Thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng hoa cúc ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuống giống được khoảng hơn 1 tháng để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Đây cũng là lúc nông dân thực hiện chong đèn vào ban đêm cho hoa cúc để cây phát triển theo ý muốn. Kỹ thuật này không chỉ giúp cây hoa nở đúng vụ, mà còn mang lại khung cảnh lung linh đẹp mắt tại các làng hoa mỗi khi đêm về.
Nhà vườn thức cùng hoa Tết
Những ngày này, các vườn hoa cúc Tết trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rực sáng ánh đèn mỗi khi màn đêm buông xuống. Ông Mai Xuân Pha, một hộ trồng hoa ở ấp Sông Xoài 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, cho biết, sau khi xuống giống hoa từ 7-10 ngày, người trồng sẽ thực hiện chong đèn từ 6 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau. Đây là kỹ thuật biến đêm thành ngày, tạo thêm ánh sáng cho cây hoa quang hợp, kích thích cây tiếp tục sinh trưởng vào buổi tối, giúp hoa cúc vươn cao, thân thẳng và nở hoa đúng theo ý muốn của người trồng. Thời gian chong đèn kéo dài liên tục trong 2-3 tháng, khi cây chuẩn bị làm nụ.
Chong đèn cho hoa để cây phát triển theo ý muốn và nở đúng dịp tết - Ảnh: Lưu Sơn |
Ông Pha cũng cho biết, gia đình đã thắp 400 bóng đèn loại 13W cho 3.000 chậu hoa cúc, chuẩn bị vào giai đoạn bấm ngọn lần 2 cho cây đẻ nhánh. “Chong đèn như thế nhằm mục đích để cây thức, búp và cây hoa không có thời gian ngủ, phải phát triển liên tục để nâng độ cao. Khi quy trình hoa còn 55 ngày nhà vườn sẽ ngắt điện cho hoa làm nụ, kịp thời vụ Tết”, ông Pha cho biết.
Là vùng trồng hoa lớn và lâu đời nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những ngày này làng hoa Kim Dinh, thành phố Bà Rịa cũng trở nên lung linh, rực rỡ khi các nhà vườn trồng hoa thắp sáng đèn mỗi đêm. Với 10 năm kinh nghiệm trồng hoa cúc, bà Nguyễn Thị Kim Yến, ở phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa cho biết, vụ hoa Tết rơi vào cuối năm, thời tiết lạnh, ít ánh nắng nên kỹ thuật chong đèn cũng giúp cây hoa có thể đạt chiều cao từ 70-80 cm, hoa nở to, cánh dày và màu sắc rực rỡ hơn.
Theo bà Yến, tùy vào thời tiết và thời điểm xuống giống, nhà vườn sẽ chủ động điều chỉnh thời gian thắp đèn để hoa nở đẹp, đúng dịp Tết. “Tác dụng của việc chong đèn dài ngày để cây cao lên nhưng không ra nụ. Có loại hoa trồng trước sẽ phải chong đèn sớm, khi hoa sắp ra nụ nhà vườn sẽ ngắt điện”, bà Yến cho biết.
Người trồng hoa Tết mong giá ổn định
Những người trồng hoa Tết ở Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ, thời tiết năm nay không thuận lợi, mưa nhiều và bất chợt khiến cây hoa bị ngả vàng, người dân phải sử dụng nhiều loại thuốc để hạn chế nấm phát sinh. Ông Nguyễn Văn Long, khu phố Hải Dinh, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa cho biết, chuẩn bị cho thị trường Tết 2024, ông đầu tư gần 400 triệu đồng để trồng 7.000 chậu hoa cúc đại đóa, pha lê, kaly... đủ kích cỡ. Hiện cây hoa đã được 45 ngày, đây là thời điểm quyết định thành bại của người trồng hoa.
Dự chi phí tăng nhưng ông Nguyễn Văn Long, phường Kim Dinh, TP Bà Rịa giữ giá bán hoa ổn định như năm ngoái - Ảnh: Lưu Sơn |
Theo ông Long, thời điểm chuyển mùa, hoa dễ phát sinh nhiều sâu bệnh, nấm… phải tốn công chăm sóc, thêm chi phí chong đèn, chăm sóc hàng đêm phòng ngừa nấm bệnh tấn công. Ông Long bày tỏ, do tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu nên chỉ mong giá hoa ổn định như năm ngoái. Thông thường, trước lễ Giáng sinh từ 5 -10 ngày, thương lái từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận và TP HCM sẽ vào tận vườn để đặt cọc mua hoa.
“Năm nay nếu thương lái vào thu mua, nhà vườn cố gắng giữ giá bằng năm ngoái, vì tình hình kinh tế chung nên các mặt hàng tiêu thụ chậm. Cho dù chi phí đầu vào có tăng, nhưng nhà vườn không dám tăng giá. Đối với những mối hàng lớn, lâu năm nhà vườn có thể san sẻ với họ, bán giá mềm hơn”, ông Long nói.
Vụ hoa cúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân ở Bà Rịa-Vũng Tàu xuống giống khoảng 100ha, tập trung chủ yếu ở Thành phố Bà Rịa, các huyện Châu Đức và Đất Đỏ. Nhà vườn kỳ vọng vụ hoa Tết năm nay đạt năng suất cao, giá bán ổn định để có cái Tết ấm no.
Link gốc: https://vov.vn/kinh-te/nong-dan-ba-ria-vung-tau-xuyen-dem-chong-den-thuc-cung-hoa-tet-post1056697.vov