> Chưa thu phí hạn chế phương tiện cá nhân
Việc hạn chế xe máy, được những người xây dựng đề án đưa ra với mục tiêu giảm ùn tắc và hạn chế ô nhiễm.
Đây được xem là mục tiêu tốt mà chúng ta phải hướng đến. Chỉ có điều, giao thông vốn phức tạp, gắn chặt với các điều kiện về kinh tế và xã hội, nên thận trọng khi đưa ra quyết định.
Có chuyên gia giao thông nước ngoài từng thốt lên: “Giao thông tại Hà Nội chẳng giống nước nào trên thế giới”.
Và thực tế là dù có thể đổ hàng chục triệu đô la, dù phương án tổ chức giao thông có do những chuyên gia hàng đầu thế giới đảm nhiệm nhưng thiếu hiểu biết sâu sắc về đặc điểm Hà Nội thì các giải pháp vẫn thất bại.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các giải pháp về giao thông của chúng ta cứ quanh quẩn mãi và ngay cả những người làm chính sách cũng chưa hẳn có niềm tin vững chắc rằng chính sách đưa ra sẽ thành công.
Phải chăng chúng ta đang né tránh một sự thật đó là vấn đề tư duy sai về quy hoạch, xây dựng và phân bố dân cư đô thị và thiếu trầm trọng cơ sở hạ tầng dẫn đến ùn tắc tại các đô thị.
Vì sao chúng ta thiếu đường? Vì đô thị của chúng ta là “đô thị nhà ống” phủ kín diện tích các đô thị với mật độ xây dựng dày đặc. Đất dành cho làm đường thiếu, đất đỗ xe thiếu.
Trong khi đó “đô thị nhà ống” là nguồn cơn của buôn bán vỉa hè. “Hà Nội là một đại siêu thị”. Đã là một “siêu chợ” không ùn tắc mới lạ.
Nhìn vào chiếc xe máy, công bằng mà nói, chính quyền phải biết ơn người dân khi họ đã tự móc hầu bao để sắm phương tiện đi lại cho mình thay vì Nhà nước phải đầu tư cho người dân phương tiện công cộng để đi lại.
Vì lẽ đó, việc cần làm hơn cả là chính quyền hãy nghĩ đến việc đầu tư phương tiện đảm bảo được nhu cầu đi lại cho người dân trước khi nghĩ đến việc hạn chế xe máy.
Khi Nhà nước chưa đầu tư thỏa đáng cho kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng thì việc hạn chế phương tiện cá nhân xem ra sẽ còn nhiều chật vật.