Ngày 4/5, ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã ký văn bản chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án cầu Phước An, thị xã Phú Mỹ.
Theo đó, diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng là 0,26 ha. Loại rừng là rừng trồng phòng hộ chắn sóng lấn biển nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng tại lô 1a, 2a khoảnh 3 tiểu khu 1, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ.
Số tiền trồng rừng thay thế mà Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải phải nộp cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là gần 79 triệu đồng.
Phối cảnh dự án cầu Phước An. |
Trước đó, tại kỳ họp thứ Sáu (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 vào chiều 12/4, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 2 nghị quyết Phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án cầu Phước An, thị xã Phú Mỹ.
HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với diện tích 0,26 ha rừng trồng tại các lô 1a và 2a thuộc khoảnh a, tiểu khu 1, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ để thực hiện dự án cầu Phước An.
Dự án cầu Phước An là công trình giao thông cấp đặc biệt do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp quyết định đầu tư. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Tổng diện tích dự án là 13,19 ha, trong đó phạm vi thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 4,67 ha.
Cầu Phước An có chiều dài 4,3km, trong đó phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3.514m, còn lại là đường dẫn. Phần tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị có vận tốc 70km/h.
Theo thiết kế, phần cầu dẫn có chiều rộng 23,5m; cầu chính rộng 25m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Tháp cầu trụ chính cầu Phước An làm bằng bêtông cốt thép vuốt cong vào giữa tạo kiến trúc, hình dạng “Ngọn lửa - Cánh buồm” theo phương án kiến trúc đã được phê duyệt. Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải cho biết, công trình sẽ khởi công khi được bố trí vốn và hoàn thành công trình sau 5 năm thi công.
Hơn 10 năm qua, hệ thống cảng biển container nước sâu Cái Mép-Thị Vải đã đi vào hoạt động nhưng mới chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Một trong những nguyên nhân là cảng này thiếu kết nối giao thông với các tỉnh thành miền Đông và miền Tây.
Do đó, cầu Phước An có ý nghĩa quan trọng nhằm kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với khu vực Cái Mép - Thị Vải, giúp việc vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhanh chóng hơn. Thuận lợi về giao thông kết nối sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế hơn để thu hút nguồn hàng về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, qua đó phát huy thế mạnh từ kinh tế cảng biển.
Trước đó, ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên Môi trường xin ý kiến hướng dẫn xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án cầu Phước An ở thị xã Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai.
Cầu Phước An là dự án giao thông trọng điểm thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư là 4.879 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ, thời gian thực hiện giai đoạn từ năm 2021-2025. Hiện tại, dự án đã được HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 35 ngày 4/8/2020.
Kiến trúc dự án cầu Phước An. |
Vị trí dự án đi qua 2 địa bàn là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích đất phải thu hồi là 13,18 ha, trong đó diện tích thu hồi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 4,67 ha. Công tác lập bản đồ địa chính, thủ tục thu hồi đất, giao đất của 2 địa phương đang được Ban Quản lý dự án Giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải thực hiện và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định.
Tuy nhiên, dự án cầu Phước An lại đang gặp khó trong việc bồi thường tái định cư vì phải thu hồi đất ở nhiều tỉnh, thành. Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khoản 1 Điều 17 Nghị định số 47 chỉ quy định bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh nơi có đất thu hồi xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà không quy định trường hợp dự án do cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư như dự án cầu Phước An nên không xác định được cơ quan, đơn vị nào sẽ xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Vì vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án cầu Phước An.