Sau hai ngày bị nước lũ nhấn chìm, nhiều xã ở phía vùng trên của huyện Hương Khê nước cơ bản đã rút. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn hết sức lo lắng, bức xúc cho rằng hậu quả của ngày hôm nay là do Nhà máy thủy điện Hố Hô.
Sáng qua, do nước ở nhà máy thủy điện vẫn xả lũ với lưu lượng gần 1.000m3/s nên một số xã ở phía dưới của huyện Hương Khê phải hứng chịu khi nước lũ ứ đọng khá sâu như ở xã Phương Mỹ, Phương Điền. Trong ngày hôm qua, nhiều đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh và nhiều đoàn cứu trợ tiếp tục vượt lũ đến với bà con người dân nơi đây để tiếp tế thực phẩm và nước uống.
Hoang mang, lo sợ
Tình hình lũ lụt ở các xã miền núi ở Hà Tĩnh chưa qua, diễn biến của cơn bão số 7 cùng nỗi lo “bom nước” hồ Kẻ Gỗ khiến người dân ở vùng đồng bằng Hà Tĩnh hoang mang. Dù không bị ngập nặng như một số xã của huyện Hương Khê nhưng nhiều ngày qua, lượng mưa lớn làm ngập cục bộ tại nhiều xã ở huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Can Lộc, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh.
Cho đến chiều qua, tại các huyện Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh, nhiều xã, đường phố vẫn đang ứ đọng nước ở mức cao, nhiều nơi lên tới cả mét. Dù trời đã tạnh và hửng nắng nhưng trước thông tin mưa lớn tiếp tục dội xuống khi cơn bão số 7 đang diễn biến phức tạp kèm hồ Kẻ Gỗ sẽ xả lũ làm dân đứng ngồi không yên.
PV Tiền Phong vượt 80km từ rốn lũ Hương Khê có mặt tại hồ Kẻ Gỗ, Cẩm Xuyên, đi qua UBND xã Cẩm Duệ, hàng chục người đang được tập hợp trước UBND xã để được lãnh đạo phổ biến về việc huy động khi lũ về.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ Trần Xuân Long nói: “Hy vọng tối nay không đổ mưa để người dân đỡ phải vất vả di dời. Giờ mọi người ai cũng lo lắng. Chưa khi nào tình hình căng thẳng như lúc này”. Tuy nhiên, với lưu lượng xả nước của hồ Kẻ Gỗ và hồ Bộc Nguyên lên tới 500m3/s kèm lượng mưa lớn như những ngày qua toàn xã sẽ chìm trong biển nước.
Dọc các con đường xã Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch…loa phóng thanh của các thôn đang thông báo chỉ đạo các nội dung về việc di dời và cảnh báo lũ trong ngày 17/10. Tại khu vực đập tràn Kẻ Gỗ giáp ranh giữa xã Cẩm Duệ và Cẩm Thạch, người dân sơ tán những người già đến khu vực an toàn.
Chưa bao giờ người dân TP Hà Tĩnh lại nơm nớp sợ hãi cảnh ngập lụt như lúc này. “Gần một ngày trời nắng ráo nước còn mênh mông. Ngày mai xả lũ kèm mưa lớn nữa người dân chỉ biết cách trèo lên nóc nhà”, chị Nguyễn Thị Mai, đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh bức xúc.
Trời đất căng thẳng với Hà Tĩnh
Chiều qua, lượng nước trong hồ chưa lớn như năm 2010. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất bây giờ là cơn bão số 7 ập đến nên ngày 17/10 ban điều hành hồ Kẻ Gỗ sẽ tiến hành xả lũ. Theo Giám đốc Cty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh, ông Lê Hồng Sơn, quy trình xả lũ đã được phê duyệt, trước ngày 30/10 mực nước trong hồ chỉ được giữ mức 30,5m nhưng đến sáng 16/10 mực nước đã lên 30,8m và đang tiếp tục lên, do đó việc xả lũ phải triển khai để “đảm bảo an toàn cho công trình”. Nếu trời hửng thì sẽ giảm lưu lượng xả dưới 300m3/s và mở xả vào thời điểm thủy triều xuống.
Do được thông báo từ ngày 15/10 nên trong ngày 16/10, rất nhiều người dân và cán bộ một số xã đã trực tiếp lên hồ Kẻ Gỗ để nắm tình hình và quan sát mực nước trong hồ.
Trao đổi với PV Tiền Phong vào tối 16/10, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Đăng Nhật cho biết, đến khoảng 18 giờ đã di dời 320 hộ ở hai xã sát cạnh hồ Kẻ Gỗ là Cẩm Duệ và Cẩm Thạch. “Dự kiến di dời 120 thôn, với 7.200 hộ, trên 27 nghìn người. Công tác chuẩn bị được lãnh đạo huyện chỉ đạo trong sáng nay và bắt buộc các xã thực hiện ngay trong chiều nay”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết, chưa bao giờ “trời đất lại căng thẳng” với Hà Tĩnh như lúc này, khi cơn lũ chưa qua thì bão lại dồn dập tới. “Tôi chỉ đạo các địa phương phải tuyệt đối đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói.