Thời vàng son
Ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 147 thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, khai sinh điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trải qua 70 năm hình thành, phát triển, điện ảnh cách mạng Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Những ký ức vẻ vang được ôn lại tại Lễ kỷ niệm do Cục Điện ảnh và Hội Điện ảnh phối hợp tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội sáng 15/3.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) Tạ Quang Đông khẳng định, trải qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đồng hành với từng giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Sự thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng vừa mang giá trị lịch sử, nghệ thuật và thấm đẫm niềm tự hào dân tộc, vừa để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Từ thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ 20, nhiều bộ phim Việt Nam đạt được những giải thưởng danh giá tại quốc tế.
Cảnh trong phim Hết đời đế quốc (1951) do Điện ảnh Bưng biền sản xuất |
Ngay từ năm 1947, trên chiến trường ác liệt chống thực dân Pháp tại miền Nam, Điện ảnh Bưng biền đã cho ra đời những thước phim tài liệu do chính những người chiến sĩ Nam Bộ thời đó vừa chiến đấu, vừa tự học làm phim sản xuất. Đội ngũ chiến sĩ - nghệ sĩ nhiếp ảnh, điện ảnh là nòng cốt chính tạo ra những hình ảnh, những thước phim tư liệu về Bác Hồ và hai cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ cho tới ngày giải phóng và thống nhất.
“Lịch sử điện ảnh Việt Nam đã và mãi mãi vinh danh của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh với những tác phẩm phim truyện tiêu biểu về chiến tranh cách mạng, về lịch sử, về số phận con người thời hậu chiến, về những giá trị di sản đặc sắc của văn hóa truyền thống... thu hút đông đảo nhiều thế hệ người xem”, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đạo diễn Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.
Nhiều trăn trở
Nhiều đạo diễn, nhà làm phim bày tỏ băn khoăn, lo ngại cho nghệ thuật thứ 7 trong thời gian tới. Không ít nghệ sĩ, đạo diễn xót xa khi nhắc về Hãng phim truyện Việt Nam - đơn vị được coi như “cánh chim đầu đàn” của ngành điện ảnh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nghệ sĩ điện ảnh tại lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh Việt Nam. Ảnh: NAM NGUYỄN |
NSND Trà Giang ngậm ngùi khi nói về sự việc của Hãng phim truyện Việt Nam, vốn là nơi chứng kiến những bước chân đầu tiên của nữ nghệ sĩ. “Cách đây vài ngày, tôi về thăm xưởng phim, không thể nói hết cảm xúc lúc ấy. Nơi đây đã từng có 600 văn nghệ sĩ, công nhân, cán bộ cùng nhau làm ra hàng chục bộ phim mỗi năm, nhưng giờ đây khu vực đó trở nên đổ nát, hoang tàn. Điều đó làm tôi rất đau lòng”, NSND Trà Giang nói. Bà mong muốn các nhà quản lý quan tâm và giải quyết dứt điểm việc này để tạo sân chơi, niềm tin cho những người làm phim trẻ vững bước trên con đường sáng tạo góp phần mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người dân.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng bày tỏ sự đau lòng trước những tồn tại liên quan đến Hãng phim truyện Việt Nam. “Số phận và tương lai của Hãng vẫn là vấn đề nổi cộm, nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều nghệ sĩ thuộc đơn vị đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi... Do đó, toàn ngành điện ảnh khẩn thiết mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm”, ông đề nghị.
Cần tiếp tục “cởi nút thắt” về đầu tư, đặc biệt là khuyến khích phim của những nhà làm phim độc lập. Đó là một trong những đề xuất của những người làm điện ảnh. Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng để có một tác phẩm điện ảnh tốt dù là phim giải trí hay mang tính nghệ thuật cũng cần được đầu tư đúng nghĩa, thậm chí là tốn kém. "Để nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững và có đủ nội lực, điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có vai trò nổi bật của Nhà nước trong việc duy trì đầu tư xứng đáng cho những kịch bản tốt, theo đuổi dòng phim về đề tài truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng, nhằm xây dựng hệ giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn", ông Tú nêu.
Nghệ sĩ Quyền Linh, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, đầu tư vào các nhà làm phim độc lập là một hướng đi mới. "Cần đầu tư vào những hãng phim tư nhân vì họ có ý tưởng và đang đi theo mong muốn, thị hiếu của khán giả. Vậy Nhà nước hãy đầu tư, kết hợp với tư nhân để bộ phim vừa mang hơi hướng hiện đại vừa mang những giá trị truyền thống", Quyền Linh đề xuất.
Để tiếp tục góp phần phát triển sự nghiệp điện ảnh trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư yêu cầu, ngành điện ảnh khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác quản lý Nhà nước cũng như của công tác Hội, phát huy tiềm năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của hội viên.
Hội Điện ảnh Việt Nam cần làm tốt vai trò phản biện xã hội có ý kiến với cơ quan quản lý để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của ngành điện ảnh. Bộ VHTTDL tiếp tục thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật, triển khai thực hiện Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022, đồng thời thực hiện tốt chiến lược quy hoạch và phát triển điện ảnh nhằm xây dựng, phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, đảm bảo bản sắc dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.