễn viên gạo cội là Chí Tâm và Thanh Kim Huệ tham gia. Khi đó dù sức nặng tuổi tác khiến giọng ca của cô Lan ngày nào giảm đi sự ngây thơ nhí nhảnh nhưng khán giả vẫn vỗ tay ủng hộ nhiệt tình bởi sau gần nửa thế kỷ, khán giả mới gặp lại Cô Lan trên sân khấu. Tâm sự với khán giả ngày trở lại vai diễn, Thanh Kim Huệ tâm sự suốt bao năm cô không dám nghe lại vở diễn vì sợ thân phận của vai diễn sẽ ám vào mình. Đó là lần thứ hai Thanh Kim Huệ trở lại với vai Lan - vai diễn cuộc đời của nghệ sỹ.
Và như định mệnh, Cô Lan của ngày nào cũng đã ra đi.