NSND Trà Giang khóc vì Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát

TPO - Trong ngày vui kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam sáng 15/3 tại Hà Nội, nhiều nghệ sĩ không giấu sự đau lòng khi nói về Hãng phim truyện Việt Nam. NSND Trà Giang đã rơi nước mắt khi nói về sự hoang tàn, đổ nát của trụ sở hãng phim.

Đau lòng thấy hãng phim đổ nát

Lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953- 15/3/2023) do Cục Điện ảnh và Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhiều thế hệ nghệ sĩ tề tựu tại lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Câu chuyện mà nghệ sĩ luôn trăn trở là thực trạng của Hãng phim truyện Việt Nam - nơi được coi là “cánh chim đầu đàn” điện ảnh cách mạng. Nơi sản xuất ra cả trăm tác phẩm điện ảnh nổi tiếng ngày càng trở nên hoang tàn, đổ nát. Điều này khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ vô cùng xót xa.

NSND Trà Giang khóc vì Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát ảnh 1NSND Trà Giang khóc vì Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát ảnh 2

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (4 Thuỵ Khuê, Hà Nội) hoang tàn, đổ nát.

NSND Trà Giang phát biểu ở lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam. Thay vì điểm lại thành tích, bà bày tỏ tâm tư về Hãng Phim truyện Việt Nam. Đây là nơi chứng kiến sự trưởng thành của NSND Trà Giang và hàng trăm nghệ sĩ điện ảnh các thế hệ.

"Nơi từng có 600 anh chị em văn nghệ sĩ, cán bộ, công nhân làm việc, từng sản xuất hàng chục phim mỗi năm, giờ đổ nát, hoang tàn. Một người hơn 80 tuổi như tôi thấy vậy rất đau lòng", nữ nghệ sĩ nói.

NSND Trà Giang mong mỏi các lãnh đạo Nhà nước quan tâm đến ngành điện ảnh một cách cụ thể hơn, để các nghệ sĩ trẻ có niềm vui, tin tưởng vào công việc họ đang làm. "Tôi có cảm giác sự quan tâm đa phần chỉ dừng ở văn bản, các lễ kỷ niệm, lễ hội. Cách quan tâm thiết thực nhất là tạo điều kiện cho nghệ sĩ làm việc, tạo môi trường cho họ đoàn kết để phản ánh hiện thực cuộc sống", bà nói.

Trước đó, "Chị Tư Hậu" bày tỏ tình cảm với người dân Hà Nội, miền Bắc đã luôn ủng hộ, khích lệ để bà từ một học sinh miền Nam ra Bắc, trở thành diễn viên, một nghệ sĩ nhân dân như bây giờ.

NSND Trà Giang khóc vì Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát ảnh 3

Nghệ sĩ Trà Giang phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ảnh: TUẤN MINH.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú đồng cảm với tâm tư của NSND Trà Giang. "Đã hơn bảy năm nay, toàn ngành điện ảnh vẫn không khỏi xót xa với câu chuyện cổ phần hóa hãng phim - đơn vị từng được coi là cánh chim đầu đàn của ngành điện ảnh", PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.

Ông nêu số phận và tương lai của hãng phim vẫn là vấn đề nổi cộm, nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều nghệ sĩ thuộc đơn vị đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi. Ông mong các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại ở hãng.

NSND Trà Giang khóc vì Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát ảnh 4

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú bày tỏ nỗi lòng về Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: TUẤN MINH.

Dai dẳng cổ phần hóa

Sự việc bắt đầu từ năm 2015 khi Hãng phim truyện Việt Nam bước vào quá trình cổ phần hóa. Mâu thuẫn giữa đơn vị mua lại Hãng phim truyện Việt Nam là Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso và các nghệ sĩ điện ảnh đã liên tục xảy ra.

Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.

Sau đó, Công ty vận tải thủy Vivaso - đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim - xin thoái vốn. Tuy nhiên, sau bốn năm, quá trình này chưa hoàn tất, khiến nghệ sĩ của hãng nhiều lần kiến nghị.

Tháng 3/2020, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thu hồi cổ phần đã bán tại Hãng phim truyện Việt Nam, vì quá trình cổ phần hóa đã tồn tại không ít hạn chế, khuyết điểm. Thế nhưng, đến nay, công ty vận tải thủy Vivaso vẫn chưa rút khỏi hãng.

Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ VHTTDL. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội...

Trước đó, NSƯT Vũ Đình Thân rưng rưng khi phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam tại Hội Điện ảnh Hà Nội. "Trong 70 năm chúng tôi đã đóng góp tới 50 năm phục vụ. Câu chuyện về hãng phim vẫn là niềm trăn trở của người ở lại và cả những người đã nghỉ", NSƯT Vũ Đình Thân nói. Sau khi Hãng cổ phần hóa "ông cố vấn" Vũ Đình Thân và các đồng nghiệp hằng năm không có chỗ trở về họp mặt.

"70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam được tổ chức hoành tráng mà mình không vui được. Khi nào số 4 Thuỵ Khuê, Hãng phim truyện Việt Nam hoạt động bình thường trở lại mình sẽ vui ngay", đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ.

Tin liên quan