Chừng nào hàng loạt ẩn số chưa được làm sáng tỏ, chừng đó việc cho tích nước hồ Sông Tranh 2 sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro.
Kỳ 1 - Chưa có tiền lệ
Liệu có phải Thủy điện Sông Tranh được thiết kế và xây dựng dựa hoàn toàn trên sách vở và bản đồ phân vùng động đất?
Quan trắc nhanh mực nước thấm trong hầm thủy điện Sông Tranh ngày 8-9. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Hòa Bình là Hòa Bình, Sông Tranh là Sông Tranh
Vùng Sông Tranh 2 không nằm trong vùng có tiềm năng động đất lớn như đối với vùng Hòa Bình. Dung tích hồ chứa Sông Tranh 2 chỉ bằng nửa so với Hòa Bình. Vậy động đất đã xảy ra thế nào?
Chỉ chín tháng sau màn dạo đầu những tiếng nổ ì ùng dưới đất cuối năm ngoái, tối 3-9-2012, xảy ra trận động đất 4,2 độ richter, năng lượng tương đương 200 tấn thuốc nổ TNT. Sáng 6-9, xảy ra trận 3,4 độ richter. Một ngày sau, xảy ra trận mạnh ngang với trận mạnh nhất hôm 3-9.
Nếu ai đó nói đã cung cấp đủ số liệu về lịch sử động đất để xây dựng các kịch bản động đất cho huyện Bắc Trà My và để làm cơ sở để thiết kế các công trình thủy điện ở huyện này thì người đó đã nói dối |
Đến thời điểm này có thể thấy, động đất diễn ra ở Sông Tranh 2 không giống ở Hòa Bình. Ở Hòa Bình, các trận động đất lớn xảy ra cách xa nhau về thời gian, và rất xa so với thời điểm tích nước.
Tại Hòa Bình, phải ba năm sau khi hồ tích nước, mới xảy ra các trận động đất mạnh 4,2-4,9 độ richter và các trận này cách nhau một tháng.
Trong khi đó, tại Sông Tranh 2, chưa đầy một năm sau khi hồ tích nước dung tích bằng nửa so với hồ Hòa Bình, đã xảy ra hai trận mạnh 4,2 độ richter và chúng cách nhau chỉ bốn ngày.
Mặt khác, tại sao các trận động đất lớn nhất kể từ khi hồ thủy điện Sông Tranh tích nước lại xảy ra cách xa hồ và đều nằm gần các đứt gãy địa chất? Có hay không hai loại hình động đất đang xảy ra ở Sông Tranh 2? Từ tháng 11-2011 đến tháng 4-2012 là các trận động đất kích thích, còn gọi là động đất hồ chứa, mạnh trên dưới 3 độ richter đều quanh quẩn chân đập. Đấy có phải là động đất kích thích không? Vì sao? Còn dồn dập bốn trận lớn nhất từ mùng 3-9 đến 7-9 là động đất kiểu gì? Có phải đấy là do kiến tạo vỏ trái đất?
Có hay không nguy cơ động đất kép, tức là vừa động đất kích thích do hồ chứa và vừa động đất do kiến tạo địa chất? “Tôi đã trình bày quan điểm về nguy cơ động đất do kiến tạo ở thủy điện Sông Tranh 2 tại Viện Vật lý địa cầu (VLĐC) ngày 6-9 và không ai phản đối”, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất&Cảnh báo Sóng thần, Viện VLĐC, nói.
“Không loại trừ khả năng có thể đồng thời xảy ra động đất kích thích do hồ chứa và động đất do kiến tạo vỏ trái đất kiểu như ba trận điển hình vừa rồi”.
Xem sách, yên tâm Sông Tranh
Đúng như công bố tại cuộc họp chiều 12-9, các nghiên cứu của Viện VLĐC, cơ quan được Chính phủ chính thức giao nghiên cứu động đất trên lãnh thổ Việt Nam (VN), đều không cho thấy tỉnh Quảng Nam nằm ở vùng có nguy cơ động đất cao.
Trong một tài liệu mới nhất của Viện VLĐC đang trong quá trình soạn thảo và chưa gửi đi nhà in nào, chương “Các thiên tai địa vật lý” có nhắc lại một tấm bản đồ kinh điển của Viện VLĐC được xây dựng bởi nhiều thế hệ chuyên gia địa chấn trong và ngoài nước. Bản đồ biểu diễn phân bố của các chấn tâm động đất ghi nhận được và các hệ thống đứt gẫy kiến tạo có khả năng phát sinh động đất trên lãnh thổ và các vùng biển của VN.
Từ bản đồ, sách diễn giải “có thể thấy rất rõ một số quy luật biểu hiện động đất ở VN như: 1) miền Bắc có độ hoạt động động đất mãnh liệt hơn nhiều so với miền Nam; 2) những trận động đất mạnh nhất tập trung tại vùng tây bắc lãnh thổ VN; và 3) trên phần phía nam đất nước, động đất xảy ra chủ yếu ở ngoài khơi, trên vùng thềm lục địa miền trung và đông nam”.
Như vậy, căn cứ vào các nghiên cứu cơ bản đó, các nhà khoa học và quan chức ở Viện VLĐC, Bộ Khoa học&Công nghệ, Bộ Công Thương, và Bộ Xây dựng mới lý giải các hiện tượng động đất ở Sông Tranh 2 là bình thường, hợp quy luật.
Bàn giấy nhiều, thực địa ít
Nhưng nếu chỉ căn cứ vào sách mà áp dụng ngay cho xây dựng sẽ là sai lầm lớn. “Chỉ lấy số liệu trong tập bản đồ tỷ lệ một phần triệu về phân vùng động đất VN và độ nguy hiểm động đất lãnh thổ VN để thiết kế và xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 là không được”, theo GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, một trong những nhà địa chất kỳ cựu và có uy tín nhất ở VN hiện nay.
Các bản đồ này nằm trong bộ Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam (TC XDVN 375:2006) thiết kế công trình chịu động đất, do Nhà Xuất bản Xây dựng ấn hành.
Tập bản đồ được tập thể tác giả Viện VLĐC xây dựng năm 2003 bằng phương pháp xác suất. Điều đó có nghĩa là, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, giới hạn động đất cực đại tại các đứt gãy gần thủy điện Sông Tranh 2 nêu trong tập bản đồ là số liệu được tính toán bằng lý thuyết hay bằng phương pháp xác suất.
“Với những thông tin mà tôi có được, dường như không có bất cứ khảo sát cụ thể nào về điều kiện địa chấn ở huyện Bắc Trà My trước khi khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Nếu chỉ căn cứ vào các số liệu động đất lý thuyết trong bộ tiêu chuẩn thì thật mạo hiểm”, GS.TS Nguyễn Đình Xuyên nói.
Nhà khoa học trên 40 năm kinh nghiệm nói, vì lý do lịch sử, các số liệu động đất ở Việt Nam (VN) dựa rất ít vào kết quả quan trắc thực địa. Thay vào đó, chúng được xây dựng chủ yếu trên cơ sở so sánh và đối chiếu với các trường hợp tương tự trên thế giới để suy ra con số tương đương.
Chẳng hạn, khi thiết kế xây dựng thủy điện Hòa Bình, giới hạn động đất cực đại của các đứt gãy nằm trên vùng ảnh hưởng của hồ thủy điện Hòa Bình được chuyên gia Liên Xô tính toán dựa trên cơ sở so sánh số liệu địa chất ở một vùng của bang California, Mỹ.
Trên cơ sở đó, họ áp con số giới hạn động đất cực đại 5,2 độ richter cho các đứt gãy Chợ Bờ và Mường La-Bắc Yên, một đứt gãy chạy qua chân công trình thủy điện Sơn La lớn nhất nước.
Theo PGS.TSKH Vũ Cao Minh, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, hoàn cảnh lúc đó không cho phép ta làm tốt hơn thì buộc phải chấp nhận cách tính toán sách vở như vậy.
Cũng may là thủy điện Hòa Bình đến giờ chưa xảy ra vấn đề gì. Nhưng điều đó không có nghĩa các công trình sau này cũng được phép đi theo cách suy đoán lý thuyết như vậy.
GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, người đi cùng với lịch sử nghiên cứu động đất VN, hồi tưởng những giai đoạn thăng trầm của ngành khoa học non trẻ nhưng ít được quan tâm này ở nước ta.
Trạm địa chấn đầu tiên trên lãnh thổ VN được người Pháp xây dựng vào năm 1924 tại Phủ Liễn, sau đó có trạm địa chấn tại Sa Pa, Lào Cai. Ở miền Nam, một trạm địa chấn chu kỳ dài được các nhà địa chấn Mỹ lắp đặt tại Viện Hải dương học Nha Trang.
Năm 1967, một trạm địa chấn nữa được xây dựng trên miền Bắc VN, đó là trạm Bắc Giang. Đến nay, phát triển đến 25 trạm địa chấn ghi số, trong đó 9 trạm truyền tín hiệu trực tiếp về Viện VLĐC qua sóng vô tuyến.
Bản thân 25 trạm của ta, từ năm 2009 đổ về trước, đều lạc hậu với các máy địa chấn chu kỳ ngắn. Hàng chục năm trước đây, các máy này được sử dụng phổ biến để đo các động đất địa phương, tức các trận động đất gần.
Chỉ một phần năm trong số 25 trạm hiện hành vừa được nâng cấp lên thành các trạm địa chấn dải rộng, loại thiết bị có thể ghi nhận được cả động đất xa lẫn động đất gần.
Năm ngoái, Viện VLĐC mua và lắp đặt được cho năm trạm mới. Năm nay có kế hoạch mua thêm 12-18 trạm. Nhưng tiến độ bị chậm do mất nhiều thời gian xin đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mỗi trạm.
Trên một vùng bán kính 30 km tính từ chân đập thủy điện sông Tranh từ trận động đất ngày 3-9 đến ngày 10-9, ghi được hai quần tụ động đất.
Trong hai quần tụ với tổng cộng 29 điểm ấy, chỉ có bốn điểm được ghi bằng máy địa chấn, tức là xác định được độ lớn và độ sâu chấn tiêu.
Toàn bộ 25 điểm còn lại chỉ là các điểm định tính được xác định tạm bởi các máy đo gia tốc nền của Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3, tức không xác định được chúng là các trận động đất mạnh cấp mấy, độ sâu chấn tiêu bao nhiêu. Những gì đang diễn ra còn thế huống hồ trong lịch sử.
Còn nữa
Yêu cầu cấp thông tin chính xác cho người dân Ngày 14-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, báo cáo tình hình an toàn vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2, đồng thời phải cung cấp các số liệu từ các thiết bị quan trắc đặt tại công trình về động đất xảy ra tại đập cho UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Trà My và các cơ quan có liên quan của tỉnh để theo dõi, chỉ đạo và thông tin chính xác, kịp thời đến người dân trong khu vực. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&CN phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu các nguyên nhân gây rung chấn động đất đồng thời chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu cập nhật, cung cấp thông tin từ trạm quan trắc tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế và các trạm quan trắc khác có liên quan cho UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan có liên quan để có thông tin đầy đủ, khách quan trong việc đánh giá tình hình động đất tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. * Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Đức Toàn, Phó ban quản lý dự án thủy điện 3 của EVN cho biết: “Ban quản lý đã làm việc với nhà nhập khẩu là Cty TNHH Techcom Life Technologies Việt Nam và yêu cầu họ hoàn thiện thủ tục nhập khẩu lô hàng vì đã thanh toán đầy đủ theo hợp đồng đã ký. Việc lô hàng bị ách tại Nội Bài do công ty trên là đơn vị chuyên làm dịch vụ thương mại và có nợ tiền thuế nhập khẩu của một lô hàng nhập về cho đơn vị khác, không phải nhập cho EVN. Dự kiến, trong tuần tới lô hàng sẽ được chuyển về đến Quảng Nam để lắp đặt”. |