> Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói về giá xăng, sữa
> Vẫn nặng xin - cho
Từng mặt hàng sữa sẽ được xem xét có nằm trong danh mục quản lý giá. Ảnh: HV. |
Làm rõ “sữa” và “thực phẩm bổ sung”
Liên quan đến việc giá sữa ngoại tăng cao, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ Phó Thị trường trong nước cho biết, thực tế, từ đầu năm tới nay, một số hãng sữa tăng giá 10-15%. Theo ông, nếu là sữa, sẽ nằm trong diện điều chỉnh của Luật giá. Tuy nhiên, các hãng sữa đã “lách” bằng cách đổi thành những tên gọi khác như “sản phẩm công thức”, “sản phẩm dinh dưỡng”... Do không phải tên gọi là “sữa”, nên không thuộc quy định điều chỉnh của Luật giá, đây cũng chính là nguyên nhân đẩy giá sữa thời gian qua.
Ông Chiến cho biết, ngày 29/9, Thủ tướng có chỉ đạo, giao trách nhiệm cho Bộ Y tế, phối hợp với Bộ Tài chính, Công Thương, ban hành danh mục sữa và sản phẩm sữa. Ngày 5/10, danh mục trên sẽ được công bố. Các sản phẩm trên thuộc diện bình ổn giá, kê khai, đăng ký giá. Bộ Tài chính căn cứ vào đó, phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra các doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng này.
“Việc này sẽ hạn chế các DN kê khai giá không đúng. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra cơ cấu giá có phù hợp không, nếu không sẽ phải điều chỉnh. DN nào làm sai, sẽ xử phạt theo quy định”-ông Chiến nói. Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cũng cho rằng, người tiêu dùng cần phát huy quyền của mình, phản ánh những sản phẩm bán không đúng giá niêm yết, để cơ quan chức năng xử lý. Người tiêu dùng cứ im lặng, còn DN thấy việc tăng giá vẫn bán được thì họ cứ thế lách luật.
Về thông tin thương nhân Trung Quốc vào nước ta tranh mua tôm nguyên liệu, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Quản lý Thị trường cho biết, tình hình trên đã có từ lâu. Cách đây 1-2 năm, như ở Cà Mau, một số thương lái, lợi dụng bà con, dùng tiền để gom tôm. Các thương lái nước ngoài thường hoạt động chui, phương thức tinh vi, nhiều bà con chưa hiểu hết pháp luật, nên khi giao hàng mà không lấy được tiền.
Theo ông Lam, riêng lực lượng quản lý thị trường đã chỉ đạo xuống các cấp, xử lý nghiêm nếu thấy vi phạm. “Hiện ở đâu đó, tình trạng thương nhân nước ngoài vẫn vào tận nơi để mua, không chỉ thủy hải sản mà còn nhiều sản phẩm khác. Bà con cần thận trọng, không để đối tượng lợi dụng, gây thiệt hại cho mình” - ông Lam nói.
Còn “nặng tính xin cho” là hơi nặng
Về quản lý kinh doanh xăng dầu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngày 18/9 vừa rồi, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ về dự thảo lần cuối nghị định mới quản lý mặt hàng này. So với Nghị định 84 (hiện hành), dự thảo lần này nhiều thay đổi, như cách tính giá cơ sở, công thức tính, tăng tính công khai, minh bạch, cạnh tranh hơn...
Theo Vụ Thị trường trong nước, chẳng hạn khi giá cơ sở tăng 5%, DN có quyền tự quyết, tăng giá bán lẻ tương ứng. “Tuy nhiên, việc giao cho DN tự quyết, không có nghĩa thích làm gì thì làm, mà có sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước. Quản lý phải từ DN đầu mối đến tổng đại lý, đại lý, cửa hàng, vì liên quan đến quản lý chất lượng xăng dầu”- đại diện Bộ Công Thương nói.
Liên quan đến giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, việc tính toán giá bán lẻ không chỉ phụ thuộc vào bình quân giá dầu thế giới trong 30 ngày (giá cơ sở), mà liên quan thuế, quỹ bình ổn, tình hình kinh tế…, làm sao đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người tiêu dùng, DN và Nhà nước. Theo đại diện Bộ Công Thương, các chuyên gia cho rằng, dự thảo nghị định mới còn “nặng tính xin cho”, nhưng mức độ không nặng nề như vậy.
“Việc điều hành là theo cơ chế thị trường, nhưng phải từng bước, chứ không phải áp dụng ngay trong thời điểm nhất định được. Chẳng hạn như giảm biến động giá cơ sở còn 5% (Nghị định 84 là 7%), DN có quyền tự quyết, cũng dần tiến tới thị trường. Các chuyên gia đánh giá nặng xin - cho cũng chưa hợp lý. Tuy nhiên, đây mới là dự thảo, vẫn còn ý kiến, vẫn còn sự sửa đổi”- ông Chiến nói.
Theo Vụ thị trường trong nước, giá dầu cuối tháng 9 này thấp hơn đầu tháng, nhưng có ngày lên, ngày giảm, chứ không phải giảm theo kiểu hôm nay thấp hơn hôm trước. Hiện giá trung bình là trên 114 USD/tấn. “Chúng tôi đang theo dõi sát giá thế giới để tính giá cơ sở. Quan điểm của chúng tôi là nếu giá xăng dầu có thể giảm được là giảm ngay, vì lợi ích của người tiêu dùng” - đại diện Bộ Công Thương nói.