Người nuôi cá lao đao
Ngày 24/7, trao đổi với Báo Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Ánh Lan - Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Tương Lai (huyện Củ Chi, TPHCM) cho hay, HTX còn tồn hơn 70 tấn cá rô, cá lóc chưa có đầu ra.
Theo bà Lan, ngày 9/7, bà Lan có đơn “cầu cứu” gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM nhờ hỗ trợ đầu ra cho cá rô và cá lóc sạch đạt tiêu chuẩn VietGap. Trong đơn bà Lan cho biết, cá đến lúc thu hoạch vào ngày 11/7, nhưng do dịch bệnh và TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Lúc này các chợ nhỏ, chợ đầu mối đóng cửa nên đứt nguồn tiêu thụ, việc liên thông giữa các tỉnh rất hạn chế nên lái cá cũng không đủ điều kiện thu mua.
Cá tại HTX Nuôi trồng thủy sản Tương Lai (H.Củ Chi) còn tồn gần 70 tấn chưa tiêu thụ được |
Vì vậy, bà Lan mong được các đơn vị kết nối, hỗ trợ đầu ra cho số lượng cá tươi sống hiện có. “Cá rô có số lượng từ 45-50 tấn, khoảng 4-5 con/kg với giá bán từ 30.000-32.000 đồng/kg; cá lóc có 30-32 tấn, mỗi con nặng từ 0,5-1kg có giá từ 48.000-50.000 đồng/kg” – bà Lan cho biết.
Sau đơn cầu cứu, HTX Tương Lai được cơ quan chức năng kết nối với nhiều đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên, HTX chỉ bán được khoảng hơn 10 tấn cá rô, cá lóc, lượng cá ước tính tồn đọng của hợp tác xã còn hơn 70 tấn.
Tương tự, ông Nguyễn Công Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hưng (Bình Chánh) cũng cho hay hiện các hộ gia đình trong xã đang bị tồn đọng khoảng 430 tấn cá gồm cá tra, cá trê, cá dồ lém. Ngày 15/7, hội cũng gửi công văn “cầu cứu” với Hội Nông dân TPHCM để hỗ trợ tiêu thụ số cá tươi này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả và việc kết nối với các hệ thống phân phối vẫn còn đang tiếp tục thực hiện.
Ông Sơn cho biết, Hội mong muốn được bán cá với giá 25.000 đồng/kg dù bán lẻ hay bán sỉ (nếu mua sỉ sẽ có giá giảm thấp hơn). Trước đây các hộ nông dân xã Bình Hưng đều bán hết cho thương lái đưa về chợ đầu mối Bình Điền và đưa xuống tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây. Nhưng nay chợ Bình Điền đóng cửa, việc giao hàng ở các tỉnh cũng rất khó khăn nên thương lái không thu mua nữa.
Dù cá đã đến lúc thu hoạch nhưng không có người mua, mỗi ngày đều phải tốn thêm tiền thức ăn khiến nông dân rất lo lắng. |
“Chúng tôi kết nối được với hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh. Hệ thống này có nhiều điểm bán, và muốn đặt hàng từ 10 - 15 kg cá/ngày cho từng điểm và có yêu cầu chúng tôi phân phối tại từng nơi. Tuy nhiên HTX không đủ phương tiện, nhân lực để giao lẻ nên đang nhưng mình không thể phân phối từng điểm được” – bà Lan nói.
Cũng theo Chủ tịch HTX Tương Lai, người dân có nhu cầu rất nhiều nhưng đều mua số lượng nhỏ khoảng 2-3kg/người, đồng thời yêu cầu cá phải được làm sạch nên HTX cũng không thực hiện được...
“Qua nhiều lần đưa hàng đi phân phối, chúng tôi thấy rằng nếu có người đại diện địa phương thu mua thì sẽ dễ dàng hơn. Cụ thể, chúng tôi đang bán cá cho người dân tại phường Hiệp Thành (Q.12, TPHCM) bằng cách cho một người đại diện phường đứng ra làm đầu mối, các tổ dân phố sẽ nhận đơn hàng đăng lý của người dân rồi tập hợp lại gửi cho vị này. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ giao cá đến địa phương để đưa xuống từng đến người dân.
Nếu các địa phương khác cùng thực hiện theo cách này thì vừa “giải cứu” được cá tại ao, hỗ trợ nông dân, vừa có thêm nguồn thủy sản an toàn với giá cả phải chăng” – bà Lan bộc bạch.
Cần mở điểm tập kết
Cũng trong ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT)Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng đã đến 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền khảo sát công tác phòng chống dịch và phương án tổ chức trạm trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (bìa trái) làm việc với đại diện chợ đầu mối Bình Điền sáng ngày 24/7. |
Ông Nguyễn Văn Huây - Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, điểm trung chuyển tại chợ đi vào hoạt động từ ngày 12/7 tại bãi xe container trong khuôn viên chợ.
“Kế hoạch ban đầu sẽ có 18 thương nhân lớn đưa hàng hóa về điểm trung chuyển này để “sang xe” và đưa hàng hóa nông sản đi tiêu thụ tại các siêu thị, bếp ăn, chợ truyền thống... trên địa bàn. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều thương nhân và nhân công của họ đang ở trong các khu cách ly, phong tỏa nên hiện chỉ vài thương nhân đưa hàng về chợ mỗi đêm” – ông Huây nói.
Còn ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn thông tin, Sở Công Thương TP và UBND huyện Hóc Môn đã thống nhất với phương án mở điểm trung chuyển, một số thương nhân cũng đã đăng ký và được hướng dẫn đầy đủ nhưng do tình hình dịch bệnh trên địa bàn còn quá phức tạp, chưa bảo đảm an toàn nên chưa thể triển khai.
Chưa có điểm tập kết, thương nhân chợ đầu mối Hóc Môn thuê địa điểm bên ngoài để xuống hàng. |
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trước nhu cầu về địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu không chỉ cho TP HCM mà cả các địa phương khác, Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT đã đề xuất TPHCM mở lại một số chợ truyền thống và các chợ đầu mối.
“Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, chúng ta nên mở một số địa điểm ở các chợ đầu mối để trung chuyển hàng hóa nhằm giảm tải cho các siêu thị. Qua khảo sát thực tế cả 3 chợ đầu mối đều có địa điểm đáp ứng nhu cầu này nên chúng tôi kiến nghị TPHCM sớm mở ra các địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa này với điều kiện phải bảo đảm các quy định về phòng chống dịch COVID-19” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu ý kiến.