Nỗi lòng một lão nông thắng kiện

Ông Nguyễn Văn Côi trình bày sự việc với phóng viên Tiền Phong cách đây 2 năm về trước . Ảnh: Nguyễn Thành ​
Ông Nguyễn Văn Côi trình bày sự việc với phóng viên Tiền Phong cách đây 2 năm về trước . Ảnh: Nguyễn Thành ​
TP - Khác với hơn 2 năm trước, gặp lại ông Côi sau phiên tòa, ông cười thật tươi, vì bước đầu ông thấy thỏa mãn bởi tòa tuyên công minh và soi xét cả những điều ông không nghĩ đến, khiến ông rất bất ngờ.

Gặp lại lão nông Nguyễn Văn Côi (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Ðà Nẵng) ông cười thật tươi sau khi tạm giành phần thắng ở phiên tòa sơ thẩm ông khiếu kiện các quyết định hành chính thu hồi đất sai quy định của UBND quận Sơn Trà và TP Ðà Nẵng. Hơn 1.200m2 đất ở vị trí trung tâm được chính quyền áp giá đền bù hơn 84 triệu đồng (tương đương 70.000 đồng/m2). Hành trình của lão nông đòi công bằng bước đầu kết thúc bằng một phiên xử văn minh, công tâm.

Vẫn chuyện “Kiến kiện khoai”

Câu chuyện khiếu kiện đất đai của ông Côi không phải là cá biệt ở nhiều địa phương. Nhưng với mức giá đền bù thấp hơn giá thị trường tới 1.000 lần thời kỳ Ðà Nẵng đang “nóng” về bất động sản lại trở nên lạ kỳ.

Ðơn cầu cứu của ông Côi đến một số cơ quan báo chí tại Ðà Nẵng vào tháng 4/2019. Thời điểm đó, chỉ Tiền Phong và một số ít báo tìm hiểu theo đuổi vụ việc. Khu đất cuối đường Lê Hữu Trác, của gia đình ông Côi trong là cây cảnh, các công trình xây dựng, cải tạo mà gia đình ông đã xây lên khi chính quyền địa phương cho phép.

Ông Côi cho biết: Nguồn gốc đất trên là do ông bà để lại, đã có giấy “chứng - thư - kiến - điền” của chế độ cũ cấp ngày 3/9/1963. Qua thời gian sinh sống không có tranh chấp với bất kỳ ai, gia đình ông tiến hành cải tạo để thay đổi mục đích sử dụng và làm nhà ở ổn định từ đó đến nay. Từ năm 1999 gia đình ông đều đóng thuế nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật. Năm 2003, ông có xin phép để cải tạo đất và đã được UBND phường Phước Mỹ xác nhận và đăng ký hộ kinh doanh cà phê giải khát, mua bán hoa và cây cảnh, nộp thuế môn bài hàng năm. Theo ông Côi, toàn bộ diện tích đất của gia đình ông hoàn toàn đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều lần gia đình ông đề nghị được cấp giấy chứng nhận thì không được.

Ngày 15/1/2019, UBND quận Sơn Trà ra quyết định 175 thu hồi đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bàu Gia Phước. Theo đó, thửa đất số 84, tờ bản đồ số 41 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) có diện tích hơn 2.069m2  bị thu hồi hơn 1.200m2  để thực hiện dự án. Diện tích này được áp giá đền bù là đất trồng cây hàng năm với đơn giá 70.000 đồng/m2 , tương đương hơn 84 triệu đồng. Ngoài ra, nhà cửa được áp giá hơn 12 triệu đồng, vật kiến trúc hơn 52 triệu đồng, cây cối hoa màu hơn 28 triệu đồng. Mức giá đền bù không thể nào thấp hơn và ngoài sức tưởng tượng của ông và gia đình, ông quyết định khiếu nại.

Ông tìm gặp một luật sư và được tư vấn nên khởi kiện ra tòa để toà phán xử là công bằng, thay vì phải đơn thư, trình bày, gõ cửa nhiều nơi. Ðơn của ông được Tòa án Nhân dân TP Ðà Nẵng thụ lý. Qua vài lần hoãn vì dịch COVID-19, phiên tòa sơ thẩm hôm 28/9 mới đây chỉ rõ các vi phạm về trình tự thủ tục, thẩm quyền trong các quyết định đền bù đất đai của quận Sơn Trà và TP Ðà Nẵng. Tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Côi, hủy các quyết định hành chính của UBND TP Ðà Nẵng và UBND quận Sơn Trà, trong đó có Quyết định số 175 ngày 15/1/2019.

Trong khu vườn rợp cây xanh, ngồi tâm sự việc đúng sai, lão nông 62 tuổi gầy gò liên tưởng tới nghề làm cây cảnh mà ông gắn bó mấy chục năm nay. “Là dân chăm cây cảnh, khi cây thế đã sai thì dứt khoát phải cắt mới ra hình ra dáng. Ðã sai mà bảo tôi đi theo cái sai thì dứt khoát tôi không theo. Tôi theo lại thành sai nữa. Sai nối sai sao được”.

Lòng dân thỏa mãn

Sau phiên tòa, ông Côi thậm chí thấy hơi “bất ngờ”, bởi tòa đã công minh và soi xét cả những điều ông không nghĩ đến. Ðó là tòa đã đưa cả các quyết định phê duyệt dự án của thành phố, cho đến các văn bản hành chính rồi chiếu theo các quy định của luật và chỉ rõ các vi phạm trình tự về thủ tục, cũng như quyền hạn ban hành… Tất cả đều chi tiết và sáng tỏ.

“Mình là nông dân ăn cục nói hòn, không am hiểu pháp luật, cán bộ nói sao thì nghe vậy. Chỉ thấy giá đền bù không công bằng nên lòng không đồng thuận, chứ không chống đối gì. Phiên tòa sơ thẩm xử rất công minh, lòng dân như được mở. Bản chất là nông dân, tôi chỉ mong một ngày mọi việc ổn để được thảnh thơi”, ông Côi bộc bạch.

Hành trình gần 2 năm, ông Côi cho hay đã ít nhất qua 5 lần đối thoại với chính quyền quận và thành phố, nhưng vẫn không đạt được tiếng nói chung. Ông kể, lần gần nhất là trước khi phiên tòa sơ thẩm được mở, ông được mời đối thoại với lãnh đạo thành phố. Hôm đó, có đầy đủ sở, ban ngành, ông rất mừng vì chính quyền đã cầu thị và lắng nghe ý kiến của ông. Tại buổi đối thoại này, lãnh đạo thành phố nói với ông sẽ đồng ý chấp nhận chuyển hơn 850m2 đất còn lại thành đất ở và cho ông 2 ngày để suy nghĩ. Nhưng rốt cuộc ông không đồng ý. “Việc của tôi là thực tế. Tôi khiếu kiện việc thu hồi hơn 1.200m2 chứ không khiếu kiện 850m2 đất đó”, ông Côi kể.

Ông cũng bộc bạch chân tình với lãnh đạo thành phố rằng: “Lãnh đạo như là cha là mẹ trong một gia đình. Trong gia đình bất bình đẳng với con cái là đã có chuyện, huống hồ gì đây là xã hội. Lòng dân đâu hẹp hòi gì, tôi sẵn sàng hiến 300m2 đất để mở đường nhưng với điều kiện phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân. Không thể lấy bên này bỏ qua bên kia. Cái tôi và gia đình cần là sự công bằng”.

Trước khi chia tay, ông lão rút ruột gan chia sẻ: “Người dân không bao giờ nghĩ này nghĩ kia, bởi quê hương, xứ sở ở đây, tôi có hơn 20 năm trời là nông dân thi đua, kinh doanh giỏi, gắn bó với sự phát triển thăng trầm của thành phố. Thành phố văn minh phải đi cùng sự công bằng, xã hội. Phát triển văn minh không thể có trường hợp người như này, người như khác.

MỚI - NÓNG