'Nồng nàn' cù lao xanh áp phố

Chiều trên cồn Sơn.
Chiều trên cồn Sơn.
TP - Vừa rời con đường Lê Hồng Phong náo nhiệt ở trung tâm thành phố Cần Thơ thì gặp sông Hậu, ngồi đò dăm phút là lên cồn Sơn thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy. Một thế giới khác lạ, xanh biếc hoang sơ và yên tĩnh vô cùng.

Trên cồn không có ô tô, xe máy. Nói cho chính xác thì cũng có một chiếc xe máy của ông Trưởng khu vực Võ Văn Tho nhưng ít khi dùng. Người trên cồn chỉ đi bộ, xe đạp hoặc bơi xuồng. Nhà nọ cách nhà kia hàng công đất, nói to cũng không nghe tiếng nhau nên không gian tĩnh lặng trong màu xanh nguyên sơ. Bí thư Đoàn phường Dương Trương Ngọc Trân giới thiệu, cồn rộng 67ha, có 73 hộ dân sinh sống.

Cộng đồng

Nhà ông Phan Hữu Cảnh vừa sửa nên nom khang trang với hàng mai trước sân nở hoa lác đác, còn lan treo theo hàng hiên đang tươi hết cỡ. Ông ở ngoài vườn nhãn đi vô, quần đùi, chân đất, tay cũng lấm đất, cười cởi mở như gặp người thân. Mẹ của ông, bà cụ 84 tuổi đi đứng khó khăn nhưng khuôn mặt phúc hậu rất mộc mạc, hỏi gì vui vẻ nói nấy. Cụ kể, quê ở tỉnh Đồng Tháp, lấy chồng tỉnh Vĩnh Long, ra cồn lập nghiệp hơn nửa thế kỷ trước. Giọng cụ rủ rỉ: “Hồi đầu cực khổ lắm. Cất chòi ở để phát hoang khai mở đất mà đất lún dữ lắm, trồng lúa bị lốp hoài. Dần dần trồng lúa mới được thu hoạch, rồi đất cứng thì làm rẫy, khi đắp được đê bao thì trồng cây ăn trái”.

Cháu nội của cụ, cô Phan Thị Kim Lợi năm ngoái làm Bí thư Chi đoàn trên cồn, năm nay vừa lên Phó bí thư Đoàn phường, tiếp lời: “Cuối năm 2014, cồn Sơn mới có điện khi kéo được cáp ngầm qua sông Hậu, chớ trước đây chỉ thắp đèn dầu hay bình ắc quy, tối tăm buồn lắm”. Lịch sử khi ngoái lại thấy nhanh nhưng tính theo đời người thì quả dằng dặc, quá xa sự văn minh giữa cuộc sống trên cồn với bờ bên kia, dù chỉ nửa con sông.

Hiện nay, cồn xanh biếc với không gian yên tĩnh đang hấp dẫn người ở bờ bên kia. Ông Cảnh cho hay, nửa năm qua, mỗi tháng có khoảng 20 đoàn khách từ bờ ra cồn để hòa mình vào cảnh hoang sơ. Mỗi đoàn từ dăm người đến hàng trăm người, trong và ngoài nước có cả, đi một buổi hoặc suốt ngày. Về với thiên nhiên vườn cây, ao cá, bờ sông, vạt cỏ và lồng lộng gió giữa trời cao, du khách được thưởng thức những món ăn cũng nguyên sơ Nam bộ do những người nông dân gốc gác bao đời Nam bộ làm ra bằng thực phẩm tươi sống quanh nhà.

Quan điểm của địa phương là phát triển du lịch để tăng thu nhập cho người dân nhưng không làm xáo trộn cuộc sống của họ. Chẳng hạn, đón khách có chọn lọc và vừa phải để người dân còn thời gian chăm sóc vườn cây trái, giữ được không gian trong lành.

Chủ tịch UBND 

quận Bình Thủy,

Lê Tâm Niệm

Ăn tại nhà dân, nhưng không phải một nhà làm ra đủ các món mà mỗi nhà làm một hay hai món rồi mang đến. Đó là những “món ruột” của nhà người ta, như nhà vườn Song Khánh nấu cơm nồi đồng và gỏi dưa chuối, lục bình xào tép; nhà vườn Công Minh nấu cơm nồi đất và bánh kẹp cuốn; nhà vườn Sáu Cảnh làm gà xé bưởi... Đã có 14 gia đình hợp tác với nhau, phát huy thế mạnh từng nhà để phục vụ theo đơn đặt hàng, không cạnh tranh nhau.

Hèn chi, lúc đến bến đò, khách nói với chị chạy đò là muốn sang cồn Sơn, chị hỏi “đi làm chi vậy?”. Khi biết khách muốn “du lịch sinh thái” thì chị xua tay: “Tự đi, đâu có gì xem, phải qua tổ tư vấn người ta chỉ cho” và chị đưa số điện thoại tổ tư vấn. Muốn làm gì, ăn gì, chiêm nghiệm điều gì cần đặt trước để hướng dẫn viên chuẩn bị, chứ đột ngột không thể xen vô cuộc sống bình thường của người dân trên cồn.

Trải nghiệm

“Du lịch ở cồn Sơn không phải hưởng thụ mà là trải nghiệm. Có những đoàn khách không có mục đích trải nghiệm thì chúng tôi khuyên họ không nên sang cồn, đò không chở và chúng tôi không phục vụ”, Bí thư Đoàn phường Dương Trương Ngọc Trân khẳng định. Các chương trình trải nghiệm gồm một ngày làm nông dân trồng cây, hái trái, tát đìa; làm bánh dân gian Nam Bộ; vào bếp với nhà vườn… Gần đây, thêm bơi xuồng, đua xuồng trên một đoạn kênh hoang sơ rất êm đềm giữa cồn mà cô Kim Lợi cho biết: “Khách nước ngoài rất thích”.

'Nồng nàn' cù lao xanh áp phố ảnh 1

Du khách nước ngoài ở nhà ông Phan Hữu Cảnh. Ảnh: Trần Anh Thắng

Tại sao cồn Sơn nghèo khó truyền đời, từng có nhiều đoàn chuyên gia ra khảo sát nhưng không thấy tiềm năng du lịch, mà nay lại thu hút du khách gần xa? Thì cũng vì cái nghèo khó và khát khao thoát nghèo của người dân, được sức sáng tạo của tuổi trẻ mà làm bật sáng lên tiềm năng. Khởi đầu, không phải mục đích du lịch, chỉ muốn tạo sân chơi cho học sinh nghỉ hè theo trách nhiệm của Đoàn thanh niên.

Bí thư Dương Trương Ngọc Trân nhớ lại: hè năm 2014, Đoàn phường nghĩ việc đưa học sinh trung học ra cồn sinh hoạt để giúp các em hiểu được giá trị của lao động nông nghiệp, chia sẻ với bạn đang sống nơi “không trường, không trạm, không điện, không nước sạch”. Vận động được 30 học sinh tham gia với điều kiện để một số bậc cha mẹ đi theo vì lo lắng qua sông nơi nghèo khó, dù đã có 15 đoàn viên thanh niên chăm sóc. Các học sinh được hướng dẫn tham quan vườn cây, sinh hoạt cùng gia đình nông dân trên cồn và thành công ngoài mong đợi. Một học sinh hồn nhiên: “Hóa ra nông dân sáng ngủ dậy đã ăn cơm chứ không như ở phố, rồi ra vườn làm đến trưa về lại ăn cơm”. Một câu nói thôi thúc Đoàn phường tổ chức nhiều chuyến sinh hoạt dã ngoại tiếp theo sau đó.

Khi các bậc cha mẹ học sinh ở bờ bên này đã rất ủng hộ những chuyến sinh hoạt dã ngoại thì cán bộ Đoàn phường đi đến suy nghĩ: vận động người dân trên cồn làm du lịch. Ngọc Trân kể: “Chúng tôi thấy nhà nào ở cồn cũng có vườn cây, giữ được nghề truyền thống từ làm các loại bánh, chế biến món ăn Nam bộ rất ngon đến làm nước mắm, nấu rượu. Các bạn trẻ ở cồn thì thích tìm hiểu, khao khát thay đổi cuộc sống nên bàn tính phải làm để tăng thu nhập cho người trên cồn”.

'Nồng nàn' cù lao xanh áp phố ảnh 2

Phó bí thư Đoàn phường Phan Thị Kim Lợi  cùng cụ. Ảnh: Sáu Nghệ

Thoạt đầu nghe thanh niên vận động, vài chủ nhà cười: “Chúng tôi nghèo có gì mà làm du lịch”. Các bạn trẻ sôi nổi: bà con đã có tất cả từ vườn cây, nghề truyền thống đến bầu không khí trong lành quý giá, chỉ cần sắp xếp lại cho gọn gàng và bàn tính sản phẩm cụ thể, hợp tác nhiều nhà để cho du khách được sống với sự bình dị ở cồn. Những người nông dân mộc mạc bảo: “Thôi thì ủng hộ tụi nhỏ cho vui, được thì quá mừng mà không được cũng chẳng mất gì”. Giữa năm 2015, có 5 hộ tham gia, nay đã 14 hộ và còn mấy hộ khác đăng ký.

Hết xói lở

Trong 67 ha cồn Sơn, có 22 ha ao nuôi cá, còn lại vườn cây trái chín quanh năm. Trên sông Hậu quanh cồn có 40 lồng bè nuôi cá, trong đó, 10 lồng bè của 3 hộ đã đăng ký làm điểm tham quan du lịch. Nhà của dân cồn đa dạng từ cột gỗ mái ngói đến mái tôn, nhà xây tường lẫn nhà lá phơi bày các kiểu kiến trúc Nam bộ xưa nay. Đường bê tông lẫn đường đất, cầu sắt và cầu khỉ giữa mướt xanh hoang sơ trên bờ, dưới nước. Ở đầu cồn, mấy năm nay bay về đàn cò hàng ngàn con đậu xuống vườn dừa của ông Trưởng khu vực Võ Văn Tho và ông đã dựng chòi cho du khách lên ngắm mỗi buổi chiều. Dễ hình dung một sản phẩm du lịch phong phú đến mức hiếm hoi, ở ngay trung tâm thành phố Cần Thơ.

Khi sản phẩm du lịch cồn Sơn có nét, ngành du lịch thành phố Cần Thơ kịp thời hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ đón khách cho nhà vườn, đào tạo hướng dẫn viên tại chỗ và quảng bá. Bí thư Dương Trương Ngọc Trân phấn khởi: đã có 5 doanh nghiệp du lịch lữ hành thường xuyên đưa khách tới trong hàng chục doanh nghiệp giữ mối liên hệ. “Chúng tôi hiện có 15 hướng dẫn viên với 5 bạn giỏi tiếng Anh, trong đó nhiều bạn ở trên cồn. Hướng dẫn viên phục vụ một tour được 150 đến 200 ngàn đồng, có thêm thu nhập cho thanh niên như thế vui lắm”, Ngọc Trân tâm sự.

Lúc ở nhà ông Phan Hữu Cảnh, ông cũng phấn khởi: đón mỗi đoàn được chừng 200 ngàn đồng, “đỡ lắm chứ trước kia quanh năm chỉ thu hoạch một mùa trái cây mà thường được mùa lại thất giá”. Ông kể, trước đây thỉnh thoảng có người phải bán hết đất đai để đi nơi khác kiếm sống. Bà cụ mẹ của ông kể thêm: từ xưa vẫn luôn có người ra đây ít lâu rồi lại bỏ đi vì không chịu được vất vả. Mạn đầu cồn còn bị nước chảy xói lở, mấy chục năm qua mất khoảng 30 ha và tính ra đã hơn 20 hộ bỏ đi nhưng cũng nở đất phía đuôi cồn. “Gần đây, thấy giữ được đất không bị xói lở nữa, cuộc sống cũng yên ổn và vui hơn”, bà cụ nở nụ cười gần thế kỷ. 


Sở VH-TT&DL thành phố Cần Thơ và UBND quận Bình Thủy đang phối hợp xây dựng đề án phát triển “du lịch sinh thái cộng đồng” ở cồn Sơn. Trong đó, mở rộng các dịch vụ đáp ứng nhu cầu du lịch dã ngoại về với thiên nhiên của du khách để tạo thêm việc làm cho người dân ở cồn, trên cơ sở bảo tồn, bảo vệ môi trường cảnh quan.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.