Nông dân 'kết' Bắc Hương 9

Cánh đồng trồng giống Bắc Hương 9 cho hiệu quả cao tại Bắc Giang.
Cánh đồng trồng giống Bắc Hương 9 cho hiệu quả cao tại Bắc Giang.
TP - Mặc dù mới “bước chân” vào đồng ruộng Việt Nam từ đầu năm nay nhưng Bắc Hương 9 đang là giống lúa được kỳ vọng ở nhiều địa phương sẽ thay thế các loại lúa phẩm cấp thấp để trở thành một sản phẩm mang lại giá trị cao trong nông nghiệp. 

Thân cứng cáp, hạt mẩy đều, dễ chăm sóc, khả năng chống bệnh cao… là những nhận xét ban đầu của hầu hết các hộ dân tham gia mô hình trình diễn giống lúa chất lượng Bắc Hương 9 tại cánh đồng Quế của thôn Cả, xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, Bắc Giang sáng 14/10.

Thành công trên vùng đất khắc nghiệt

Nhiều người khá bất ngờ với việc Bắc Hương 9 chọn chỗ đứng ở cánh đồng Quế bởi ở đây được coi là vùng đất trũng, khó khăn về tưới tiêu, đất đai cằn cỗi. Đại diện Cty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế, đơn vị độc quyền phân phối giống lúa này cũng chia sẻ, khi mới bước chân đến đây cảm thấy thất vọng bởi sự khắc nghiệt của vùng đất này: “Bùn chỉ ngập đến mắt cá chân còn lại lổn nhổn đất cứng ở dưới, thực sự lúc đó chúng tôi rất nghi ngờ về khả năng thành công của giống lúa này”. 

Thế nhưng, với nhiều người dân nơi đây đã bắt đầu có thiện cảm với giống lúa này. Chị Nguyễn Thị Anh, một trong những hộ đăng ký tham gia cho biết: “Tôi rất hài lòng sau khi tham gia mô hình này bởi đây là giống lúa dễ trồng, dễ chăm sóc, đặc biệt phù hợp với đồng đất ở đây”. Còn ông Trần Công Thức, Trưởng thôn Cả dường như đã có thể thở phào nhẹ nhõm với kết quả của vụ thu hoạch đầu tiên.

Trước đó, ông là người khá lo lắng khi nhận đưa mô hình về thôn. Hơn nữa, thời điểm sạ giống lúa này chậm hơn so với thời vụ chung mấy ngày. Sau một thời gian thì lại có mưa nhiều ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa nhưng những yếu tố này ít ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của Bắc Hương 9. Bên cạnh đó, khả năng kháng bệnh cũng là một ưu điểm của giống lúa này.

“Tại một số ruộng bên cạnh có hiện tượng bị nhiễm rầy và khô vằn nhưng tuyệt nhiên ở các ruộng trong diện thí điểm hầu như không bị ảnh hưởng gì. Bên cạnh đó, năng suất giống lúa này cao hơn hẳn các giống lúa xung quanh khiến cho người dân đều cảm thấy háo hức muốn gieo trồng trong vụ tới”, ông Thức cho biết.

Xây dựng thương hiệu gạo thơm Yên Dũng

Đánh giá về hiệu quả giống lúa Bắc Hương 9, ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Yên Dũng cho biết, đây là giống lúa khá phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Huyện Yên Dũng đang xây dựng thương hiệu “gạo thơm Yên Dũng” nên việc đưa giống lúa nào vào để sản xuất có ý nghĩa quan trọng và phải được đánh giá kỹ lưỡng.

Đức Giang cũng là một trong 3 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới và có diện tích gieo cấy lớn nhưng các năm qua xã mới chỉ có khoảng hơn 10% diện tích gieo cấy bằng giống lúa chất lượng cao. Việc tìm tòi giống lúa mới không chỉ cho năng suất cao, chống chịu tốt mà còn phải cho chất lượng tốt để phục vụ nhu cầu sản lượng cho thương hiệu “gạo thơm Yên Dũng” đồng thời nâng cao hiệu quả canh tác lúa trên cùng một đơn vị diện tích là bài toán trăn trở nhiều năm qua của Đức Giang.

Với quy trình thực hiện gieo sạ theo phương thức canh tác của địa phương, thực hiện trên tổng diện tích 2 ha với 20 hộ tham gia đã cho kết quả ban đầu khá khả quan. Mặc dù có chiều cao trung bình và thời gian sinh trưởng dài hơn so với giống lúa đối chứng là Bắc Thơm 7 nhưng khả năng chống chịu ngoại cảnh tốt. Đặc biệt, trong khi nhiều diện tích cấy lúa Bắc Thơm 7 bị đổ nghiêng theo chòm thì các thửa ruộng gieo cấy Bắc Hương 9 vẫn rất gọn, thân cây cứng khỏe. Về số lượng hạt chắc và số bông trên cùng một đơn vị diện tích, Bắc Hương 9 vượt trội hơn hẳn. Với chất lượng tốt, hạt cơm ngon, dẻo, nên Bắc Hương 9 dự kiến sẽ cho lãi khoảng 11,4 triệu đồng/ha, trong khi giống lúa đối chứng hiện chỉ đạt khoảng 8 triệu đồng/ha. 

Hiện nay giống lúa Bắc Hương 9 đang được thử nghiệm ở nhiều nơi của tỉnh Bắc Giang và hơn 34 ha với hàng trăm hộ tham gia ở các địa phương khác như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nam Định…

MỚI - NÓNG