Nhiều người trẻ xứ kim chi thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc.
Trên chuyến tàu đêm đông đúc ở Seoul, hầu hết hành khách đều chăm chú nhìn màn hình điện thoại. Vài thanh thiếu niên lướt mạng xã hội, nhân viên văn phòng tranh thủ xem chương trình truyền hình.
Cạnh đó, không ít người, cả già lẫn trẻ, tập trung vào các tranh vẽ màu, liên tục chuyển hết cảnh này đến cảnh khác. Họ đang đắm chìm trong thế giới hư cấu của webtoon (từ ghép giữa “website” và “cartoon”, hiểu đơn giản là truyện tranh số).
Đó là những câu chuyện giả tưởng lãng mạn hay hành động, với các tập được xuất bản thành dải dọc, giống như bức tranh vô tận, theo VICE.
Hàn Quốc bắt đầu số hóa ngành truyện tranh sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990. Các công ty xuất bản truyện tranh tránh được phá sản phải vật lộn để tồn tại. Để giảm chi phí, họ bắt đầu đăng tải truyện tranh trực tuyến vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Tới năm 2004, thuật ngữ “webtoon” ra đời.
Cổng xuất bản webtoon đầu tiên là Daum (năm 2003), tiếp theo là Naver (năm 2004). Năm 2013, Naver vượt qua Daum và hiện là nền tảng webtoon lớn nhất ở Hàn Quốc.
Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) cho biết ngành công nghiệp webtoon của Hàn Quốc trị giá khoảng 577 triệu USD vào năm 2019 và được dự đoán tăng trưởng hàng năm. Ngay cả ở Nhật Bản, xứ sở của truyện tranh và thị trường truyện tranh kỹ thuật số lớn nhất thế giới, webtoon của Hàn Quốc chiếm hơn 70% thị phần, theo nhà cung cấp dữ liệu di động App Annie.
Ở Seoul, webtoon xuất hiện khắp nơi, trên áp phích tại các ga tàu điện ngầm, cửa hàng bán lẻ hay phòng của những người hâm mộ cuồng nhiệt. Chúng cũng được đưa lên TV và phim ảnh.
Một số bộ phim ăn khách được chuyển thể từ webtoon như Reborn Rich, Sweet Home, Business Proposal, Along with the Gods. Khoảng 70% webtoon phổ biến nhất là truyện giả tưởng lãng mạn.
“Điểm chung của tất cả webtoon nổi tiếng là đều có cốt truyện giật gân”, Lee Do-hyun (25 tuổi), nhà phát triển trò chơi board game, nói trong khi đọc webtoon bên trong quán cà phê đông đúc ở thành phố Paju. Anh chờ các tập mới ra mắt lúc 23h30 thứ 6 hàng tuần.
“Tôi thường thích kết thúc một ngày của mình với webtoon. Chúng cho tôi một lối thoát mà không đòi hỏi thời gian hay tiền bạc”, chàng trai cho biết.
Bộ phim Reborn Rich do Song Joong-ki đóng chính được chuyển thể từ webtoon. Ảnh: Tap Comics. |
Phản ánh ước mơ
Hơn một nửa trong số 82 triệu người dùng hàng tháng của Naver Webtoon là phụ nữ, theo The New York Times.
Nền tảng này thu hút độc giả bằng những câu chuyện truyền thống về thiện và ác. Trong Lookism, một chàng trai trẻ tuổi, không có bạn bè, bỗng thức dậy với thân hình cao ráo, đẹp trai; The Remarried Empress kể về nhân vật chính tái hôn; UnOrdinary xoay quanh một thiếu niên mang quá khứ bí mật có nguy cơ làm sụp đổ hệ thống phân cấp xã hội ở trường trung học của cậu.
Leeanne Krecic, nghỉ công việc IT vài năm trước để tập trung vẽ truyện tranh, cho rằng độc giả cảm thấy có sự liên kết với cuộc đấu tranh của nhân vật chính trong chuyện sự nghiệp hay hẹn hò.
“Phần lớn truyện tranh Mỹ là câu chuyện về anh hùng. Điều đó thật tuyệt, không có gì sai trái. Nhưng ở Hàn Quốc và Nhật Bản, chúng kể câu chuyện tình lãng mạn, thanh xuân học đường”, cô nói.
Ken Kim, Giám đốc điều hành của Webtoon tại Bắc Mỹ, nói rằng những người sáng tạo kỹ thuật số thành công hiểu rằng độc giả trẻ tuổi, đối tượng nhân khẩu học mục tiêu của nền tảng, có xu hướng thích những câu chuyện phản ánh lối sống và ước mơ của họ.
Tapas Media, nền tảng truyện tranh lớn khác, cho biết hơn 80% độc giả của họ trong độ tuổi 17-25 và khoảng 2/3 là phụ nữ. Một số bộ truyện nổi tiếng nhất xoay quanh những chủ đề mà thế hệ độc giả trẻ hiện nay có thể liên hệ trực tiếp.
Một khách hàng đọc webtoon trong quán cà phê ở Paju. Ảnh: David D.Lee. |
Park Soo-in, webtoonist (họa sĩ webtoon) nhận bằng tiến sĩ về phim truyện hoạt hình từ Đại học Saika ở Kyoto (Nhật Bản), nói với The Dongguk Post rằng thời đại webtoon có thể được chia thành 2 giai đoạn. Thế hệ đầu tiên bắt đầu dưới dạng nhật ký hình ảnh trên trang cá nhân của tác giả. Thế hệ thứ 2 phát triển về mặt thương mại hơn. Nhiều họa sĩ cập nhật tác phẩm của họ trên các cổng web lớn như Naver, Daum và được trả phí.
Park cho rằng lý do đầu tiên khiến webtoon trở nên phổ biến là sự bùng nổ của hình ảnh “kẻ thất bại” (trong tiếng Hàn là “ing-yeo”). Theo cuốn sách của Kim Soo-hwan, giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, những người thuộc thế hệ trẻ đầu những năm 2010 phải vật lộn với cuộc sống khó khăn. Họ tỏ ra đồng cảm với webtoon có nội dung về những nhân vật bình thường và cố gắng trở thành người đặc biệt.
Yếu tố tiếp theo góp phần vào sự bùng nổ webtoon là truyền thông. Sự tương tác giữa tác giả và người xem rất dễ dàng, giúp truyện tranh số trở thành xu hướng văn hóa hàng đầu. Vai trò của khán giả ngày càng lớn bởi sức lan tỏa của web mạnh hơn giấy rất nhiều.
Khả năng tiếp cận cũng là lý do khiến xu hướng webtoon lan rộng. Sự phát triển của điện thoại thông minh và máy tính bảng giúp mọi người truy cập các trang web để đọc webtoon thuận tiện, ở mọi lúc mọi nơi. Ở Hàn Quốc, việc mọi người nhìn xuống màn hình để đọc webtoon đã trở nên phổ biến khi đi lại bằng xe buýt, tàu hỏa hoặc đi bộ trên đường phố.
Hơn nữa, webtoon miễn phí hoặc có giá rất rẻ. Theo một báo cáo năm 2020 từ KOCCA, hơn một nửa số người được hỏi trả phí đọc webtoon chi ít hơn 5.000 won (4,5 USD) mỗi tháng, chỉ là phần nhỏ so với vé xem phim trung bình (11,5 USD).
Lee Hyun-chul, Giám đốc điều hành của Ant Studio, cho hay việc sản xuất một tập webtoon chỉ tốn khoảng 2-3 triệu won (1.767 - 2.651 USD).
Theo Al Jazeera, vì hầu hết người dùng Internet xem truyện tranh trên điện thoại thông minh, webtoon áp dụng kiểu cuộn dọc để đọc.
Seo Bum-gang, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Webtoon Hàn Quốc, nói: “Kiểu đọc này mang lại cho độc giả cảm giác chuyển động như một cái nhìn hoặc dòng thời gian. Họ có thể dễ dàng liên tưởng với một bộ phim điện ảnh”.
Vươn ra thế giới
Sự phổ biến của webtoon nhanh chóng lan sang các bộ phim truyền hình, điện ảnh và trò chơi.
Kể từ cuối những năm 2000, ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc bận rộn chuyển thể webtoon. Sau thành công vang dội của loạt phim truyền hình Misaeng năm 2014, webtoon đã trở thành nguồn cảm hứng chính cho làng giải trí Hàn Quốc.
Misaeng mô tả cuộc đấu tranh hàng ngày của dân công sở trong nền văn hóa doanh nghiệp có thứ bậc và cạnh tranh khốc liệt của Hàn Quốc. Phiên bản webtoon nhanh chóng thu hút hơn một tỷ lượt truy cập trên Daum.
The báo cáo trong ngành, doanh số bán các sản phẩm nhân vật trong phim dùng và đồ văn phòng nói chung tăng vọt sau khi bộ phim được phát sóng.
Nhân vật chính "xuyên không" về quá khứ cũng là chủ đề khá phổ biến trong các webtoon hiện đại, theo CBR.
Sức ảnh hưởng của webtoon còn vượt ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc và cạnh tranh với truyện tranh Mỹ, Nhật Bản
Naver Webtoon có 65% tổng lưu lượng xem webtoon ở Hàn Quốc vào năm 2019. Được biết đến với tên gọi quốc tế là Line Webtoon, họ cung cấp nội dung được dịch bằng 9 ngôn ngữ khác nhau cho hơn 100 quốc gia và vượt qua 72 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên thị trường toàn cầu.
Tác giả webtoon True Beauty Yaongyi (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh với người hâm mộ tại Amazing Festival ở Paris. Ảnh: Naver Webtoon. |
Trong ngành công nghiệp tỷ USD, dù không thể xác định chính xác thu nhập của các họa sĩ webtoon, một số ước tính gần đây cho thấy nhiều người đang có thu nhập khủng và giàu lên sau một đêm nhờ các tác phẩm của mình, theo Korea Joongang Daily.
Ngày nay, các họa sĩ webtoon xuất hiện trên chương trình truyền hình và có những kênh truyền thông xã hội với hàng triệu người đăng ký.
Lee Mal Nyun, người sáng tác webtoon Lee Mal Nyun series, cho biết chỉ riêng số tiền anh kiếm qua mạng xã hội tương đương với lương của một giám đốc điều hành tập đoàn.
Nhờ sự thành công của Along with the Gods, bộ webtoon được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, họa sĩ Joo Ho Min đã mua nhà cho mình và bố mẹ.
Từ năm 2020, webtoonist là một trong 10 công việc mơ ước hàng đầu của trẻ em tiểu học tại Hàn Quốc. Khoảng 10 năm trước, người dân xứ kim chi từng thắc mắc webtoon là gì, nhưng bây giờ mọi người đang muốn biết làm thế nào để trở thành webtoonist.
Theo Naver, những họa sĩ webtoon hàng đầu kiếm được hơn 10 tỷ won/năm. Các họa sĩ đã kiếm được gấp đôi thu nhập trung bình hàng năm ở Hàn Quốc vào năm 2021, theo KOCCA.
Tất nhiên, không dễ dàng để đạt được thu nhập khủng như vậy. Để tạo ra 60-70 khung hình ảnh minh họa mỗi tuần, các webtoonist thường làm việc cả đêm, đồng thời còn phải giải quyết những bình luận thù ghét mà khán giả để lại trên các tài khoản mạng xã hội.
Đối mặt với quy mô của hiện tượng webtoon, những gã khổng lồ trong lĩnh vực giải trí như Netflix đang bắt tay vào việc chuyển thể webtoon thành phim hoạt hình dài tập và phim điện ảnh, Lifestyle Asia đưa tin.
Dal Yong Jin, giáo sư tại Đại học Simon Fraser (Canada), nhận định nhiều dự án kiểu này có thể được thực hiện trong những năm tới.
“Các câu chuyện trong webtoon rất thú vị, mới mẻ và chứa đựng những hình ảnh trực quan hấp dẫn, thậm chí chứa cả âm thanh, đã nảy sinh cơ hội để chuyển thể chúng thành phim ảnh. Giấc mơ về văn hóa màn ảnh rộng của webtoon sẽ tiếp tục phát triển”, ông viết trong một nghiên cứu về đề tài này.
Ngày nay, ai cũng mang theo điện thoại và điều này có nghĩa là trên thực tế, bất kỳ ai cũng có thể xem webtoon.
Lee Do-hyun chỉ mất 2-3 phút để xem xong một tập webtoon. Ngồi một mình trong quán cà phê ở Paju, anh lướt với tốc độ cực nhanh. Sau khi hoàn thành một bộ anh chuyển sang phần tiếp theo, trôi dạt đến thế giới khác.
Link gốc: https://zingnews.vn/noi-nguoi-han-tim-thay-loi-thoat-khoi-cuoc-song-kho-khan-post1382638.html