Chỉ vừa nói "Anh bận việc chứ đi chơi đâu", anh Hà (Hà Nội) lại được nghe vợ xả một tràng, nào là chồng bao giờ cũng có lý do để về muộn, nào vợ quá mệt không có phút giây nghỉ ngơi. Rồi chị chuyển đề tài sang nói đến việc giá cả mọi thứ đắt đỏ, vợ phải chắt chiu từng đồng, trong khi chồng không để ý gì...
"Tôi nghe xong mà chỉ muốn xách xe đi tiếp. Cô ấy cứ làm như chồng là tội đồ khiến vợ mệt mỏi, túng bấn... trong khi tôi cũng đã rất cố gắng", anh Hà than thở. Anh không dám ra khỏi nhà nữa vì biết như thế sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nảy lửa tiếp với vợ. Ăn cơm xong, vợ giục lau nhà, anh nói để đến sáng mai thì chị đùng đùng vừa tự làm vừa than vãn tiếp. Chồng nóng bừng mặt gào lên: "Cô làm được thì làm, không làm được để đấy, đau hết cả đầu"..., vợ càng vừa khóc vừa kể lể.
"Biết vợ vất vả, biết cô ấy là người hết lòng vì gia đình, nhưng cái kiểu than thở trách móc chả khác gì tra tấn người khác, muốn nhịn mà không nhịn nổi", anh Hà nói.
Cũng có tâm trạng ức chế mỗi khi nghe vợ "mở đài", anh Trung (Trương Định, Hà Nội) cho biết, vợ anh hay than từ những chuyện nhỏ chẳng đáng gì. "Đi làm về thì kêu mệt, công việc quá nhiều, ăn cơm cũng than chán, không nuốt được. Gần hết tháng là than hết tiền mà còn nhiều thứ phải lo. Thấy đồng nghiệp hơn mình là so bì, bảo số khổ không được như người ta", anh kể.
Anh Trung làm ở một công ty vận tải, thỉnh thoảng nghe vợ kể chồng chị bạn này là giám đốc có xe hơi, chồng đồng nghiệp khác làm kinh doanh hay đưa vợ con đi du lịch... với giọng ngao ngán kèm tiếng thở dài, anh lại thấy đắng họng. Những ngày vợ bầu bí thì "món than" càng nặng hơn. Khi không ở gần, anh cũng vẫn đều đều nhận được lời than của vợ. "Sáng vừa đến cơ quan đã nhận được tin nhắn vợ kêu mệt và đau đầu quá vì đêm khó ngủ, trưa vợ lại nhắn bảo không ăn được, buồn chán, tủi thân vì chẳng được ai quan tâm, chăm sóc... Mà hình như mình càng động viên, an ủi vợ càng kêu nên chán, kệ", anh Trung kể.
Ông Văn Thanh Sỹ, chuyên gia tư vấn tâm lý 1088 TP HCM cho rằng bản tính phụ nữ là thích nói ra cảm giác của mình. Họ nhạy cảm và dễ suy diễn, nói ra để xả stress, để nhẹ nhõm trong lòng. Việc cấm vợ than thở chẳng khác gì hành hạ, cưỡng bức tâm lý họ.
Theo ông, người chồng thông minh sẽ chấp nhận việc này, không cho đó là sai trái. Thái độ hằn học, bực tức, chỉ trích khi vợ than vãn của các ông chồng thường sẽ phản tác dụng, tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn: Vợ than - chồng bực - vợ chán, tủi thân hoặc giận dữ, quay lại hành hạ chồng...
"Nếu cảm thấy mức độ 'bán than' của vợ ngày càng tăng, đến mức quá đáng, các anh có thể bày tỏ cảm xúc bằng thái độ bình tĩnh rằng 'em nói mãi thế anh thấy buồn quá, nếu em cứ như vậy anh không chịu được nữa đâu'", nhà tâm lý chia sẻ. Ông cho rằng, các bà vợ được quyền than nhưng cần biết giới hạn, nếu không sẽ khiến "nửa kia" ngày càng mệt mỏi và đánh mất hình ảnh người phụ nữ sâu sắc, tế nhị của mình.
Theo bà Lê Thị Minh Hoa, chuyên gia tư vấn - trị liệu tâm lý 1088 TP HCM, hay than thở là một đặc điểm tâm lý của phụ nữ với mong muốn nhận được những lời động viên, chia sẻ từ bạn đời. Phụ nữ luôn mong có được sự công nhận những đóng góp, công sức của mình từ "nửa kia". Đối với nhiều chị em, dù mệt mấy, vất vả mấy nhưng chỉ cần có lời khen, lời thể hiện sự quan tâm của chồng là quên hết, sẵn sàng lao vào làm mọi việc.
Phụ nữ thường dành hết sự quan tâm cho gia đình. Khi về nhà, chị em muốn được trò chuyện với chồng. Đàn ông lại thường tìm sự yên tĩnh, thảnh thơi khi về với vợ con. Họ coi việc vợ kể lể, cằn nhằn những chuyện nhỏ nhặt là "chuyện đàn bà", không đáng quan tâm. Có người thấy bực bội, cáu gắt, thậm chí bỏ đi. Điều này khiến người vợ cảm thấy tổn thương, lại suy diễn rằng chồng không yêu, không quan tâm đến mình. Cứ thế, vòng tròn luẩn quẩn khiến hai người dễ ngày càng xa nhau.
Để có được tiếng nói chung, theo bà, cả hai cần có sự điều chỉnh và hiểu về tâm lý của người kia. Thực tế, chỉ cần người đàn ông tinh tế một chút, luôn chú ý lắng nghe khi vợ trò chuyện, nói những lời động viên, quan tâm, thể hiện sự chia sẻ việc gia đình... là vợ đã cảm thấy mãn nguyện.
"Chị em cũng cần biết cách nói sao cho đúng lúc, đúng chỗ, không nên quá tập trung vào chồng. Hãy thử tìm niềm vui khác trong cuộc sống của mình, không lệ thuộc hoàn toàn cảm xúc vào chồng, chẳng hạn nếu chồng khen thì vui, chồng không nói gì thì buồn", nhà tâm lý chia sẻ.