> Giá lúa cao và nguy cơ bể kèo
Thu hoạch lúa tại một cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Tháp . |
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang, nói rằng, vụ hè thu vừa rồi, Cty triển khai làm cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở Châu Thành (An Giang) với diện tích 1.600 ha giống lúa OM 2517. Tham gia mô hình này, các hộ nông dân được Cty cấp một loại giống, được hỗ trợ đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, với 120 ngày không tính lãi, sau khi thu hoạch xong, nông dân sẽ trả Cty.
Nông dân được cán bộ kỹ thuật của Cty hướng dẫn quy trình gieo trồng, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật. Đến kỳ thu hoạch, Cty tiếp tục hỗ trợ nông dân vận chuyển, sấy và cất giữ trong kho của Cty miễn phí trong 1 tháng.
“Vụ đông xuân tới, Cty sẽ mở rộng mô hình này ở An Giang, Đồng Tháp, Long An lên 15.000 ha. Dự kiến, Cty sẽ xây dựng thêm 3 nhà máy chế biến nữa để phục vụ các vùng nguyên liệu này”, ông Thòn nói.
Lợi đủ đường
Theo tính toán, mô hình sản xuất CĐML cho năng suất lúa 7,5- 9 tấn/ha, nông dân lãi hơn 150% so với phương thức canh tác nhỏ lẻ. Tại Đồng Tháp, đang triển khai đề án sản xuất lúa theo hướng hiện đại, quy mô 100 - 400 ha/cánh đồng. Mô hình này đã thực hiện được trên diện tích 1.419 ha với 1.053 hộ nông dân tham gia.
Ở Kiên Giang, theo Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Phù Khí Nguyên, tỉnh này đang thực hiện dự án CĐMLvới tổng diện tích gần 2.000 ha. Vụ hè thu vừa qua, tỉnh thực hiện mô hình CĐM trên 480 ha tại các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành và TP.Rạch Giá, bước đầu cho thấy rất hiệu quả.
Ông Lý Minh Chánh, một nông dân có 3 ha trong mô hình CĐM ở phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, nói: “Tham gia mô hình sản xuất này, tôi được lợi rất nhiều mặt. Như phân bón, trước đây chúng tôi phải mua giá cao ở các đại lý, phải trả tiền lãi suất cao nếu trả chậm… Nay được mua phân giá rẻ như một đại lý cấp I của Cty Phân bón Bình Điền: Sau khi thu hoạch lúa mới trả tiền nhưng không phải tính lãi suất.
Việc gieo sạ, phun thuốc trừ sâu, bón phân đồng loạt một cách khoa học đã làm cho sâu bệnh ít hơn, năng suất lúa tăng lên rõ rệt. Trước đây, một ha lúa năng suất chỉ đạt 5 tấn/ha, nay đạt 6-7 tấn/ha”.
Anh Dương Thành Lễ có mảnh ruộng 1 ha nằm trong chương trình CĐML tại Kiên Giang. Anh tâm sự: “Có những nông dân ở vùng phụ cận thắc mắc, ganh tị vì ruộng của họ không được đưa vào chương trình CĐML. Mới qua ba vụ nhưng tôi thấy mô hình này rất hiệu quả. Nông dân chúng tôi bây giờ có cảm giác như… công nhân, nghĩa là khi vào vụ thì mọi người cùng lúc ra đồng.
Cùng nhau làm đất, cùng nhau sạ lúa, cùng nhau bón phân, phun thuốc trừ sâu và tất nhiên cả cánh đồng rộng lớn như thế lúa sẽ cùng lúc chín vàng. Người nông dân chúng tôi phải tuân thủ nguyên tắc một phải - phải dùng lúa xác nhận; 5 giảm - giảm giống, giảm thuốc sâu, giảm phân bón, giảm nước và giảm thất thoát sau thu hoạch. Chính những nguyên tắc này đã làm cho năng suất, chất lượng và giá cả hạt lúa cao hơn trước đây”.
Nhân rộng
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết: Hiện ở ĐBSLC tỉnh nào cũng có doanh nghiệp (DN) làm CĐML với diện tích 8.700 ha, với khoảng trên 6.000 hộ nông dân tham gia.
Giá lúa ở những CĐML có cao hơn, biến động tùy từng nơi. Nông dân đầu tư 12-15 triệu đồng/ha/vụ, nếu năng suất 7 tấn/ha, giá lúa khoảng 7.000 đồng/kg, có thể thu được gần 50 triệu đồng, trừ khoản đầu vào, có thể lãi hơn 30 triệu đồng/ha.
Theo ông năm 2012, diện tích CĐML sẽ mở rộng lên 40.000-50.000 ha (3.000-10.000 ha/tỉnh); năm 2013 là 100.000-200.000 ha. “Tới đây, nếu các tỉnh tiếp tục hào hứng mở rộng diện tích CĐML, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, nông dân làm CĐML, vì đây là xu thế tất yếu”, ông Dư nói.
Theo ông Dư, Bộ NN&PTNT đang bàn để có thể tiến tới có chính sách cho nông dân hợp tác sản xuất lớn. Họ góp cổ phần bằng đất đai vào doanh nghiệp hoặc HTX, rồi chính họ trở thành công nhân nông nghiệp.
Việc tính toán tất cả sẽ rõ ràng trên máy tính, còn ngoài cánh đồng, phải phá bỏ bờ vùng, bờ thửa để máy móc hoạt động được tốt hơn. Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, chẳng hạn, đường ô tô chạy được; lúa được giá thì bán, không thì có thể trữ lại. Doanh nghiệp đầu tư phần nào thì sẽ hưởng lợi ở khâu đó.
Khó khăn Theo ông Phù Khí Nguyên, do địa hình bị chia cắt nhiều vì hệ thống sông rạch chằng chịt nên khó thực hiện CĐML 200 ha trở lên. Mặc dù thực hiện CĐML nhưng ruộng nhà nào vẫn be bờ nhà đó nên cản trở đáng kể việc sản xuất bằng cơ giới hóa. Nông dân sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất sạch) nhưng lại chưa bán được sản phẩm theo tiêu chuẩn này. DN thu mua lúa gạo vẫn đánh đồng, trộn lẫn với các loại lúa sản xuất thông thường, làm cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thiệt thòi khoảng 15%. |