Bà mẹ điển hình
“Thương ngày nắng về” xoay quanh gia đình bà Nga (NSƯT Thanh Quý). Bà Nga là một người phụ nữ tần tảo với gánh bún riêu nhưng vẫn chăm lo chu toàn cho 3 người con và cậu em trai. Từ khi còn trẻ cho tới lúc xế chiều, bà Nga dường như chưa có một ngày nào nghỉ ngơi. Hình ảnh một người phụ nữ, người mẹ hiện lên rất “đời” qua nhân vật bà Nga.
Không chỉ thể hiện đầy đủ đức tính của người mẹ, người phụ nữ truyền thống chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, bà Nga cũng khiến khán giả thích thú ở những "tật xấu" rất Việt Nam như hay kể lể, áp đặt con cái.
NSƯT Thanh Quý vào vai bà mẹ tần tảo, lam lũ. |
Với nhân vật bà Nga, khán giả dễ dàng có được sự đồng cảm, sự sẻ chia với một bà mẹ 3 con tảo tần và đầy mạnh mẽ. Bởi thế mà những phân cảnh bà Nga mắng con, những lời càm ràm, những lần bà chỉ dám đứng từ xa nhìn ông thông gia đưa cháu ngoại đi học… đều nhẹ nhàng chạm đến trái tim người xem.
NSƯT Thanh Quý từng rơi nước mắt khi nói về nhân vật của mình trong “Thương ngày nắng về”. Nghệ sĩ kể những giọt nước mắt ấy là sự đồng cảm với thân phận của người phụ nữ trong phim, và “nhiều lúc diễn thoại mà không nổi vì nước mắt cứ tràn ra”.
Nhiều phân cảnh lấy nước mắt khán giả của bà Nga và ba cô con gái. |
Nếu như trước đây, khán giả truyền hình đã quen với những lần NSƯT Thanh Quý hóa thân thành bà mẹ ghê gớm, với giọng nói chua ngoa lanh lảnh trong “Hoa hồng trên ngực trái” hay “Hôn nhân trong ngõ hẹp”, thì ở bộ phim này, chắc hẳn nhiều người phải gọi chị bằng biệt danh “bà mẹ quốc dân”.
Ông bố chồng đáng mơ ước
Bà Nga cam chịu, đầu tắt mặt tối bao nhiêu thì bà thông gia-Hiền (NSND Lan Hương) lại ham chơi, ích kỉ bấy nhiêu. Giữa hai bà mẹ cũng không ít lần xảy ra xích mích, va chạm, bằng mặt mà không bằng lòng. Và người thường xuyên ra mặt để hạ nhiệt những lần căng thẳng ấy chính là ông Hùng (NSND Trung Anh) – thông gia của bà Nga.
Sống chung với bà vợ tai quái, màu mè như bà Hiền (NSND Lan Hương), ông Hùng lại càng cho thấy mình là người đàn ông khéo léo, luôn sẵn sàng "dập lửa" khi vợ vào cơn mắng chửi con dâu, cháu nội.
Cũng giống như NSƯT Thanh Quý, NSND Trung Anh mang tới một màu sắc rất khác so với những vai diễn trước đây. Không phải ông bố mẫu mực, thâm trầm như ông Sơn trong "Về nhà đi con", ông Hùng trong "Thương ngày nắng về" lại tếu táo và nhí nhố với nhiều tình huống dở khóc dở cười. Sự nhí nhố vừa để thay đổi một chút hình tượng ông bố trên màn ảnh, một phần khác chính là sự thích ứng, sáng tạo của NSND Trung Anh khi xử lý hành động, diễn biến tâm lí của nhân vật.
NSND Trung Anh tung hứng với "con trai" Hồng Đăng. |
Dù là người sợ vợ, phải trốn trong phòng khi vợ có khách, phải nhịn đi vệ sinh, nhịn hò hét khi xem bóng đá… nhưng ông Hùng không hoàn toàn nhu nhược. Trong những bữa cơm chung, ông là người duy nhất lên tiếng hỏi thăm khi thấy con dâu phải vất vả. Ông chủ động giúp đỡ việc trông cháu, đưa cháu đi học và cũng không ngại cảnh cáo khi vợ mình có định kiến với con dâu.
Chỉ là một vai diễn nhỏ, không nhiều đất diễn nhưng sự ấm áp, những hành động quan tâm của một người bố dành cho các con, của ông dành cho cháu nội cũng đủ để vai diễn của NSND Trung Anh tiếp tục trở thành tượng đài “ông bố quốc dân” trên màn ảnh nhỏ.