5h sáng, bà Nguyễn Thị Mùi (Đình Thôn, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã ra ruộng để hái rau cho kịp buổi chợ sáng. Bà Mùi cho biết, với 3 sào rau muống, bình quân mỗi ngày bà hái được khoảng 100 mớ.
Thời điểm này đang là chính vụ, rau muống phát triển nhanh và tươi nên giá rau muống chỉ dao động ở mức từ 2.000 đến 2.500 đồng/mớ. Vì vậy, theo bà Mùi, thu nhập cũng chỉ trong khoảng 200.000 - 250.000 đồng mỗi ngày. “Tính ra, cả tháng ruộng rau giúp gia đình kiếm được 3 - 4 triệu đồng, cũng đủ trang trải sinh hoạt”, bà Mùi chia sẻ.
Cũng theo bà Mùi, trước thì ít nhà làm giờ thì không nhà nào trong thôn là không làm rau để bán. Từ khi đất trồng lúa bị thu hồi để quy hoạch các dự án thì bao nhiêu đất còn lại người dân dùng hết để trồng rau muốn, “nghề” cũng từ đó mà có. Hiện nay, ngoài cung cấp cho nhu cầu của người dân trong làng, rau muống tại các vùng ngoại ô phía Tây Hà Nội đang được đổ buôn cho khu vực lân cận như Mỹ Đình, Mễ Trì, thậm chí lên một số chợ trên phố như Ngọc Hà, Cống Vị.
Chuyên đổ buôn cho các mối tại ruộng rau, vợ chồng bác Lê Thị Tâm (thôn Hạnh, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Giá cũng có thể chỉ bằng bán lẻ tại chợ tùy thời điểm, nhưng được cái không mất công vận chuyển nên mỗi tháng 5 sào rau muống cũng giúp gia đình kiếm được khoảng 5 triệu đồng”, bác Tâm cho hay.
Theo bác Tâm, cả làng có một số hộ có đến cả mẫu ruộng, bình quân mỗi ngày họ hái đến vài trăm mớ rau, tính ra thu nhập cũng từ 500.000 đến 600.000 đồng, thậm chí cả triệu mỗi ngày. “Đó là chưa kể vào thời điểm đầu năm, không chính vụ nên rau muống sinh trưởng chậm, giá rất cao có khi đến 5.000 đồng/mớ tại ruộng. Làm nghề nào ai cũng muốn bán được giá cao nhưng khi đó hái được mớ rau cũng tê cứng hết tay vì giá rét. Chưa kể từ 4 - 5h sáng đã lọ mọ ra ruộng”, chồng bác Tâm bày tỏ.
Tuy vậy, một số người dân tại đây tỏ ra khá hài lòng vì duy trì được ruộng rau. Ngoài việc giúp họ có thêm thu nhập, quan trọng nhất họ vẫn được gắn bó với đồng ruộng. “Trồng rau thì không khác trồng lúa, cũng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chưa kể giá rét hay nắng nôi, cũng vất vả không kém. Nhưng cơ bản vẫn giữ được đất để làm nông nghiệp, không thì cuồng tay cuồng chân lắm”, một trong số người dân đang hái rau trên ruộng nói.
Giá rau muống chỉ vài nghìn đồng mỗi mớ, nhưng việc chuyên canh loại rau này cũng mang về thu nhập đáng kể cho người dân ngoại thành. Ảnh: Trịnh Nguyên.
Anh Mai Văn Hạnh - một mối buôn hàng rau tại chợ Ngọc Hà đang nhập rau tại ruộng cho hay, các sạp rau trên phố rất chuộng rau tại khu vực này vì rau cọng nhỏ, xanh, tươi tự nhiên chứ không do phun thuốc. Do vậy mà 3 năm nay anh Hạnh chỉ “đánh hàng” rau muống của Đại Mỗ và Tây Mỗ. “Thực tế về nhìn cả ruộng rau bạt ngàn, nước lại sạch chứ không đen như các vùng khác nên tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng rau tại đây”, anh Hạnh phấn khởi nói.
Cũng theo anh Hạnh, vì là rau muống sạch đã được khẳng định “thương hiệu”, nên giá đổ buôn cũng cao hơn đôi chút từ 500-1.000 đồng/mớ so với các khu vực khác. Tại thời điểm này, giá nhập khoảng 1.700 - 2.000 đồng/mớ tại ruộng, cộng thêm tiền xăng xe vận chuyển, tiền công... lên các chợ trung tâm giá bán ra dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/mớ. Có thời điểm, trái vụ, rau muống hiếm, có khi giá nhập rau cũng lên đến 4.000 - 5.000 đồng/mớ.
“Bình quân, một chuyến đánh được khoảng 200 - 300 mớ rau muống từ cũng kiếm được vài trăm nghìn. Cũng có ngày chạy hai chuyến sáng và chiều cũng kiếm được tiền triệu, nhưng vẫn phụ thuộc chủ ruộng rau có hái kịp không thôi”, anh Hạnh nói.