“Nóng” chuyện phạt nguội

“Nóng” chuyện phạt nguội
TP - Đầu tuần này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đưa ra đề nghị được xử phạt nguội đối với người vi phạm giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Trên thế giới, việc này không có gì mới, tại Hà Nội cũng chẳng còn xa lạ vì mười năm trước, CSGT Hà Nội đã được trang bị xe chụp ảnh vi phạm để phạt nguội. Nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì, chiếc xe bị phủ mền, hình thức phạt nguội cũng lạnh đi theo thời gian.

Có thể thấy, trong bối cảnh công nghệ được ứng dụng đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội thì dường như chúng lại xuất hiện quá khiêm tốn trong hoạt động tổ chức, điều hành và xử phạt giao thông trên đường. Hình ảnh CSGT tay cầm gậy, miệng ngậm còi và kè kè cái cặp hồ sơ, giấy tờ, đứng cả nhóm tại một nút giao thông… đã trở thành hình ảnh cũ kỹ từ hàng chục năm qua.

Trong khi đó, giao thông Hà Nội đã có những biến đổi chóng mặt từng ngày. Từ chỗ thành phố chỉ có vài chục ngàn chiếc ô tô, vài trăm ngàn chiếc xe máy, nay đã có nửa triệu ô tô và bốn triệu xe máy. Hà Nội hiện cũng đã có tới 2.000 nút giao thông…

Lượng phương tiện tăng tỷ lệ thuận với vi phạm và mức độ gia tăng phức tạp của giao thông. Trong khi đó lực lượng làm nhiệm vụ lại luôn trong tình trạng quá tải, hụt hơi. Để đảm bảo giao thông tốt, chắc chắn CATP Hà Nội sẽ phải đưa ra các lựa chọn: hoặc tăng biên chế để đáp ứng yêu cầu của công việc, hoặc ứng dụng khoa học công nghệ, tiết giảm con người mà vẫn đáp ứng được yêu cầu.

Về biên chế, phòng CSGT Hà Nội hiện được cho là phòng CSGT lớn nhất cả nước với biên chế khoảng 2.000 người. Nếu cứ “phình to” lực lượng theo mức độ tăng phương tiện e rằng không thuận. Vậy lựa chọn khả thi nhất chính là ứng dụng khoa học, thay đổi lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính để tăng hiệu suất làm việc đáp ứng nhiệm vụ mới.

Phạt nguội được xem như là giải pháp đột phá nhằm chuyên nghiệp, hiện đại hóa, minh bạch công tác điều hành, tổ chức và xử phạt trong lĩnh vực giao thông. Việc này trước hết sẽ giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính trong xử lý vi phạm tạo thuận lợi cho cả người thực thi công vụ lẫn người bị phạt. Do đó sẽ tiết kiệm chi phí xã hội.

Phạt nguội còn giúp ngăn ngừa tiêu cực, chung chi trong xử lý vi phạm và xử lý được nhiều hơn, theo đó số tiền thu cho ngân sách có thể sẽ tăng lên. Đặc biệt, phạt nguội sẽ là một giải pháp quan trọng thúc đẩy người dân tự giác tuân thủ pháp luật thay vì “ chỉ sợ” cảnh sát như hiện nay. Chiếc camera tại các nút giao thông được coi như cánh tay nối dài của CSGT, tạo cơ hội để có thể tinh giản biên chế của lực lượng này, giúp giảm gánh nặng ngân sách ...

Cách thức phạt nguội hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích nhưng chắc hẳn cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Việc đầu tư camera tại các nút giao thông đòi hỏi một lượng kinh phí lớn; thay đổi lề lối làm việc vốn trở thành thói quen là việc không dễ đối với CSGT.

Ngoài ra, các tình huống như xe không chính chủ, chủ xe không thường trú theo địa chỉ đăng ký xe… cũng tạo ra những rắc rối không nhỏ… Tuy nhiên nhìn tổng thể, phạt nguội là việc cần thiết, phù hợp với nhu cầu phát triển, phù hợp thông lệ quốc tế và mong muốn của đại bộ phận người dân.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.