> Những thầy giáo hiếm hoi của trường mầm non
> Thầy giáo dạy Toán khiến học sinh 'phát cuồng'
Một tiết học của thầy trò Trường THCS Hợp Nhất (Ba Vì- Hà Nội). Ảnh: Thiên Minh. |
Ngày không điện, không nước sạch
Nhớ lại những ngày đầu được phân công về xã dân tộc miền núi Minh Quang - Ba Vì công tác, thầy giáo Nguyễn Quang Vinh (Trường THCS Hợp Nhất - Ba Vì - Hà Nội) người đã có 13 năm gắn bó với trường lớp, học sinh nơi đây không thể nào quên: Năm 2000, tôi về Minh Quang công tác. Trường cách nhà 30km, thời gian đầu tôi vẫn sáng đạp xe đến trường dạy học, chiều đạp xe về .
Thời gian sau, giáo viên nhà xa được nhà trường bố trí vào ở trong khu nhà công vụ. Chúng tôi không còn phải đi lại hàng ngày, tuy nhiên ở vùng đất khó khăn lạc hậu ấy đời sống người giáo viên vẫn vô cùng thiếu thốn từ vật chất tới tinh thần.
Trước mặt là rừng núi, sau lưng, quay ngang quay dọc cũng vẫn là rừng núi. Không có bất kỳ dịch vụ, hàng quán, hình thức sinh hoạt văn hóa giải trí phục vụ nào. Giáo viên phải hoàn toàn tự túc nấu nướng sinh hoạt trong số tiền lương đủ cho một cuộc sống tằn tiện.
Thế nhưng, điều đáng nhớ nhất với giáo viên chúng tôi khi ấy là cảnh 4 năm liền trong cảnh không điện, không nước máy. Anh em chúng tôi cùng soạn giáo án, cùng nghiên cứu tài liệu sách giáo khoa dưới ngọn đèn dầu leo lét.
Và để cải tạo cuộc sống tốt hơn giáo viên trong trường cùng góp tiền và đạp xe xuống thị xã Sơn Tây (cách trường 20 – 30km) để mua những chiếc máy phát điện nhỏ. Rồi chúng tôi tự mày mò ra suối nghiên cứu cách đắp đập, làm điện thắp sáng.
Nguồn điện yếu ớt dẫu chỉ đủ giúp chúng tôi đủ thắp sáng đôi ngọn đèn đỏ quạch trong nhà và thi thoảng xem được ti vi nhưng lòng cũng cảm thấy phấn khởi và hăng say hơn bên những trang giáo án, những cuốn vở học sinh.
Rồi, để có nước sinh hoạt, chúng tôi cùng nhau góp tiền mua ống, đào rãnh đặt ống dẫn nước từ khe suối chảy về. Nguồn nước suối chẳng ai kiểm định, chất lượng có đảm bảo cho sinh hoạt hay không thì 13 năm nay chúng tôi vẫn dùng nguồn nước ấy. Có nước sinh hoạt đủ là quý rồi...
Cũng theo chia sẻ của nhiều giáo viên nơi đây thì vùng đất Ba Vì nằm trong diện có thời tiết khắc nghiệt. Vào mùa đông, xung quanh là rừng, gió thổi ào ào. Cái rét vùng rừng núi như len lỏi xuyên thấu từng lớp vải quần áo, cắn vào da thịt người tím tái.
Mỗi khi vào đợt rét đậm, rét hại khu nhà công vụ tuềnh toàng đơn sơ càng như trỏ nên yếu ớt không đủ sức che chắn những cơn gió len lỏi ấy. Người giáo viên chỉ có thể đốt lửa sưởi ấm phần nào. Còn vào mùa hè, cái nóng của vùng đất đá vôi thật kinh khủng.
Vùng rừng núi nhiều cây xanh như vậy nhưng nhiệt độ cũng chẳng hề mát mẻ. Thậm chí cái nóng nơi đây còn cao hơn cả trung tâm Hà Nội (nơi bị hiệu ứng nhà kính bởi nhiều nhà bê tông, ô tô xe máy... đi lại) tới 1- 2 độ...
Cái nắng, cái gió, điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt là thế song những người giáo viên đã lên đây công tác hầu như chẳng mấy ai bỏ nghề, họ đều bằng lòng với cuộc sống mình. Họ biết dựa vào nhau cùng sống, vượt qua khó khăn đời thường để tiếp tục gieo chữ trên mảnh đất khắc nghiệt.
“Chúng tôi khổ quen rồi. Nhưng có lẽ với tất cả giáo viên đang công tác ở vùng đất này, thì sự tiến bộ của học trò, chất lượng giáo dục được nâng lên là mong mỏi lớn nhất”. - Thầy giáo Nguyễn Quang Vinh. |
Mà đúng như thầy, Vinh tâm sự: Từ ngày có điện, có “chảo” tiếp sóng ti vi, đời sống tinh thần của giáo viên chúng tôi cải thiện nhiều. Chúng tôi đã soạn bài, tìm hiểu thông tin trên máy vi tính nối mạng (dù hạn chế), được xem nhiều kênh truyền hình giải trí, rau tự trồng, gà tự nuôi trong vườn… Điều kiện sống tốt hơn trước nhiều rồi, chẳng lý do gì không yên tâm dạy học.
Không có tâm không thể làm thầy giáo
Đó là tâm sự chân thành của thầy Vinh nhưng cũng là nỗi lòng của biết bao thầy cô giáo đang hàng ngày bám trường bám lớp tại một xã miền núi nghèo Minh Quang – Ba Vì - Hà Nội. Quả thực, cứ nhìn vào những thử thách mà người giáo viên nơi đây phải đối diện sẽ biết được tâm sức của người thầy phải bỏ ra thế nào.
Phó hiệu trưởng Trường THCS Hợp Nhất cho biết: Minh Quang là xã dân tộc miền núi nằm sâu ở sườn tây núi Ba Vì. Đời sống của nhân dân còn nghèo, dân trí thấp, giao thông nông thôn còn khó khăn... do đó văn hoá xã hội phát triển còn chậm so với mặt bằng chung của toàn huyện Ba Vì nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
Bên cạnh đó, số đông phụ huynh học sinh là đồng bào dân tộc đều làm nghề nông, trình độ dân trí thấp, nhiều người bỏ nhà đi làm ăn lao động xa, nên việc học của trẻ gần như không có sự giúp sức từ phía gia đình. Các nhà trường, thầy cô tại đây khá đơn phương trong công tác giáo dục.
Thầy Nguyễn Quang Vinh cho biết: có năm tôi làm chủ nhiệm lớp chỉ có 11 học sinh nhưng có tới 5 học sinh bố mẹ đi làm ăn xa quê hương. Nhiều gia đình bỏ lại các em ở nhà với ông bà, người quen, không có sự chăm sóc dạy dỗ hàng ngày và thậm chí các em phải tự túc trong mọi sinh hoạt, học tập.
Mặt khác, học sinh tại Minh Quang chủ yếu là học sinh người dân tộc. Khi vào lớp 1 khả năng nói, tiếp thu tiếng Kinh hạn chế. Vì vậy việc dạy học của người thầy càng thêm vất vả. Chỉ dạy để các em lĩnh hội được kiến thức chuẩn trong sách giáo khoa cũng không dễ dàng.
Thời gian quy định cho một tiết học hầu như các thầy cô phải kéo dài thêm để đủ chậm và kĩ cho học sinh hiểu. Và ngay cả khi, biết học sinh học yếu, giáo viên chủ động mời các em tới phụ đạo thêm miễn phí thì các em cũng không đi học.
Tình trạng bỏ học không phổ biến song thi thoảng nghỉ học để mưu sinh, để làm nương rẫy giúp gia đình vẫn tồn tại. Điều đó, khiến nhiệm vụ người giáo viên càng thêm vất vả. Người giáo viên phải tới từng nhà để nắm bắt hoàn cảnh, thuyết phục động viên để các em trở lại trường lớp. Sau đó lại bỏ công sức để lấp mảng kiến thức các em bị hổng…
Các thầy cô giáo đang công tác tại Minh Quang nói rằng, để trụ vững và trở thành giáo viên tốt ở một xã miền núi nghèo, đầy dẫy khó khăn Minh Quang đòi hỏi sự đam mê, nhiệt huyết chữ tâm... không nhỏ của người thầy.
Chúng tôi, những người đã đến và chứng kiến thực tế Minh Quang đều tin đó là những tâm sự “gan ruột”. Nhưng càng trong thử thách thì hình ảnh những người thầy càng tỏa sáng, nể trọng.
Theo gdtd.vn